Bình Dương vươn mình để trở thành thành phố trực thuộc trung ương

Nhấn mạnh sự phát triển bứt phá của Bình Dương, ông Nguyễn Văn Lợi khẳng định những thành tựu đó nhờ vào tư duy nhạy bén và các quyết sách mang tính đột phá của Đảng bộ tỉnh Sông Bé (cũ)

Tỉnh Sông Bé trước đây là gộp chung của 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước bây giờ. Sau thời kỳ đổi mới, Sông Bé chỉ được biết đến là một tỉnh nông nghiệp, cùng với những làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ như gốm sứ, sơn mài, guốc mộc...

Chỉ có công nghiệp mới thay đổi nền kinh tế

Với cách nhìn nhận chỉ có công nghiệp mới thay đổi nền kinh tế và đem đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân, lãnh đạo tỉnh Bình Dương qua các thời kỳ đã kiên định với chủ trương "trải chiếu hoa mời gọi đầu tư".

KCN VSIP đầu tiên tọa lạc tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương

KCN VSIP đầu tiên tọa lạc tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé (giai đoạn 1991-1996), nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho biết muốn phát triển, lãnh đạo tỉnh Sông Bé thấy rằng phải phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh không có vốn, kinh nghiệm cũng không, chỉ có đất, cho nên phải mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư.

"Lúc này, mình mời gọi với tư tưởng "trải chiếu hoa mời gọi đầu tư", theo kiểu nhà quê, chiếu hoa là đẹp, là lịch sự, chứng tỏ mình là con nhà nghèo, nhưng cũng mang hàm ý khi nhà đầu tư vào đây thì mình tạo thuận lợi cho họ, giúp đỡ họ, thậm chí cùng với họ đi ra trung ương để đặt vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cùng với "trải chiếu hoa mời gọi đầu tư", tỉnh cũng đặc biệt chú trọng "trải thảm đỏ thu hút nhân tài"- ông Nguyễn Minh Triết nói.

Tác giả trao đổi với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về chủ trương "trải chiếu hoa mời gọi đầu tư"; "trải thảm đỏ thu hút nhân tài"

Tác giả trao đổi với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về chủ trương "trải chiếu hoa mời gọi đầu tư"; "trải thảm đỏ thu hút nhân tài"

Nhờ vậy, giai đoạn 1991-1996, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng mạnh và năm 1996 đạt trên 2.324 tỉ đồng. Đến cuối năm 1996, tại tỉnh đã có 3 khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động như Bình Đường, Sóng Thần, Tân Định… Đặc biệt, mô hình KCN Việt Nam- Singapore (Liên doanh giữa Tổng Công ty Becamex IDC và Tập đoàn Semcorp của Singapore) là minh chứng cho sự năng động, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Bình Dương lúc bấy giờ, để hôm nay, đã trở thành KCN kiểu mẫu của cả nước, từ Bình Dương đã "xuất khẩu" đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Đây cũng chính là giai đoạn có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo đà vươn lên mạnh mẽ cho Bình Dương trong giai đoạn phát triển mới sau ngày tái lập tỉnh (1-1-1997).

Ông NOGI HIROSHI, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (TP Dĩ An), chia sẻ Tập đoàn Yazaki đến đầu tư tại Bình Dương vào năm 1995 từ chính sách "trải chiếu hoa mời gọi đầu tư" của tỉnh. Gần 30 năm kinh doanh tại Bình Dương, điều ấn tượng với chúng tôi chính là môi trường đầu tư thông thoáng, thủ tục hành chính linh hoạt, nhanh chóng, đặc biệt lãnh đạo địa phương luôn tận tình hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là những thời điểm khó khăn như đại dịch COVID-19 hay suy thoái kinh tế những năm gần đây.

Xứng đáng là kỳ tích của cả nước

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cho biết 25 năm qua, quy mô dân số của tỉnh tăng gần 5 lần; quy mô nền kinh tế tăng gấp 104 lần; thu ngân sách tăng gấp 75 lần và là một trong số ít các địa phương điều tiết ngân sách về Trung ương.

Đến cuối năm 2023, Bình Dương là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 8,29 triệu đồng/người/tháng. Con số này cũng gấp 1,7 lần thu nhập bình quân đầu người của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Từ một tỉnh dựa chủ yếu vào nông nghiệp, đến nay tỉ trọng khu vực nông nghiệp khoảng 3%, công nghiệp 67% và dịch vụ 21%... Bình Dương đã bứt phá vươn lên trở thành điểm sáng thu hút đầu tư trong cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông của tỉnh ngày càng đồng bộ, hiện đại.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương thăm, tặng quà và chúc mừng vợ chồng công nhân xa quê được hỗ trợ xây nhà "Mái ấm Công đoàn"

Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương thăm, tặng quà và chúc mừng vợ chồng công nhân xa quê được hỗ trợ xây nhà "Mái ấm Công đoàn"

Tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh, đạt tỉ lệ trên 82%, và 5 năm liên tiếp gần đây Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới đã vinh danh Vùng Thông minh Bình Dương là 1 trong 21 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới, năm 2023 Bình Dương đã vươn lên vị trí số 1...

Nhấn mạnh sự phát triển bứt phá của Bình Dương, ông Nguyễn Văn Lợi khẳng định những thành tựu đó nhờ vào tư duy nhạy bén và các quyết sách mang tính đột phá của Đảng bộ tỉnh Sông Bé (cũ). Cùng với đó, các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã năng động, sáng tạo triển khai chủ trương "trải chiếu hoa mời gọi đầu tư" và "trải thảm đỏ thu hút nhân tài" để huy động những nguồn lực, đón làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến xây dựng quê hương Bình Dương.

Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam hiện có hơn 7.000 công nhân, được đánh giá là một trong những doanh nghiệp chăm lo tốt đời sống người lao động

Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam hiện có hơn 7.000 công nhân, được đánh giá là một trong những doanh nghiệp chăm lo tốt đời sống người lao động

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ngay sau khi thành lập tỉnh, có hai thay đổi quan trọng diễn ra tại Bình Dương. Một là VSIP - Khu Công nghiệp kiểu mới, sáng kiến phát triển quan trọng có được từ sự hợp tác Việt Nam - Singapore được vận hành thực tế và sớm được xác nhận là một hình mẫu thành công

Hai là chỉ xin trung ương cho cơ chế, không xin tiền. Công thức phát triển này rất đơn giản, rõ ràng nhưng thực sự là một bước tiến có ý nghĩa lịch sử trong nỗ lực thoát khỏi cơ chế "xin – cho".

"Những thành tích trên mang bóng dáng của một kỳ tích phát triển. Và chỉ có thể giải thích nó bằng việc Bình Dương đã kiên trì theo đuổi thực thi một chiến lược phát triển thông minh, dựa chủ yếu vào cách tiếp cận đột phá, hướng tới đổi mới sáng tạo không ngừng và tiến vượt. Bình Dương xứng đáng là kỳ tích của cả nước"- PGS-TS Trần Đình Thiên nói.

Dám bứt phá để thay đổi

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, cho rằng thời gian qua, Bình Dương đã chủ động, dám nghĩ, tận dụng lợi thế ít ỏi, hiếm hoi, mang tính chất chắt chiu nhưng dám bứt phá để thay đổi. Sự thành công này cũng dựa một phần vào TP HCM, nhưng đó chỉ là dựa vào vị trí, sau đó Bình Dương lại có cách đi rất khác, với sự kết hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp.

"Tận dụng lợi thế đi sau, đứng bên cạnh và đi cùng người khổng lồ, Bình Dương đã tìm ra con đường phát triển rút ngắn hiệu quả, thu hút được nguồn vốn đầu tư, nguồn lao động dồi dào nhờ hiệu ứng kết nối và lan tỏa, để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa; từng bước hình thành cách làm riêng dựa vào các nhà đầu tư chiến lược làm đầu tàu kích hoạt, vươn ra thế giới và đạt được những thành tựu nổi bật" - GS-TS Nguyễn Xuân Thắng nhìn nhận.

Kỳ tới: Đột phá với mô hình "Công nghiệp - Đô thị- Dịch vụ"

Thanh Thảo

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/binh-duong-vuon-minh-de-tro-thanh-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-196240923080038295.htm