Bộ GTVT họp khẩn với các tỉnh phía Nam để đảm bảo thông suốt hàng hóa
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa có cuộc họp khẩn giữa Bộ GTVT và UBND 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam để triển khai công tác tổ chức vận tải hàng hóa, hành khách, trong dịch COVID-19.
Tăng cường các giải pháp kiểm soát bằng công nghệ
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc áp dụng theo các quy định về y tế đối với người lái xe và người phục vụ trên phương tiện tại các địa phương đã dẫn đến tình trạng ùn ứ tại các trạm kiểm soát phòng chống dịch, khiến hàng hóa lưu thông vào TP.HCM bị ách tắc, gây thiếu hàng hóa cục bộ; ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất trên toàn địa bàn liên quan…
Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo nhà đầu tư các BOT, Sở GTVT, Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại địa phương chủ động thực hiện công tác phân luồng, tổ chức giao thông để hướng dẫn xe ô tô vào chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra, vào các địa phương trên toàn bộ các tuyến quốc lộ qua địa bàn.
Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo phân luồng, đảm bảo giao thông phục vụ công tác phòng chống, dịch COVID-19; phối hợp với UBND TP.HCM và các tỉnh khu vực Nam bộ để tổ chức phân luồng, tuyến vận tải hàng hóa, bảo đảm thường xuyên thông suốt 24/24; tăng cường lực lượng để giải quyết nhanh nhất không để tình trạng ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, các điểm khai báo y tế, đồng thời bảo đảm an toàn dịch bệnh cho lái xe.
Cũng theo ông Huyện, Tổng cục cũng đã yêu cầu Sở GTVT các địa phương tiếp tục đôn đốc chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô trên địa bàn khẩn trương lắp đặt camera trên phương tiện để tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Tổng cục đang phối hợp VNPT xây dựng thí điểm hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera, dự kiến thử nghiệm từ ngày 15.7 để phân tích dữ liệu nhận diện các trường hợp vi phạm của lái xe và hành khách trên xe, bao gồm: không đeo khẩu trang trên xe, chở quá người quy định và dừng đỗ không đúng quy định.
Ngoài ra, sử dụng nhóm Zalo để trao đổi, xử lý nhanh các vấn đề ùn tắc tại các chốt kiểm soát phía Nam để hàng giờ, hàng ngày nắm bắt tình hình và giải quyết nhanh nhất các vướng mắc khó khăn khi phương tiện vận chuyển hàng hóa bị ùn tắc tại các chốt kiểm soát.
Đồng thời, Tổng cục cũng phối hợp với Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin - Truyền thông về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại bến xe, trạm ngừng nghỉ và trên phương tiện vận tải.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hiện nay nên khẩn trương nghiên cứu, nâng cấp tờ khai y tế điện tử theo hướng tích hợp bổ sung trường khai báo thông tin về việc đã tiêm vắc xin hay đã xét nghiệm trong vòng bao nhiêu giờ để thuận lợi hơn trong công tác kiểm soát.
Đối với đối tượng hành khách bắt buộc vận chuyển là công nhân, chuyên gia thì vận chuyển tập trung, chỉ những lái xe, phương tiện khai thác tối đa cơ sở dữ liệu giám sát hành trình của Tổng cục ĐBVN để thắt chặt giám sát hành trình, lộ trình của những phương tiện có biển số, có nhận diện riêng được huy động trong quá trình phục vụ trên địa bàn.
Tập trung ưu tiên vận tải hàng hóa được thông suốt
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng công tác tổ chức vận tải hàng hóa phải ưu tiên số một và phải kết nối các loại hình vận tải khác nhau để lưu thông thông suốt, đảm bảo sản xuất, tiêu dùng của người dân. Phải quản lý chặt chẽ từ luồng hàng, tuyến đường; kiểm soát kiểm soát chặt kho hàng, bến bãi cũng hạn chế được sự lây lan dịch bệnh.
Theo ông Thọ, để tránh tình trạng ùn tắc thì cần nghiên cứu điều kiện cụ thể theo tình hình của địa phương để phân luồng cũng như áp dụng những điều kiện về việc xét nghiệm.
Theo đó, các đơn vị vận tải phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về quản lý quá trình xe chạy từ nơi đi đến nơi đến, quá trình bốc dỡ hàng hóa. Sở GTVT các tỉnh quán triệt chỉ đạo các doanh nghiệp phải chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cho nhân viên và quản lý chặt chẽ hoạt động của đội ngũ lái xe, phục vụ trên xe và lộ trình phương tiện lưu thông…
Theo lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, trước mắt cần tập trung ưu tiên vận chuyển hàng hóa lưu thông giữa các vùng Đông Nam Bộ, tiếp theo vận chuyển hàng hóa thứ yếu của vùng và các hoạt động vận tải hàng hóa qua cảng Cát Lái.
Sở GTVT TP đã thống nhất với Sở các tỉnh sẽ tạo 5 “luồng xanh” để phương tiện lưu thông đăng ký qua Sở GTVT TP.HCM là đầu mối cấp phù hiệu nhận diện và mã QR code cho xe được ưu tiên đi qua các trạm kiểm soát giao thông trong vùng, đảm bảo lưu thông nhanh chóng, không bị ùn tắc.
Về đường thủy, TP kiến nghị hạn chế thuyền viên lên bờ, nếu cần thiết lên bờ phải có giấy xét nghiệm. Thành phố cũng đề nghị hạn chế đường sắt, hàng không trong vòng 2-3 tuần tới. Đề nghị các Sở GTVT sớm cung cấp danh sách các xe đưa rước công nhân kết nối với TP.HCM để sớm triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các cơ quan đơn vị thuộc Bộ tích cực chủ động, phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương trong công tác phòng chống, dịch và đảm bảo các hoạt động vận tải thông suốt.
Để đảm bảo phục vụ nhiệm vụ sản xuất hàng hóa của địa phương và cung ứng nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân, Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải xác định các lộ tuyến có trọng tâm trọng điểm, ví dụ các cảng hàng hải, đường thủy nội địa, khu công nghiệp, các chợ, siêu thị hàng hóa…, thống kê nhu cầu vận tải hàng hóa, số lượng phương tiện vận tải để có giải pháp quản lý.
Đồng thời liên quan đến việc quản lý phương tiện, phải có giải pháp nhanh nhất, thuận tiện nhất, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian qua trạm kiểm soát; phải thông báo, thống nhất với nhau về việc quản lý "luồng xanh" giữa các địa phương đảm bảo kết nối, kiểm soát hiệu quả các phương tiện di chuyển.
Theo ông Thể, phải có quy định giao trách nhiệm cho doanh nghiệp vận tải chủ động trong việc tổ chức xét nghiệm cho lái xe, nhân viên, phục vụ bốc xếp và có chế tài xử lý nghiêm với các doanh nghiệp vi phạm về luồng tuyến. Do đó, các địa phương cần ưu tiên tiêm phòng vắc xin cho đội ngũ lái xe, thuyền viên, nhân viên phục vụ trên phương tiện.
Đối với giải pháp vận chuyển chuyên gia, công nhân, yêu cầu các doanh nghiệp phải đăng ký phương tiện, số lượng công nhân, lộ trình di chuyển để các Sở GTVT cấp phép và quản lý, phải quy định về cắt giảm số lượng vận chuyển, áp dụng các quy định giãn cách y tế phù hợp để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả.
"Cần có sự thống nhất giải quyết vướng mắc theo cơ chế phối hợp, xây dựng các nhóm liên lạc qua các phương tiện công nghệ để trao đổi tiện lợi, nhanh chóng, tích cực xử lý kịp thời", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.