Bình minh dân chủ - Bài 3: Đặt nền tảng dân chủ bằng sắc lệnh

Trong thời điểm ngàn cân treo sợi tóc, Hồ Chủ tịch đã vận dụng Hiến pháp 1946, ban hành sắc lệnh để điều chỉnh ngay các vấn đề cần kíp.

>> Bình minh dân chủ - Bài 1: Hành động ngay vì lợi quyền dân chúng >> Bình minh dân chủ - Bài 2: Kế thừa pháp luật cũ Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã thay mặt Nhóm những người yêu nước An Nam tại Pháp ký tên và gửi đến Hội nghị Versailles Bản yêu sách tám điểm của nhân dân An Nam. Đáng chú ý trong đó, Người yêu cầu phải thay thế chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật. Thế nhưng sau khi giành được chính quyền, chính Người lại dùng hình thức văn bản pháp luật này. Chỉ riêng ba tháng đầu tiên sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên tiếp ban hành 84 sắc luật, sắc lệnh. Vậy lý giải điều này như thế nào? Giải quyết tình thế cấp bách Sau khi giành được chính quyền, cuộc đấu tranh giai cấp ở nước ta lúc bấy giờ diễn ra rất gay gắt, thù trong giặc ngoài, chính quyền non trẻ rơi vào thế “ngàn cân treo đầu sợi tóc”. Hồ Chủ tịch là người đứng đầu nhà nước khi đó, cũng là người đứng đầu Đảng phải tuyên bố giải tán Đảng nhưng thực chất là Đảng rút vào hoạt động bí mật. Đảng phải lãnh đạo nhà nước non trẻ này. Nhưng bằng cách nào? Đó là giao cho người đứng đầu Đảng, đồng thời cũng là người đứng đầu nhà nước thực thi đường lối lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước. Cũng cần nói thêm, trong hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh như vậy, điều kiện đi lại rất khó khăn, đại biểu ở Nam bộ ra miền Bắc họp phải mất từ ba đến sáu tháng đi đường. Trong điều kiện đó, làm sao Quốc hội họp để ban hành luật được trong khi nhiều vấn đề thực tiễn đòi hỏi phải có ngay văn bản pháp luật để điều chỉnh. Với tài đức tuyệt vời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua một người vừa đứng đầu Đảng, vừa đứng đầu nhà nước với quyền hạn và nhiệm vụ do Hiến pháp quy định rất lớn, trong đó có quyền ban hành sắc luật, sắc lệnh. Ngày nay đọc lại những sắc luật, sắc lệnh của Hồ Chủ tịch, ta thấy không hề có tính độc đoán, chuyên quyền vì Người nhận biết rất sâu sắc rằng hình thức sắc luật, sắc lệnh rất dễ chuyên quyền, độc đoán. Kế thừa luật cũ để tránh xáo trộn Trong số những sắc lệnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày đầu lập nước, có một sắc lệnh rất đáng chú ý: sắc lệnh giữ lại các luật lệ của chế độ cũ, miễn là nội dung không trái với nguyên tắc độc lập và chính thể dân chủ cộng hòa. Đây là cách sử dụng rất thông minh. Vì nếu không làm như vậy, xã hội sẽ có một thời điểm nào đó không có pháp luật, rất dễ dẫn đến rối loạn. Ngày nay, trong điều kiện hòa bình, Quốc hội có điều kiện để ban hành các đạo luật, bộ luật; quản lý nhà nước chủ yếu bằng hình thức luật. Vì thế, Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 1992 không ban hành sắc lệnh mà có quyền ban hành lệnh, quyết định để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Nhớ lại sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng hình thức sắc luật và sắc lệnh để quản lý nhà nước trong điều kiện đấu tranh giai cấp quyết liệt càng thấy Người là vị lãnh tụ tài ba, không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà còn rất sâu sắc, uyên bác trong lĩnh vực pháp lý. Với việc sử dụng văn bản quy phạm pháp luật - hình thức thể hiện của pháp luật, Người đã dùng pháp luật làm vũ khí sắc bén phục vụ cho việc tổ chức và quản lý nhà nước. ĐỨC MINH ghi Chính quyền hợp lý, gọn nhẹ Ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ta đã phân biệt rõ sự khác nhau trong việc quản lý và tổ chức bộ máy chính quyền ở địa bàn nông thôn (tỉnh) với quản lý và tổ chức bộ máy chính quyền ở địa bàn đô thị (thành phố); phân biệt rõ tính chất, chức năng rất khác nhau của các đơn vị hành chính cơ bản (xã, tỉnh, thành phố) với các đơn vị hành chính trung gian (kỳ, huyện, khu phố) (1). Ở các đơn vị hành chính trung gian, chức năng chủ yếu của cơ quan chính quyền là “chuyển tải”, “trực tiếp thi hành” chứ không phải bàn bạc, quyết định như ở các đơn vị hành chính cơ bản nên sự hiện diện của cơ quan đại diện quyền lực nhà nước (HĐND) là không cần thiết. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành hai sắc lệnh riêng để quy định: hai mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở địa bàn nông thôn (xã, huyện, tỉnh, kỳ theo Sắc lệnh 63/SL ngày 22-11-1945) và mô hình tổ chức chính quyền ở địa bàn đô thị (thành phố, khu phố theo Sắc lệnh 77/SL ngày 21-12-1945) là khác nhau. Theo hai sắc lệnh này, ở các đơn vị hành chính cơ bản là tỉnh, xã và thành phố được tổ chức thành cấp chính quyền hoàn chỉnh: có cả HĐND và Ủy ban hành chính (UBHC); còn ở các đơn vị hành chính trung gian là kỳ, huyện và khu phố chỉ tổ chức UBHC. Riêng UBHC khu phố vừa là cơ quan hành chính đại diện cho chính quyền TP, vừa là cơ quan đại diện trực tiếp của nhân dân khu phố, do cử tri khu phố bầu theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và kín. Từ Hiến pháp năm 1959 và Luật Tổ chức HĐND và UBHC các cấp năm 1962 cho đến Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001) và Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 hiện hành, ta áp dụng theo mô hình tổ chức bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa Xô viết. Do đó, ta đã không còn phân biệt sự khác nhau về tính chất, chức năng giữa đơn vị hành chính cơ bản (tỉnh, thành phố, xã) với đơn vị hành chính trung gian (huyện, quận và phường). Hệ quả là ở tất cả đơn vị hành chính đều tổ chức cấp chính quyền hoàn chỉnh, có HĐND và UBND, đồng thời áp dụng nguyên tắc “vị trí tối cao và toàn quyền của các cơ quan dân cử” trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước khác cùng cấp. Theo nguyên tắc này, UBND cấp nào phải do HĐND cấp đó bầu ra (2) với quan niệm không chuẩn: càng có nhiều đại biểu các cơ quan dân cử của các cấp chính quyền thì các cấp chính quyền đó càng thể hiện tính chất dân chủ, chính quyền đó càng thể hiện bản chất chính quyền của nhân dân, do nhân dân. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường chính là sự kế thừa kinh nghiệm lịch sử tổ chức chính quyền địa phương ở nước ta theo hai sắc lệnh nói trên do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành, đồng thời khắc phục sự áp dụng một cách máy móc kinh nghiệm nước ngoài, nhằm tổ chức hợp lý các cấp chính quyền địa phương ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Đó là bước đi phù hợp. Bước đi ấy cách đây 64 năm đã được Hồ Chí Minh thực hiện. PGS-TS Trương Đắc Linh (Trường đại học Luật TP.HCM)

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/news/chinh-tri/view.aspx?news_id=268624