Bỏ ra 60 triệu mua nước ngọt tưới, vẫn không cứu được vườn chôm chôm
Trước khi mưa xuất hiện, nhiều vườn trái cây của nông dân ở miền Tây lâm cảnh héo úa vì hạn, mặn. Không thể cứu vườn, người dân đành đốn bỏ lấy củi và lúng túng không biết sẽ trồng lại cây gì trước những biến đổi của thời tiết cực đoan.
Vườn chôm chôm 8 công hơn 25 năm tuổi đang bị chết khô dù trước đó bỏ số tiền 60 triệu đồng mua nước ngọt, ông Hồ Văn Thân (ngụ xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) buồn bã cho biết: "Chỉ một trận hạn mặn vừa rồi mà vườn chết sạch. Đây là nguồn thu nuôi sống gia đình nên không biết sắp tới phải sống sao”.
Theo ông Thân, những năm trước, với diện tích chôm chôm trên trừ hết các khoản chi phí phân, thuốc… gia đình còn lợi nhuận từ 150 – 200 triệu đồng/năm. Do cây không thể cứu chữa nên gia đình quyết định đốn làm củi, bán với giá 200 ngàn đồng/thước.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Dung (ngụ xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Mùa hạn mặn đến gia đình ăn ngủ không yên. Cuối cùng vườn sầu riêng là nguồn thu nhập chính rơi vào cảnh chết héo”.
May mắn cứu được vườn nhưng đến mùa thu hoạch trái lại bị thương lái từ chối mua. Bà Nguyễn Thị Anh Châu (ngụ xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) nói: “Thường chôm chôm đạt trọng lượng 28 trái/kg, nhưng do ảnh hưởng của hạn mặn nên 60 trái vẫn không đến 1kg. Ngoài nhẹ cân, trái còn ít cơm, bị chua và không có nước nên họ từ chối mua cũng phải”.
Bị ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc bán trái cây với giả rẻ cho chất lượng giảm, nhiều nhà vườn ở miền Tây đốn vườn. Tuy nhiên họ đang tiến thoái lưỡng nan vì không biết trồng loại cây gì để thích ứng.