Bộ Công an nói về nguyên nhân cháy xe do xăng giả
Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng đã xảy ra tình trạng sản xuất xăng giả, dẫn đến việc ô tô xe máy đổ xăng loại này tự nhiên bốc cháy.
Sáng 16/3/2022, tại chương trình làm việc Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về nhiều nội dung quản lý nhà nước của ngành, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến giá xăng.
Bộ Công an cho rằng xăng giả là nguyên nhân gây cháy xe trên đường
Tham dự phiên chất vấn, Đại tướng Tô Lâm, Bộ Trưởng Bộ Công an đã cung cấp thông tin thêm cho đại biểu quốc hội và cử tri cả nước về tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến kinh doanh, buôn lậu, làm giả xăng dầu.
"Trong đó nổi lên tình hình buôn lậu, đầu cơ xăng dầu ở biên giới diễn biến rất phức tạp. Chúng tôi đã rất nỗ lực ngăn chặn và bóc gỡ nhiều đường dây từ vụ buôn lậu ở Đồng Tháp, Sóc Trăng và Đồng Nai, các vụ này gây thiệt hại lớn cho nhà nước, ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu xăng dầu chính thức. Rồi có cả việc sản xuất xăng giả, dẫn đến tình trạng ô tô, xe máy đổ xăng này, đang đi trên đường tự nhiên bốc cháy, nên vừa rồi chúng tôi cũng giải quyết được, tháo gỡ căn bản được các vụ, điển hình nhất là vụ triệt phá đường dây ở Đồng Nai", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Đại án buôn lậu xăng quy mô đặc biệt lớn từ nước ngoài vào Việt Nam qua đường biển mà Công an tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp một số đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an triệt phá.
Sau hơn một năm, đến nay đã hoàn tất kết luận điều tra giai đoạn 1, lực lượng chức năng đã đề nghị truy tố 100 bị can về tội buôn lậu và nhận hối lộ.
Ngoài ra cơ quan điều tra tạm giữ 2,5 triệu lít xăng; 16 tàu thủy; thu 300.000 USD; 212 tỷ đồng, phong tỏa 30 tài khoản ngân hàng gần 100 tỷ đồng, hàng chục giấy tờ nhà đất...
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục mở rộng giai đoạn 2, với quy mô các đối tượng buôn lậu xăng còn lớn hơn, đã khởi tố 25 bị can, truy nã một bị can khác về tội buôn lậu.
Các đối tượng sử dụng tàu biển đi nước ngoài mua xăng lậu vận chuyển về nước ta, bơm sang các tàu nhỏ và vận chuyển bằng đường biển, đường sông vào đất liền tiêu thụ.
Đường dây buôn lậu xăng này được sự “bảo kê” của một số cán bộ công tác tại các cơ quan có nhiệm vụ chống buôn lậu.