Bó hoa, đời người

Chiều cuối năm, khu chợ quê tấp nập người. Ở đó có chị họ tôi, khuôn mặt đang đỏ hồng ẩn hiện giữa những bó hoa đủ màu khoe sắc trong quầy. Chị mừng khi thấy tôi tới: 'Ở đây phụ với chị bán hàng. Sáng mai dì đi với chị sang Ninh Phúc lấy hoa sớm.'…

Hoa không chỉ là ý thích, là vẻ đẹp, mà còn là cơm áo, là hi vọng...

Hoa không chỉ là ý thích, là vẻ đẹp, mà còn là cơm áo, là hi vọng...

Chồng chị mất sớm. Chị tôi tựa vào quầy hoa để nuôi dạy hai con và phụng dưỡng mẹ chồng. Chị bảo, chị yêu nghề bán hàng hoa. Vì nghề này là cái "cần câu cơm" cho gia đình nho nhỏ của chị. Và còn vì mỗi bông hoa đều tượng trưng cho sự hòa hợp tinh tế của đất trời, khi nhìn vào hoa, chị lại thấy tâm hồn mình thanh thản kỳ lạ.

Chị tôi bảo, trước đây chị thường lấy hoa ở một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Hà Nội... Nhưng bây giờ ở tỉnh ta làng hoa Ninh Phúc đã phát triển hơn. Làng trồng nhiều giống hoa mới, lạ và đặc biệt là rất đẹp, không hề thua kém hoa ở những "vựa" hoa trong cả nước. Vì thế chị chuyển sang lấy hoa ở Ninh Phúc. Càng ngày, hoa Ninh Phúc ở quầy của chị càng được khách hàng ưa chuộng.

3 giờ 30 phút sáng, tôi theo chị sang Ninh Phúc. Trời lạnh, mưa phùn lất phất bay, không biết bao nhiêu lần quẹo phải, quẹo trái mất cả tiếng đồng hồ hai chị em tôi mới đến được Ninh Phúc. Thế mới biết để kiếm được tiền từ vẻ đẹp của hoa không hề là việc nhàn nhã. Chị bảo, phải đi thật sớm để còn kịp lấy hoa về bán vào đầu buổi sáng. Vả lại, đi chợ hoa thì phải đi từ sáng sớm mới cảm nhận được không khí đặc biệt của nó.

Lúc này đã là 4 giờ 30 phút, đúng như chị nói, rất nhiều người đã chờ tự lúc nào để lấy hoa. Ô tô các loại nối đuôi nhau đến rồi lại chở hoa đi. Chợ hoa họp về đêm, nên tiếng người nói với nhau cũng nhỏ nhẹ, êm ái. Trong màn đêm hãy còn đen thẫm, người và hoa đan vào nhau, lấp lóa ánh đèn. Hoa đã được bó bọc kín, những bông hoa thò ra khỏi bó trông hệt như những bóng đèn bé xíu.

Đã hẹn từ trước nên khi đến nơi, chúng tôi đã thấy chủ vườn đang chọn cắt từng bông cẩn thận. Theo bác chủ vườn, để có những bông cúc to, mỡ màng thế này thì trước đó cả tháng bác đã phải tỉa bớt nụ. Sau khi trồng, bác thắp điện cho cây 24/24 giờ để kích thích sự tăng trưởng và phát triển của cây. Khi cây đạt chiều cao theo đúng tiêu chuẩn rồi thì không cần dùng điện nữa. "Công nghệ" này là do bà con tự rút ra trong quá trình làm nghề thôi và thực sự bác thấy rất hiệu quả. Khu vườn của bác trồng đủ loại: dạ yến thảo, đồng tiền, lay ơn, hoa ly… để phục vụ nhu cầu chơi hoa của người dân. Cách đây một tháng, cũng đã có vài khách đến xem và đặt hàng của bác. Nhưng lượng hoa của bác chỉ đủ để bán cho khách quen.

Giá hoa năm nay dự đoán sẽ đắt hơn mọi năm, nhờ thế mà bà con cũng thêm được phần thu nhập. Bác chủ vườn bảo, nghề trồng hoa phát triển phần nào cũng nhờ vào những người buôn hoa như chị tôi. Hoa Ninh Phúc chiếm được thị trường, do thế, không chỉ làm giàu cho người trong xã, mà còn đem đến sự no đủ cho rất nhiều người ngoài xã.

Chị tôi bảo, nhiều khi ngẫm lại mới thấy, nghề buôn hoa đã chọn chị, chứ không phải chị chọn nghề. Ngày xưa, quê tôi nghèo lắm. Từ nhỏ tới lớn, chúng tôi chưa từng thấy bà, mẹ hay chị cắm hoa vào dịp Tết bao giờ. Đến quần áo diện Tết, mẹ cũng phải đi sửa từ những chiếc quần áo cũ cho chúng tôi. Cắm hoa, ngày ấy là thú chơi xa xỉ với những gia đình nghèo như chúng tôi.

Năm chị học cấp ba, gia đình chị thầu lại mảnh đất nhỏ ở khu chợ để bán hàng tạp hóa. Kinh tế gia đình nhờ thế mà cũng bớt khó khăn. Tết năm đó, để đánh dấu sự "ăn nên làm ra" của gia đình, mẹ chị cho tiền để chị ra chợ huyện tự chọn mua một đôi xăng đan. Tôi còn nhớ, hôm ấy đã là chiều 28 Tết, hai chị em chúng tôi choáng ngợp bởi biết bao nhiêu là người, là hàng hóa trong chợ huyện.

Nhưng trong khi tôi còn đang xuýt xoa trước những chiếc kẹp tóc, khăn, mũ… đủ màu sắc sặc sỡ thì chị tôi lại ngẩn ngơ trước những gánh hàng hoa. Hoa được bày bán tràn trên mặt đường, giữa tấp nập người mua, kẻ bán. Hoa rực rỡ khoe sắc vươn mình trong ráng nắng chiều cuối năm. Đó là một cảnh tượng đẹp tới không thể quên.

Thế là chị quyết định chuyển "mục đích sử dụng" số tiền mẹ đã cho. Thay vì mua xăng đan, chị chọn mua một chiếc lọ hoa thật xinh, số tiền còn lại vừa đủ để chị hớn hở ôm về vài bông hồng, bông cúc, hoa đồng tiền và vài nhánh violet tím ngắt. Về nhà, chị tôi tức tốc cắt, tỉa rồi cắm hoa vào bình. Ngắm đi ngắm lại, xoay hướng nọ rồi đặt hướng kia đến khi ưng ý …

Theo thời gian, đời sống của quê tôi ngày càng được nâng cao. Người ta không còn phải lo ăn no, mặc đủ nữa, mà đã tính đến ăn ngon và mặc đẹp. Nhu cầu tinh thần cũng theo đó mà đổi thay. Ngày rằm, mùng một, hay lễ tết nhà ai cũng chọn một đĩa hoa thanh tịnh để cúng tổ tiên. Ngày thường, các bà, các mẹ cũng chú ý hơn đến việc điểm trang cho ngôi nhà bằng những bình bông tươi. Mùa nào, hoa nấy. Khi thì bình hoa loa kèn sang trọng, khi thì những bình cúc vàng tươi… Và nghề hoa đã "vận" vào chị tôi từ lúc nào không hay. Với chị và với rất nhiều người, hoa không chỉ là ý thích, là vẻ đẹp, mà hoa còn là cơm áo, là hy vọng, là tương lai.

Thu Hằng-Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/bo-hoa-doi-nguoi/d2023011119532644.htm