Bộ GTVT muốn lấy cát biển ở ĐBSCL đắp nền đường, chuyên gia nói 'không nên'
Trước thông tin Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hỗ trợ điều tra, khảo sát nguồn vật liệu đắp nền đường cho các dự án cao tốc trong khu vực. Trong đó, đề nghị cho khai thác khoảng 5.000 m3 cát biển để thi công thí điểm, chuyên gia cho rằng, không nên vì sẽ tác động đến nền tảng kiến tạo vùng ĐBSCL.
Bộ Giao thông Vận tải đã gửi văn bản cho 6 địa phương khu vực ĐBSCL, gồm An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng về việc hỗ trợ công tác điều tra, khảo sát nguồn vật liệu đắp nền đường phục vụ cho các dự án làm đường cao tốc trong khu vực.
Một trong những nội dung được nêu ra trong văn bản là đề nghị các địa phương liên quan cho phép khai thác khoảng 5.000 m3 cát biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng để thi công thí điểm. Đồng thời, phục vụ nghiên cứu, đánh giá khả năng sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại ĐBSCL.
Trao đổi với KTSG Online về việc lấy cát biển ở ĐBSCL để làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án hạ tầng giao thông trong vùng, chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, lấy cát chính là lấy đi nền tảng đã kiến tạo nên vùng đồng bằng này. Nếu lấy cát thì sẽ gia tăng tình trạng sạt lở ở ĐBSCL.
Theo ông, tất cả những nghiên cứu đều cho thấy tương lai cát về ĐBSCL sẽ rất ít do thủy điện ở thượng nguồn đã chặn cát. Lượng cát về đồng bằng hiện tại là số cát đã di chuyển từ mấy chục năm trước và đang trên hành trình đi xuống từ bên dưới các đập thủy điện.
“Phần nào đang kẹt ở phía trên các đập thủy điện là vô phương”, ông nói và cho biết việc cát không về ĐBSCL hoàn toàn là câu chuyện có thể xảy ra.
Trong khi đó, nhu cầu cát trong thời gian tới là rất lớn vì một loạt dự án hạ tầng giao thông như cao tốc Cần Thơ- Cà Mau; Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng sẽ khởi công. Nhu cầu lớn trong nguồn cát lại khan hiếm nên việc nghĩ đến sử dụng cát biển cho các dự án giao thông là điều dễ hiểu.
Theo chuyên gia này, quá trình kiến tạo nên ĐBSCL bắt nguồn từ việc nước lũ đem theo cát xuống hàng năm. Trong 6.000 năm qua, đồng bằng tiến về phía biển trung bình 16 mét/năm và về mũi Cà Mau là 26 mét/năm. Trong quá trình này, bao giờ cát cũng đi trước lót nền sau đó tới phù sa, tức cát chính là nền tảng của ĐBSCL. “Vì vậy, lấy cát là lấy đi nền tảng đã kiến tạo nên ĐBSCL”, ông nói.
Tại buổi làm việc vừa qua với Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận nhằm phối hợp triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng thống nhất nghiên cứu sử dụng nguồn cát biển để phục vụ các dự án hạ tầng ở ĐBSCL. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương yêu Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận rà soát thủ tục cấp phép để thăm dò, lấy mẫu thử nghiệm, tiến tới khai thác theo đúng quy định của pháp luật. Việc khai thác cũng cần đánh giá kỹ tác động đến môi trường và tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Trung Chánh