Bộ Nội vụ đã có ý kiến, Bộ Giáo dục có sửa các Thông tư 01, 02, 03, 04?

Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT ra đời vào thời điểm tháng 02/2021 và từ đó đến nay vẫn đang có quá nhiều ý kiến không đồng tình của đội ngũ nhà giáo.

Chưa bao giờ đội ngũ nhà giáo trên cả nước lại phải lên tiếng nhiều như khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT ngày 02/2/2021 bởi nó có quá nhiều những bất lợi, thiệt thòi cho giáo viên.

Cũng từ đó cho đến nay, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải hàng trăm bài phân tích, phản biện của chính đội ngũ nhà giáo đang đứng lớp cũng như phản ánh của các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng về những bất cập trong việc chuyển hạng, xếp lương mới cho giáo viên, cũng như trả lời rất nhiều đơn thư của những nhà giáo đang công tác trên mọi vùng miền của đất nước.

Bất cập, đan xen cả bất công trong việc hướng dẫn chuyển hạng giáo viên bởi nội dung chùm Thông tư này không xuất phát từ thực tế khiến cho nhiều nhà giáo phải lên tiếng nhưng cách trả lời, giải thích từ lãnh đạo Bộ thì manh mún, chưa thực sự thuyết phục.

Chính vì thế, khi thấy Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn ngày 11/11 liên quan đến biên chế, chứng chỉ của nhà giáo khiến cho nhiều thầy cô giáo lóe lên nhiều hy vọng về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT trong thời gian tới đây.

Nhiều nhà giáo phải xuống hạng theo hướng dẫn của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Nhiều nhà giáo phải xuống hạng theo hướng dẫn của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Chùm Thông tư làm cho đa số nhà giáo hẫng hụt và có người chán nản

Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT ra đời vào thời điểm tháng 02/2021 và từ đó đến nay vẫn đang có quá nhiều ý kiến bức xúc, không đồng tình của đội ngũ nhà giáo ở các nhà trường về cách hướng dẫn xếp hạng mới.

Nhiều thầy cô giáo đang là giáo viên hạng II, hạng I thì khi xếp hạng mới theo các Thông tư 02, 03, 04/TT-BGDĐT phải xuống hạng III, hạng II vì yêu cầu giáo viên hạng I phải có bằng thạc sĩ.

Nhiều giáo viên đang đủ chuẩn, trên chuẩn trình độ thì bỗng nhiên không đạt chuẩn vì trước đây giáo viên tiểu học chỉ yêu cầu bằng trung cấp sư phạm, giáo viên trung học cơ sở chỉ yêu cầu bằng cao đẳng sư phạm.

Điều đau đớn nhất là hàng loạt nhà giáo đang là lãnh đạo ở các nhà trường tiểu học, trung học cơ sở đã có bằng cao đẳng sư phạm và bằng cử nhân quản lý giáo dục cũng phải rớt xuống hạng III vì bằng cử nhân quản lý giáo dục không được tính là “có bằng cử nhân phù hơp”.

Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT đã khó hiểu, rối rắm, bất lợi cho đa phần nhà giáo thì Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập càng khiến cho giáo viên…buồn hơn.

Bởi, tại mục 2.d, Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD, về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập cũng hướng dẫn như sau:

“Trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng cao hơn hạng hiện giữ thì sẽ được sử dụng trong việc thăng hạng sau này.

Đồng thời cần bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng hiện giữ (nếu còn thiếu) để được bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định mới.

Ví dụ: giáo viên trung học cơ sở hạng II chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II nhưng đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I, thì phải bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II để bảo đảm đủ điều kiện theo quy định”. [1]

Như vậy, nhiều giáo viên được bổ nhiệm là giáo viên hạng II, hạng I theo chùm Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT và họ đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng tương ứng từ nhiều năm qua nhưng xếp hạng theo chùm Thông tư mới thì họ phải xuống hạng thì lại phải đi học thêm một chứng chỉ mới.

Chứng chỉ cũ (hạng cao hơn) “sẽ được sử dụng trong việc thăng hạng sau này”.

Giáo viên cứ miệt mài chạy theo văn bằng, chứng chỉ, mỗi văn bằng, chứng chỉ như vậy phải tốn kém từ vài triệu đồng trở lên. Cứ học xong lại bỏ, lại không công nhận và lại phải đi học cái mới. Đội ngũ nhà giáo từ lâu như một thị trường tiềm năng, một kho tài nguyên vậy…

Bao giờ Bộ Giáo dục sửa chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT?

Nếu Bộ cầu thị, lắng nghe tiếng nói của nhà giáo, có lẽ đã sửa chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT ngay từ thời điểm mới ban hành vì suốt nhiều tháng qua đã có rất nhiều những bài viết phân tích những bất cập từ các nội dung hướng dẫn xếp hạng giáo viên.

Nhưng, Bộ không có động thái sửa đổi khi ban hành Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD về các địa phương và đến nay thì đã có rất nhiều tỉnh đã và đang triển khai thực hiện xếp hạng giáo viên.

Ngày 11/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thanh Trà đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội và chúng tôi rất tâm đắc khi nghe bà nói:

Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 101 về việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức và viên chức, trong đó đã quyết định cắt giảm 150 chứng chỉ cho đào tạo, bồi dưỡng, kể cả 2 chứng chỉ bắt buộc là tin học và ngoại ngữ là 152, trong đó có 61 chứng chỉ đối với công chức và 87 chứng chỉ đối với viên chức.

Tôi rất mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm căn cứ vào Nghị định này để rà soát và sửa đổi một cách hết sức khẩn trương đối với chùm Thông tư 01, 02, 03, 04, vì hiện nay, trong quá trình tổ chức thực hiện chúng tôi đã tiếp nhận được rất nhiều những đơn thư đề nghị từ giáo viên ở cơ sở trong việc còn những vướng mắc, bất cập, bởi vì chúng ta chưa tính đến sự chuyển tiếp đối với rất nhiều thế hệ giáo viên đào tạo qua nhiều hệ đào tạo khác nhau.

Bây giờ chúng ta căn cứ vào Luật Giáo dục mới thì chúng ta đưa ra việc đó là mầm non là phải cao đẳng và tiểu học trở lên phải tốt nghiệp đại học đại học sư phạm.

Chính vì vậy mà giai đoạn thế hệ lịch sử chúng ta để lại thì nó vẫn còn những tồn tại, cho nên chúng ta phải tính toán làm sao trong quá trình chuyển hạng, trong quá trình xếp lương giáo viên làm sao đảm bảo giáo viên không thiệt thòi, tạo điều kiện cho giáo viên một cách tốt nhất”. [2]

Nhưng, bao giờ thì Bộ Giáo dục và Đào tạo “rà soát và sửa đổi một cách hết sức khẩn trương đối với chùm Thông tư 01, 02, 03, 04” đây? Và, sẽ sửa như thế nào mới là điều mà đội ngũ nhà giáo mong muốn.

Theo chúng tôi, việc đầu tiên nếu Bộ sửa chùm Thông tư này cần phải sửa đổi một số nội dung trọng tâm như sau:

Thứ nhất: việc yêu cầu chuẩn trình độ giáo viên phải được thực hiện theo lộ trình cụ thể, phải có thời gian để giáo viên chuẩn bị theo hướng dẫn của Nghị định 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Thứ hai: Bộ phải cân nhắc, nghiên cứu thấu đáo về các tiêu chuẩn đối với từng hạng giáo viên cụ thể, nhất là tiêu chuẩn “nhiệm vụ”; “tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ” đối với giáo viên hạng II, hạng I vì nó quá cao, giáo viên dạy lớp bình thường không thể nào với tới được.

Thứ ba: Bộ cần làm rõ cụm từ “có bằng cử nhân phù hợp” đối với từng vị trí mà nhà giáo đang đảm nhận để họ đỡ phải thiệt thòi và không phải lao vào vòng xoáy văn bằng, chứng chỉ.

Những vị trí lãnh đạo nhà trường cấp tiểu học, trung học cơ sở đã có bằng cao đẳng sư phạm và bằng cử nhân quản lý giáo dục thì nên xếp ở mức đạt chuẩn trình độ mới phù hợp.

Đối với nhiều nhà giáo đã có một bằng đại học chuyên môn nhưng có thời điểm những môn học đó thừa, một số môn học khác lại thiếu nên nhiều nơi đã linh hoạt tuyển dụng giáo viên môn thừa sang đảm nhận môn thiếu. Sau đó, cho họ đi học bồi dưỡng chuyên môn về môn mới.

Việc xếp hạng, nâng chuẩn giáo viên cũng cần có lộ trình và cân nhắc yếu tố lịch sử của ngành để không dẫn đến những xáo trộn, gây tâm lí hoang mang cho nhiều nhà giáo.

Hơn nữa, việc xếp hạng, xếp lương giáo viên theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hơn 1 triệu nhà giáo ở 4 cấp học trên cả nước. Vì thế, không nên áp đặt, máy móc mà Bộ phải nên cầu thị, lắng nghe để điều chỉnh lại chùm Thông tư này cho phù hợp.

Đó là mong muốn của hàng triệu nhà giáo mà Bộ phải nhanh chóng bắt tay vào làm - dù việc sửa đổi đó là công việc khó khăn khi phủ nhận nhiều nội dung mà Bộ đã ban hành cách nay mấy tháng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-971-bgddt-ngcbqlgd-trien-khai-thuc-hien-bo-nhiem-xep-luong-giao-vien-199677-d6.html

[2] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/bo-noi-vu-de-nghi-bo-giao-duc-het-suc-khan-truong-sua-thong-tu-01-02-03-04-post222348.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-noi-vu-da-co-y-kien-bo-giao-duc-co-sua-cac-thong-tu-01-02-03-04-post222375.gd