Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga:Nhìn vào bức tranh kinh tế - xã hội trong năm 2024, chúng ta thấy có những điểm sáng rất đáng kể, trong đó, phải kể đến tốc độ tăng GDP và trong tốc độ tăng GDP đó, có sự đóng góp rất lớn của ngành Công Thương khi tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, cùng với sự phục hồi tích cực của công nghiệp.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2024 đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so năm trước, vượt hơn gấp đôi chỉ tiêu phấn đấu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 (+6%). Mặc dù nhập khẩu cũng tăng mạnh, nhưng xuất khẩu đã giúp cán cân thương mại duy trì mức thặng dư lớn 24,77 tỷ USD. Đây là năm thứ 9 liên tiếp cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt xuất siêu.
Cả nước có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 33 mặt hàng), chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%). Đây là những thành tựu quan trọng trong nỗ lực phát triển thương mại quốc tế của Việt Nam. Kết quả này cũng đưa nước ta vươn lên vị trí 17 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, năm 2024, ngành công nghiệp Việt Nam cũng ghi dấu ấn mạnh mẽ với mức tăng trưởng ấn tượng, khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,4% so với năm trước, mức tăng cao nhất kể từ năm 2020, tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô. Đáng chú ý, đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành, các ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6%, đóng góp 8,4 điểm phần trăm.
Từ những kết quả này, tôi nhận thấy Bộ Công Thương đã rất nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực thuộc ngành, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược gay gắt; kinh tế, thương mại phục hồi chậm, thiếu vững chắc; tổng cầu, đầu tư toàn cầu sụt giảm; tỷ giá, lãi suất biến động khó lường… tuy nhiên, ngành Công Thương vẫn về đích với kết quả tốt nhất có thể, đồng thời, chuẩn bị tiền đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay từ đầu năm 2025.
Cùng với sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời trong nhận diện những điểm nghẽn và tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, Bộ Công Thương đã tích cực khai mở các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu; nghiên cứu các thông tin thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp trong tận dụng các ưu đãi mà Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.
Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng hóa phương thức triển khai. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, rất nhiều doanh nghiệp đã có cơ hội gặp gỡ, kết nối với các đối tác, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nước ngoài, ký kết hợp đồng xuất khẩu hàng hóa…
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga:Giá xăng dầu Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào biến động địa chính trị và giá xăng dầu thế giới, nên giá xăng dầu liên tục thay đổi. Tuy nhiên, trong việc điều hành giá xăng dầu, tôi nhận thấy, thời gian qua, giá xăng dầu được điều hành rất linh hoạt. Cơ quan quản lý đã điều chỉnh về mặt cơ chế giá, thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày. Từ đó, biên độ dao động giữa giá xăng dầu trong nước và thế giới không còn lớn như trước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã điều chỉnh lại chi phí thực tế phát sinh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu từ 6 tháng xuống 3 tháng. Bên cạnh đó, khi thị trường có biến động lớn, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh để cập nhật chi phí thực tế phát sinh để các doanh nghiệp không bị lỗ.
Tuy rằng có những lúc giá xăng dầu tăng và có những lúc giá xăng dầu giảm, song sự điều hành đó không gây xáo trộn lớn cho thị trường mà ngược lại tạo niềm tin cho người dân. Đó là, người dân sẽ được hưởng những ưu đãi nhất định khi giá xăng dầu thế giới đã giảm. Trong việc điều hành linh hoạt đó, kể cả khi giá xăng dầu thế giới tăng chúng ta phải tăng giá, thì cũng không mang lại phản ứng trái chiều trong nhân dân.
So sánh một số năm trước, mỗi khi có mặt hàng nào tăng giá, thông thường phản ứng ngay tức thì của người dân là kêu ca. Với sự điều hành linh hoạt như hiện nay, điều này đã giảm và người dân thấy rằng đây là việc điều hành theo thị trường cho nên có tăng có giảm, nhưng khi nào giá giảm, người dân sẽ được hưởng lợi, còn khi nào giá tăng theo quy luật cung cầu. Vì vậy, tôi thấy ngành Công Thương đã rất nỗ lực.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga:Năm 2025, nhiều dự báo cho thấy, có nhiều yếu tố đang hội tụ để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, từ sự ổn định của thị trường quốc tế, lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt, nhu cầu thị trường quốc tế đang trên đà hồi phục, đến việc các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp gia tăng kim ngạch ở các thị trường có FTA, cùng với các FTA mới đi vào thực hiện... Đặc biệt, sự phục hồi của các thị trường lớn như Mỹ, EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, nhất là trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng và dệt may.
Ở trong nước, tình hình sản xuất ổn định, nguồn hàng dồi dào, phong phú. Các số liệu vĩ mô về tăng trưởng GDP, chỉ số sản xuất công nghiệp, chỉ số quản trị mua hàng, đơn hàng xuất khẩu… cũng cho thấy bức tranh xuất khẩu khả quan.
Tuy nhiên, để duy trì và phát triển vị thế của một cường quốc xuất khẩu, Việt Nam cần các chiến lược rõ ràng và quyết liệt. Một trong số đó là đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyền thống. Tương tự, về phía doanh nghiệp cần tận dụng tiềm năng của các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA, đồng thời, khai thác các thị trường mới, nhiều dư địa cho xuất khẩu như châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ…; chủ động đối phó với những biến động thị trường sẽ giúp doanh nghiệp trụ vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Một vấn đề đặt ra, làm sao để chinh phục các thị trường mới, đồng thời giữ chân các bạn hàng cũ trong bối cảnh thách thức bủa vây? Nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh, minh bạch hóa quy trình sản xuất... chính là câu trả lời. Theo đó, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược dài hạn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa để phát triển bền vững.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cần tiếp tục làm tốt công tác theo dõi diễn biến thị trường xuất khẩu và thông tin kịp thời cho các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp để họ kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; chỉ đạo hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin về các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu và khuyến nghị đến doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.
Mặt khác, các ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng được kỳ vọng duy trì đà phát triển mạnh mẽ trong năm 2025. Nghị quyết 158/2024/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đã đặt mục tiêu, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%. Song tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam trong nền kinh tế vẫn còn khiêm tốn, đây là "bài toán" đặt ra cho chúng ta trong thời gian tới. Đó cũng là một trong những nguyên nhân mặc dù chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động đã vượt kế hoạch đề ra (năm 2024, ước đạt 5,56% so với mục tiêu 4,8% - 5,3% được Quốc hội giao) nhưng vẫn ở mức thấp, chưa thực sự là động lực, đột phá để phát triển kinh tế - xã hội.
Bởi lao động của Việt Nam hiện nay đang cơ cấu rất lệch, chủ yếu tập trung trong khu vực có năng suất lao động thấp như khu vực lao động tự do, dịch vụ và khu vực sản xuất nông nghiệp, còn những khu vực có năng suất lao động cao, chúng ta lại chưa tập trung phát triển được như công nghiệp chế biến, chế tạo. Chính vì vậy, trong thời gian tới, giải pháp điều hành sẽ phải là tổng thể các giải pháp vĩ mô nhưng chúng ta cũng cần nỗ lực hơn, đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2025 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, biến động địa chính trị toàn cầu còn phức tạp.
Tôi cũng kỳ vọng vào Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực vào đầu năm 2025 sẽ tạo ra những bước phát triển đột phá mới cho ngành điện. Dự án Luật này đã được sửa đổi toàn diện, đồng bộ các quy định của pháp luật theo hướng vừa bảo đảm kế thừa các quy định “đã chín, đã rõ, được đa số đồng tình và đã được kiểm chứng qua thực tiễn”; bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, gây vướng mắc, cản trở; bổ sung, phát triển các quy định mang tính nguyên tắc, nền tảng phù hợp với tình hình mới gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.
Đáng chú ý, trong Luật đã nêu rõ “đầu tư xây dựng và vận hành dự án nhà máy điện hạt nhân” và “quy hoạch phát triển điện hạt nhân phải gắn liền, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực để bảo đảm mục tiêu an ninh cung cấp điện”.
Tôi mong muốn sắp tới, ngành Công Thương tiếp tục tích cực tham mưu cho Chính phủ triển khai các công việc để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện hạt nhân, vì phát triển điện hạt nhân đang là xu hướng tất yếu, góp phần đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050 theo cam kết tại COP26. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai điện hạt nhân, với những lợi ích lâu dài và to lớn.
Việt Nam đã đề cập đến điện hạt nhân cách đây nhiều năm, nhưng do chưa hội đủ các điều kiện cần thiết nên chúng ta chưa triển khai được. Đến nay, các điều kiện đã được xem xét thận trọng, đáp ứng được việc phát triển điện hạt nhân, nên rất cần có sự vào cuộc tích cực của ngành Công Thương từ những bước đi đầu tiên.
Xin cảm ơn đại biểu!
Quỳnh Nga (thực hiện)
Đồ họa: Hồng Thịnh
Quỳnh Nga - Hồng Thịnh