Giới chuyên gia và các nhà báo cho biết, kinh tế Mỹ đã trải qua giai đoạn rất khó khăn trong thời gian vừa qua, trong đó một phần quan trọng liên quan đến thâm hụt ngân sách ở mức kỷ lục, buộc Bộ Tài chính Mỹ phải hành động.
Mặc dù nguy cơ nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng dẫn tới sụp đổ, hay chính phủ bước vào tình trạng “đóng cửa”, hoặc đời sống người dân suy giảm mạnh… đã có thể loại trừ nhưng vẫn còn không ít đe dọa.
Nhiều nhà phân tích nhấn mạnh, hệ thống tài chính của nước Mỹ đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng mà Washington chưa từng gặp phải trước đây, tạp chí chuyên ngành Financial Times (FT) đã có một bài viết rất đáng chú ý.
Tình hình đặc biệt được chú ý bởi bước đi của Bộ Tài chính Mỹ, trong 3 tháng tới, họ sẽ tổ chức cuộc phát hành trái phiếu lớn nhất lịch sử để cố gắng lấp đầy thâm hụt ngân sách liên bang đang tăng cao.
Các quan chức Mỹ bị bắt buộc phải thực hiện bước đi như vậy trong hoàn cảnh đòi hỏi phải đưa ra biện pháp quyết liệt nhằm bù đắp cho ngân sách bị thâm hụt mạnh.
Đợt chào bán trái phiếu chính phủ đầu tiên diễn ra vào tháng 4/2024 với trị giá hơn 70 tỷ USD, sẽ là đợt phát hành trái phiếu có kỳ hạn từ hai năm trở lên lớn nhất từ trước đến nay.
Washington đã tăng cường vay tiền từ dân chúng và các nhà đầu tư nước ngoài trong vài quý vừa qua, khi khoảng cách giữa chi tiêu chính phủ và thu thuế ngày càng lớn. Năm ngoái, thâm hụt ngân sách liên bang lên tới 1,7 nghìn tỷ.
Nhưng theo giới quan sát nhận xét, ngay cả việc phát hành trái phiếu với số lượng kỷ lục cũng sẽ không giải quyết được vấn đề lớn của nền kinh tế Mỹ.
Mặc dù vậy đối với chính quyền liên bang, ngay cả sự hỗ trợ dù là ít ỏi giờ đây cũng có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là trong năm bầu cử. Nhiều khả năng một phần đáng kể số tiền này sẽ được cung cấp cho Ukraine vào năm 2024.
Các nhà chức trách hiện tại sẽ không thể che giấu vấn đề nợ quốc gia đang tăng theo cấp số nhân. Giữa chiến dịch bầu cử, những đồn đoán liên quan đến chủ đề nhạy cảm này có lẽ sẽ gây ra những cuộc tranh luận giữa hai đảng lớn.
Tin xấu chưa dừng lại ở đó đối với nền kinh tế và ngành ngân hàng Mỹ. Đúng một giờ sau khi Bộ Tài chính tuyên bố phát hành trái chiến chính phủ, Cục Dự trữ Liên bang (FED) cũng đưa ra tuyên bố cứng rắn.
Chủ tịch FED đã đập tan những hy vọng cuối cùng của doanh nghiệp khi thông báo rằng họ không nên mong đợi việc giảm lãi suất trong trung hạn, điều này có thể sẽ chỉ xảy ra vào cuối năm nay.
Tình hình tài chính Mỹ chưa bao giờ tồi tệ hơn trong một thời gian dài như vậy, các nhà phân tích và chuyên gia chia sẻ ấn tượng của họ khi các chỉ số chứng khoán quan trọng ngay lập tức "chìm xuống".
Tạp chí Financial Times viết rằng tình trạng hiện tại trên các sàn giao dịch ở Phố Wall là cực kỳ lạnh lẽo, không khác gì so với thời tiết bên ngoài.