Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 9 nhóm giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ năm 2023

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, khối lượng công việc của ngành kế hoạch và đầu tư trong 6 tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 là hết sức nặng nề, nhiều nhiệm vụ khó.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức chiều 21/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, khối lượng công việc của ngành kế hoạch và đầu tư trong 6 tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 là hết sức nặng nề, nhiều nhiệm vụ khó, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, cả trong năm 2024 và năm 2025.

Theo đó, 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ được ngành kế hoạch đầu tư tập trung triển khai. Đó là: Kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, cũng như các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 2 năm còn lại của trung hạn 2021-2025.

Tiếp đến, Bộ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, nhất là trong ngành kinh tế - xã hội, với tầm nhìn dài hạn, tinh thần đổi mới, tiên phong, vì sự phát triển chung của đất nước.

Bên cạnh đó, Bộ tăng cường huy động, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, FDI vào phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch; xây dựng kế hoạch năm 2024, báo cáo đánh giá giữa kỳ kế hoạch 5 năm 2021-2025 về kinh tế - xã hội, đầu tư công, cơ cấu lại nền kinh tế.

Cùng với đó, Bộ bám sát các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, kinh tế số, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn; đồng thời, tiếp tục điều tra, tổng hợp và cung cấp thông tin thống kê kịp thời, chính xác phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và Chính phủ…

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các đơn vị "không được giữ bóng trong chân", chủ động phối hợp các đơn vị liên quan, xử lý, đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ, công việc, trường hợp có vướng mắc cần báo cáo ngay lãnh đạo Bộ để kịp thời chỉ đạo. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp với lãnh đạo Bộ về tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ được giao.

6 tháng đầu năm, ngành kế hoạch và đầu tư đã tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội ban hành các luật, nghị quyết, quy hoạch hết sức quan trọng như: Quy hoạch tổng thể quốc gia, Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), cơ chế đặc thù cho Tp. Hồ Chí Minh…

Bộ cũng đã sơ kết 2 năm rưỡi thực hiện các kế hoạch 5 năm về kinh tế-xã hội, đầu tư công, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm; Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; các văn bản chỉ đạo, điều hành về kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng…

Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Về đầu tư công, Bộ tiếp tục tham mưu, đẩy nhanh phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lại của các bộ, cơ quan và địa phương; nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh giải ngân, đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án giao thông đường bộ…

Mặt khác, Bộ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và chủ động triển khai các giải pháp về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch, tìm kiếm và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế…/.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bo-ke-hoach-va-dau-tu-dua-ra-9-nhom-giai-phap-de-hoan-thanh-nhiem-vu-nam-2023/300236.html