Bitcoin chìm sâu 8%, đối mặt rủi ro rớt trở lại xuống mức thấp 14 tháng

Các đồng tiền mật mã chính đã giảm trở lại vào hôm qua, khi không thể tiếp nối sự hồi phục của tuần trước để thoát khỏi mức thấp nhất trong nhiều tháng.

Theo đó, đồng Bitcoin đã giảm mạnh đến 8% ngay trong ngày đầu tuần, và hướng xuống trở lại gần vùng giá thấp nhất của tuần trước quanh 3.500 USD/BTC, cũng là mức đáy trong nhiều tháng qua. Cụ thể vào cuối ngày, Bitcoin ghi nhận mức sụt giảm 8,1% xuống 3.822 USD/BTC. Trước đó trong ngày, Bitcoin cũng có lúc rớt xuống mức thấp nhất tại 3.802 USD/BTC.

Bitcoin phá vỡ chuỗi tăng trưởng liên tiếp 3 năm

Danny Scott, CEO và là đồng sáng lập của CoinCorner, một sàn giao dịch tiền mật mã có trụ sở tại đảo Man, cho rằng các đợt bán tháo Bitcoin là điều mà anh đã chứng kiến nhiều lần, và do đó nó không phải là mối lo ngại lớn. Ông viết: “Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử 10 năm ngắn ngủi vừa qua của Bitcoin, chúng ta sẽ thấy thị trường này đã trải qua nhiều biến động rất lớn về giá cả - một diễn biến tất yếu khi ngành này vẫn còn rất non trẻ”.

Ông chia sẻ tiếp: “Đã có một số biến động giá khá lớn diễn ra trong những năm mà thường không được chú ý bởi bất kỳ ai, ngoại trừ những người trong ngành này. Ví dụ: trong năm 2013, chúng tôi đã thấy giá giảm 49,88% chỉ trong 14 ngày, mức giảm lớn hơn mức giá mà thị trường đã trải qua trong hai tuần qua ”.

Dù vậy, dữ liệu lịch sử cho thấy Bitcoin đã phá vỡ một chuỗi tăng trưởng liên tiếp 3 năm giống như những gì đã diễn ra trong năm 2013. Cụ thể, Bitcoin đã tăng 14%, 30% và 40% trong tháng cuối cùng của năm 2015, 2016 và 2017 tương ứng, theo ghi nhận Chỉ số giá Bitcoin của CoinDesk (BPI), tuy nhiên tháng 12 năm nay có thể chứng kiến sự sụt giảm trở lại lần đầu tiên kể từ năm 2013.

Ngoài ra, sự hồi phục sau khi điều chỉnh giảm từ mức thấp 3.500 USD đã kết thúc ở 4.410 USD vào thứ Năm tuần trước, lại một lần nữa xác nhận cho thị trường giá giảm khi nằm dưới đường EMA 21 tháng. Theo giới phân tích, chỉ khi giá tăng vững chắc lên trên mức 4.410 USD (mức cao nhất ngày 29/11), thì mô hình lịch sử đó mới không tái diễn, và Bitcoin sẽ tiếp tục ghi nhận mô hình tăng trong 4 năm.

Diễn biến Bitcoin từ năm 2010 đến 2017

Quy định tiền mật mã phù hợp với tiêu chuẩn của FATF

Trong phiên họp được tổ chức tại Buenos Aires – Argentina của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) vào cuối tuần qua, các thành viên đã ký tuyên bố chung để thừa nhận rằng các “cải tiến cần thiết” là vô cùng quan trọng trong tốc độ “số hóa” chóng mặt của nền kinh tế toàn cầu hiện nay.

Đề cập về tiền mật mã hoặc “tài sản mã hóa” trong tài liệu, G20 đã đồng ý với một cách tiếp cận pháp lý phù hợp với các tiêu chuẩn FATF (lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính)- một tổ chức liên chính phủ được thành lập vào năm 1989 theo sáng kiến của G7 để phát triển các chính sách chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Bản tuyên bố nêu: “Chúng tôi sẽ điều chỉnh các tài sản mã hóa để chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố để phù hợp với tiêu chuẩn FATF và xem xét các phản hồi khác nếu cần. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau để tìm kiếm giải pháp dựa trên sự đồng thuận, nhằm giải quyết các tác động của việc số hóa nền kinh tế trên hệ thống thuế quốc tế với bản cập nhật năm 2019 và báo cáo cuối cùng vào năm 2020”.

Trước đó, Hoa Kỳ đã có động thái chống lại hai kẻ đứng đằng sau vụ mã độc tống tiền đến từ Iran. Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Kho bạc Hoa Kỳ đã đưa ra 2 địa chỉ ví Bitcoin, với cảnh báo cộng đồng tiền mật mã và ngành tài chính rằng bất kỳ ai giao dịch với 2 tài khoản này có thể bị xử phạt gián tiếp.

Tuy nhiên, việc ngăn chặn các giao dịch Bitcoin và tiền mật mã ở cấp độ giao thức bằng các biện pháp này vẫn để lại nhiều hoài nghi. Trên thực tế, Bitcoin được thiết kế có chủ ý để trở thành dạng tiền tệ chống lại sự kiểm duyệt, không biên giới và trung lập về chính trị.

Trong khi đó, Ấn Độ cũng đã đưa ra một loạt danh sách 9 điểm thúc giục các nước G20 chống lại “những tội phạm kinh tế bỏ trốn ra nước ngoài” mà có đề cập đến các tài sản mã hóa như Bitcoin và các đồng tiền điện tử khác.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng kêu gọi FATF nên được giao nhiệm vụ xây dựng một định nghĩa tiêu chuẩn về những tội phạm kinh tế bỏ trốn ra nước ngoài. FATF cũng nên phát triển một loạt các thủ tục thông thường và được chuẩn hóa liên quan đến việc xác định, dẫn độ và tố tụng tư pháp để giải quyết những tội phạm kinh tế bỏ trốn ra nước ngoài nhằm cung cấp sự hướng dẫn và hỗ trợ cho các nước G20, theo luật trong nước của họ.

Đầu tháng 7, trong phiên họp đầu tiên được tổ chức tại Buenos Aires, G20 đã thừa nhận rằng “tài sản mã hóa có thể mang lại lợi ích đáng kể” và không gây rủi ro cho sự ổn định tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, các thành viên đã đồng ý theo dõi sự cải tiến của chúng và phát triển một cách tiếp cận quy định toàn diện trong tương lai gần, đồng thời chỉ ra những lo ngại về trốn thuế và rửa tiền.

ĐỒNG AN

Sau khi kết thúc tích cực trong tuần trước, các đồng tiền mật mã khác cũng đã giảm mạnh vào ngày đầu tuần theo sau Bitcoin. Đồng Ether rớt 8,6% xuống 106 USD; đồng Litecoin giảm 10,2% xuống 30 USD; đồng XRP trượt 6,6% xuống 0,34 USD và đồng Bitcoin Cash mất 10,9% xuống 155 USD.

Với sự trượt dốc của các đòng tiền mật mã khác (altcoins) đã kéo tỷ trọng vốn hóa của đòng Bitcoin so với tổng giá trị vốn hóa của tất cả các đồng tiền mật mã tăng lên 53,7%, từ mức 37,8% hồi đầu năm nay, theo dữ liệu từ CoinMarketCap.

Các hợp đồng Bitcoin kỳ hạn cũng đi xuống vào hôm qua. Hợp đồng tháng 12 trên sàn CBOE giảm 3,4% xuống 3.802 USD, trong khi hợp đồng tương tự trên sàn CME đóng cửa giảm 3,2% xuống 3.800 USD.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/bitcoin-chim-sau-8-doi-mat-rui-ro-rot-tro-lai-xuong-muc-thap-14-thang-19543.html