Bộ Công Thương họp đánh giá tình hình sản xuất, cung cầu dịp Tết và triển khai nhiệm vụ trọng tâm

Sáng 16/2, diễn ra Hội nghị trực tuyến 'Đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới'.

Sự kiện do Bộ Công Thương tổ chức với sự tham dự của 63 địa phương. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì và phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị trực tuyến “Đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới"

Giá cả hàng hóa tăng nhẹ so với Tết năm trước

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - cho biết, Công Thương là ngành sản xuất vật chất và đảm bảo phân phối lưu thông của nền kinh tế đất nước. Để đảm bảo nhiệm vụ của Bộ, sẽ không chỉ bằng nỗ lực của chính mình mà rất cần sự vào cuộc của các các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước.

Hội nghị được tổ chức ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Chỉ thị về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhằm tập hợp tình hình sản xuất kinh doanh, cung ứng mặt hàng thiết yếu nhất là điện, xăng dầu. Đồng thời, khởi động năm kế hoạch, nền tảng thắng lợi của không chỉ năm 2024 mà còn là kế hoạch 2021- 2026.

“Trong quá trình phản ánh tình hình sản xuất, thị trường Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương, đơn vị phản ánh, đề xuất những nhiệm vụ, cơ chế chính sách cần có. Trên cơ sở đó, những thẩm quyền của Bộ sẽ được giải quyết, những đề xuất thuộc thẩm quyền của các bộ ngành, Chính phủ thì Bộ sẽ tập hợp gửi Chính phủ và các Bộ, ngành”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) - cho biết: Nguồn cung các mặt hàng phục vụ Tết tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích phong phú, đa dạng kết hợp với một số chương trình khuyến mại, giảm giá sâu vào những ngày sát Tết nên giá cả hàng hóa ổn định so với ngày thường và chỉ tăng nhẹ so với Tết năm trước do giá đầu vào tăng.

Tại các chợ truyền thống, nguồn cung cũng được tăng cường và khá dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt nhóm hàng tươi sống, trái cây và rau, củ, quả, giá cả có xu hướng tăng nhẹ so với ngày thường nhưng không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá bất hợp lý, không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Phần lớn các hệ thống phân phối mở cửa muộn ngày 30 Tết. Một số chuỗi hệ thống cửa hàng tiện lợi như Circle K, Family Mart, B’s mart, 7 Eleven, GS25... mở cửa xuyên Tết phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Về giá cả mặt hàng lương thực nhìn chung so với cùng kỳ năm trước, giá các loại gạo ở mức cao hơn từ 5-15% nhưng không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu. Mặt hàng thực phẩm tươi sống, giá hầu hết các mặt hàng ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ, không đáng kể. Thực phẩm chế biến giá ổn định trong những ngày cận Tết và tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặt hàng rượu, bia, bánh mứt kẹo, giá các mặt hàng rượu bia, bánh mứt kẹo tương đối ổn định so với ngày thường và tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước do chi phí tăng.

Về các loại rau, củ, quả, trái cây do thời tiết thuận lợi nên nguồn cung rau củ quả khá dồi dào, đa dạng, giá tương đối ổn định trong những ngày Tết. Đối với mặt hàng trái cây, giá một số loại trái cây ngon để trưng cúng trong dịp Tết như cam canh, quýt đường, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa... tăng nhẹ so với ngày thường.

Năm nay, do thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của hoa, cây cảnh nên nguồn cung dồi dào cộng thêm việc sức mua yếu nên giá cũng có xu hướng giảm so với năm trước.

“Nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn trong việc mua sắm vào dịp Tết. Bên cạnh đó, việc các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích mở cửa phục vụ người dân tới cuối ngày 30 Tết và sớm mở cửa trở lại phục vụ sau Tết đã góp phần hạn chế tâm lý mua trữ hàng của người dân, do vậy giá cả hàng hóa trên thị trường nhìn chung không biến động nhiều”, ông Ngô Quang Trung đánh giá.

Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương báo cáo tại hội nghị

Kiểm tra, kiểm soát và bình ổn thị trường được đẩy mạnh triển khai

Toàn lực lượng Quản lý thị trường thường trực 24/24 trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán để chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên các khu vực kho bãi, điểm tập kết hàng hóa, các tuyến đường bộ, đường sắt… tập trung kiểm tra, giám sát đối với các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng người dân trong dịp Lễ, Tết và các địa bàn, tuyến trọng điểm...

Về công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường cả nước bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ tất cả các cơ sở bán lẻ kinh doanh xăng dầu trên địa bàn quản lý. Theo báo cáo của các đơn vị đến thời điểm hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm, nhất là đối với hành vi vi phạm về đầu cơ, găm hàng, đóng cửa, ngừng hoạt động mà không có lý do chính đáng. Cả nước có 42 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và 03 tàu bán dầu đang tạm dừng hoạt động.

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với sự tham dự của 63 địa phương

Nhiều đơn vị làm việc xuyên Tết

Ngành Công nghiệp thực phẩm, các doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất và hệ thống các nhà phân phối đã chuẩn bị dự trữ một lượng hàng hóa lớn nên nguồn cung phong phú, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng vẫn ổn định, không có dấu hiệu tăng giá bất hợp lý (theo Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính). Riêng đối với mặt hàng bia, rượu, do nhận thức của người dân trong việc tuân thủ quy định pháp luật trong việc tham gia giao thông, sản lượng tiêu thụ bia, rượu giảm so với năm trước.

Ngành dầu khí, công tác an toàn và duy trì chế độ trực 24/24h được các nhà thầu dầu khí/đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, không có sự cố nào xảy ra. Khai thác dầu, khí tại các mỏ; hệ thống các đường ống dẫn khí đạt 100% công suất; sản xuất tại các nhà máy đều hoạt động bình thường.

Ngành hóa chất, một số đơn vị vẫn hoạt động sản xuất trong kỳ nghỉ Tết như Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình; Công ty CP DAP; Công ty CP DAP2.

Hầu hết các doanh nghiệp tạm dừng sản xuất dịp Tết, trừ một số doanh nghiệp trong ngành thép, giấy, xi măng, điện tử, oto... vẫn duy trì một bộ phận sản xuất do đặc thù dây chuyền công nghệ phải vận hành liên tục,...

Từ trước và trong Tết, công tác cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia được bảo đảm, không xảy ra sự cố lớn về nguồn điện và lưới điện (một số sự cố nhỏ trên lưới điện trung thế đã được khắc phục nhanh chóng, khôi phục cung cấp điện cho phụ tải điện). Việc cung cấp điện tại các thành phố lớn như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện tốt. Các doanh nghiệp duy trì sản xuất xuyên Tết được bảo đảm đủ điện. Phụ tải hệ thống điện quốc gia trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 thấp hơn so với các ngày bình thường, đặc biệt là các ngày đầu năm mới.Lưới điện truyền tải vận hành ổn định, không xảy ra sự cố gây ngừng, giảm cung cấp điện.

Nhóm Phóng viên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-hop-danh-gia-tinh-hinh-san-xuat-cung-cau-dip-tet-va-trien-khai-nhiem-vu-trong-tam-303574.html