Bình Định: Đồng bào Công giáo lo trọn việc đạo, chung tay việc đời

Theo Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Bình Định, toàn tỉnh Bình Định hiện có gần 48.500 người Công giáo, chiếm 2,7% dân số; đồng bào tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước.

Sơ Hoàng Thị Mỹ Dung, Phụ trách Cộng đoàn Phanxicô Quy Hòa phát cơm miễn phí cho bệnh nhân phong lớn tuổi vào thứ 5 hàng tuần. (Ảnh: Lê Phước Ngọc/TTXVN)

Sơ Hoàng Thị Mỹ Dung, Phụ trách Cộng đoàn Phanxicô Quy Hòa phát cơm miễn phí cho bệnh nhân phong lớn tuổi vào thứ 5 hàng tuần. (Ảnh: Lê Phước Ngọc/TTXVN)

Đồng bào Công giáo tại tỉnh Bình Định luôn ý thức đồng hành cùng dân tộc, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hết mình vì cộng đồng với đường hướng mục vụ Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào.”

Cuộc sống đầy yêu thương

Chúng tôi tìm về làng phong Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Làng hiện có khoảng 1.500 người; trong đó, có 60% là người theo đạo.

Người dân nơi đây sống chan hòa, yêu thương, bác ái, cùng nhau xây dựng, thắt chặt đoàn kết dân tộc.

Ấn tượng đầu tiên là hình ảnh những bệnh nhân phong ngồi thành hàng ngay ngắn dọc lối đi nhỏ, chờ các sơ Cộng đoàn Phanxicô Quy Hòa (Dòng Phan Sinh thừa sai Đức Mẹ) phát cơm.

Xong phần việc của mình, sơ Hoàng Thị Mỹ Dung, phụ trách Cộng đoàn cười tươi nói với chúng tôi rằng các bệnh nhân chẳng thiếu thốn gì đâu, nhưng nhận cơm miễn phí như một thói quen từ nhiều năm nay rồi.

Các sơ cũng cảm nhận rõ điều đó nên vẫn huy động nguồn quỹ để duy trì, nhằm giúp họ vơi bớt tự ti, mặc cảm, vượt lên nghịch cảnh, sống an vui với đời.

“Hoạt động này thường diễn ra vào thứ 5 hằng tuần với những suất cơm đầy đủ dưỡng chất dành cho các bệnh nhân lớn tuổi,” sơ Mỹ Dung cho hay.

Sơ Mỹ Dung dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh nhà máy nước sạch được đầu tư bài bản. Nhà máy ngoài phục vụ nhu cầu của các sơ Cộng đoàn còn có vai trò rất quan trọng là cấp phát nước uống miễn phí cho 240 gia đình bệnh nhân phong và khoảng 150 gia đình con bệnh nhân phong.

Thấy con em trong làng phong còn phải đi học xa xôi, vất vả, Cộng đoàn Phan xi cô Quy Hòa còn tổ chức thuê xe đưa đón hơn 100 học sinh đang theo học tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trong nội thành Quy Nhơn, với chi phí hằng năm bỏ ra lên tới hơn 200 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa.

Không những thế, Cộng đoàn còn nhân rộng mô hình “Đoàn kết tương trợ giúp vốn sản xuất,” giúp các gia đình bệnh nhân phong và người theo đạo ở giáo xứ Quy Hòa có thêm vốn làm ăn, buôn bán nhỏ và chăn nuôi.

Tới thời điểm hiện tại, có khoảng 14 nhóm đoàn kết tương trợ vốn được thành lập, sinh hoạt đều đặn hàng tháng, gần 290 phụ nữ đã được thụ hưởng nguồn vốn này.

 Chị Hồ Thị Đăng Minh (48 tuổi), bệnh nhân phong, được Cộng đoàn Phanxicô Quy Hòa hỗ trợ vay vốn chăn nuôi gà, phát triển kinh tế. (Ảnh: Lê Phước Ngọc/TTXVN)

Chị Hồ Thị Đăng Minh (48 tuổi), bệnh nhân phong, được Cộng đoàn Phanxicô Quy Hòa hỗ trợ vay vốn chăn nuôi gà, phát triển kinh tế. (Ảnh: Lê Phước Ngọc/TTXVN)

Chị Hồ Thị Đăng Minh (48 tuổi) chia sẻ: "Tôi bị bệnh phong nên gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Nhờ các sơ trong Cộng đoàn quan tâm nên tôi được vay số tiền 3 triệu đồng về chăn nuôi gà. Đến nay, kinh tế gia đình dần ổn định hơn trước, cuộc sống cũng cải thiện từng ngày. Điều đó khiến tôi rất phấn khởi."

“Cộng đoàn Phanxicô Quy Hòa có tổng cộng 16 người; trong đó, nhiều sơ đã trên 90 tuổi. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng hằng ngày các sơ vẫn nhiệt huyết, tận tình phục vụ các bệnh nhân phong, xem họ như người thân thích, nguyện trọn đời theo đường hướng mục vụ Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam là “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào,” sơ Hoàng Thị Mỹ Dung bộc bạch.

Cùng với Cộng đoàn Phanxicô Quy Hòa, nhiều Cộng đoàn khác cũng có những việc làm ý nghĩa hướng về cộng đồng.

Cộng đoàn các nữ tu Dòng Thánh Phaolô Quy Nhơn đã tổ chức 6 khóa dạy cắt may miễn phí cho 120 nữ thanh niên là người dân tộc. Sau những khóa học may, các em đều có việc làm ổn định.

Điển hình như cơ sở may của gia đình chị Nguyễn Thị Cung Hằng, thường xuyên phân phối hàng cho 20 lao động nữ may gia công tại nhà, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Theo chỉ dẫn của Giám mục Giáo phận Quy Nhơn, các linh mục quản xứ, các nữ tu… đã hỗ trợ trên 3 tỷ đồng tiền học phí cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, hưởng ứng lời kêu gọi “Đặc biệt quan tâm đến người nghèo” của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong Thư Mục vụ năm 1988 và phong trào “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do các cấp, ngành phát động, Ban Bác ái của giáo phận, các linh mục, nữ tu, đồng bào theo đạo trong tỉnh đã tích cực tham gia đóng góp vào Quỹ “Vì người nghèo” tại địa phương; cứu trợ các vùng bị thiên tai, bão lũ, thăm hỏi các cụ già neo đơn, người tàn tật, trẻ em mồ côi cơ nhỡ, với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng; xây dựng được 35 căn nhà tình thương.

Vào các dịp lễ Giáng sinh, Tết, các giáo xứ, các dòng tu cũng tổ chức nhiều đợt thăm, tặng quà cho người nghèo, với số tiền hơn 2 tỷ đồng…

Tốt đời, đẹp đạo

Theo Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Bình Định, toàn tỉnh Bình Định hiện có gần 48.500 người Công giáo, chiếm 2,7% dân số. Với quan niệm "Kính Chúa yêu nước", "Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt", các giáo xứ - giáo họ và từng hộ gia đình theo đạo Công giáo tại tỉnh đều tích cực tham gia vào các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của người công dân, đạt nhiều kết quả khả quan.

 Cộng đoàn Phanxicô Quy Hòa đầu tư nhà máy nước sạch công suất lớn để cấp nước miễn phí cho các gia đình bệnh nhân phong và bà con trong làng. (Ảnh: Lê Phước Ngọc/TTXVN)

Cộng đoàn Phanxicô Quy Hòa đầu tư nhà máy nước sạch công suất lớn để cấp nước miễn phí cho các gia đình bệnh nhân phong và bà con trong làng. (Ảnh: Lê Phước Ngọc/TTXVN)

Minh chứng rõ nét là việc các giáo xứ - giáo họ, người theo đạo đăng ký tham gia phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.” Qua đánh giá, xếp loại, có hơn 85% khu dân cư có đông đồng bào Công giáo sinh sống được công nhận là “Làng văn hóa”; hơn 95% gia đình theo đạo Công giáo đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa.”

Về thực hiện cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đến năm 2024, có 90% giáo xứ, giáo họ tại tỉnh đạt danh hiệu nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần cùng nhân dân nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.Đặc biệt, thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự tại các giáo xứ-giáo họ đều hăng hái khám tuyển, sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Phong trào xây dựng “Giáo xứ - giáo họ không có tội phạm và tệ nạn xã hội” được triển khai rộng khắp đến 36 giáo xứ và 8 giáo họ trong toàn tỉnh. Nhờ vậy, ở những nơi có đông đồng bào Công giáo sống tập trung thường được đảm bảo về mặt an ninh trật tự, an toàn xã hội, những vụ việc nghiêm trọng ít xảy ra; các vụ tranh chấp, mâu thuẫn nội bộ đều được giải quyết bằng việc hòa giải tại chỗ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên trong cộng đồng khu dân cư.

Đại diện Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định cho biết những năm qua, lãnh đạo tỉnh luôn thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng của người dân. Đồng thời, luôn quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào các tôn giáo nói chung, đồng bào Công giáo nói riêng thực hiện các hoạt động tôn giáo thuần túy bình thường theo quy định của Giáo hội và của pháp luật; tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/binh-dinh-dong-bao-cong-giao-lo-tron-viec-dao-chung-tay-viec-doi-post1003271.vnp