'Bình dân học AI': Giúp người dân làm chủ và sử dụng được AI trong cuộc sống
'Bình dân học AI' kế thừa tinh thần của phong trào 'Bình dân học vụ' năm 1945 nhằm giúp người dân Thái Nguyên, đặc biệt là người dân trong độ tuổi lao động làm chủ và sử dụng được AI trong cuộc sống.
Kế thừa những thành tựu đạt được của chương trình chuyển đổi số, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc, tỉnh đang tích cực triển khai chương trình “Bình dân học AI."
Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết chương trình “Bình dân học AI” kế thừa tinh thần của phong trào “Bình dân học vụ” năm 1945 nhằm giúp người dân Thái Nguyên, đặc biệt là người dân trong độ tuổi lao động làm chủ và sử dụng được AI trong cuộc sống.
Việc triển khai chương trình sẽ hỗ trợ người lao động kết nối với kho tri thức của nhân loại thông qua AI, hình thành tư duy “AI First” (ưu tiên AI) và văn hóa ứng dụng AI trong giải quyết vấn đề, giúp cộng hưởng trí tuệ cá nhân của mỗi người với Trí tuệ Nhân tạo,… Từ đó giúp cải thiện năng suất, chất lượng công việc bằng AI, mở ra cơ hội việc làm mới chưa từng có, tăng khả năng tiếp cận tri thức, nâng cao chỉ số hài lòng, chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Kiên, chương trình "Bình dân học AI” được triển khai từ nay đến tháng 12/2025, gồm 5 bậc trình độ từ cơ bản đến nâng cao. Với nền tảng học tập, hệ thống học liệu điện tử về đào tạo AI đã chuẩn hóa, người học sẽ tập trung vào thực hành và ứng dụng.
Năm bậc trình độ xử lý văn bản cơ bản gồm sử dụng AI để xử lý văn bản, viết báo cáo, tìm kiếm và tổng hợp thông tin, đáp ứng yêu cầu công việc văn phòng cơ bản; đa phương tiện và truyền thông: sử dụng AI xử lý hình ảnh, video, âm thanh, tạo nội dung đa phương tiện chuyên nghiệp và xây dựng kênh truyền thông trên mạng xã hội; mô hình tư duy chuyên nghiệp: vận dụng các mô hình tư duy với AI, phân tích và giải quyết vấn đề có hệ thống, tối ưu hóa quy trình công việc; quản trị dữ liệu và tri thức: phân loại và tổ chức dữ liệu hiệu quả, khai thác nguồn big data, xây dựng hệ thống quản lý tri thức; sáng tạo và đổi mới: thử nghiệm giải pháp mới với AI, phát minh và cải tiến quy trình, phát triển mô hình kinh doanh sáng tạo,… tạo ra giá trị mới với AI, thích nghi với tương lai nhiều biến đổi.
Tỉnh phấn đấu năm 2025, chương trình “Bình dân học AI” sẽ đạt các mục tiêu như 100% huyện, thành phố ban hành kế hoạch, tổ chức phát động tham gia, hình thành mạng lưới triển khai từ tỉnh tới cơ sở; 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thành lập nhóm cán bộ, công chức, viên chức nòng cốt lan tỏa chương trình trong cơ quan, đơn vị; 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị được học và ứng dụng nền tảng AI hỗ trợ công việc của bản thân, trong đó 50% cán bộ, công chức, viên chức được cải thiện hiệu quả, năng suất, chất lượng thực hiện nhiệm vụ; phấn đấu 80% chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, phát triển sản phẩm, trong đó 50% chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được cải thiện công tác quản trị, tổ chức kinh doanh, phát triển sản phẩm.
Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu 80% người trong độ tuổi lao động được tham gia các lớp đào tạo kỹ năng AI cơ bản online, trong đó có ít nhất 50% người lao động có khả năng sử dụng các kỹ năng AI cơ bản. Tỉnh cũng xây dựng mạng lưới giảng viên cộng đồng đến từng xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, kết nối với mạng lưới giảng viên, huấn luyện viên AI toàn quốc, từng bước hình thành văn hóa ứng dụng “AI xứ trà” trong toàn tỉnh.
Tỉnh Thái Nguyên sẽ huy động tối đa sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là phát huy vai trò nòng cốt của tổ công nghệ số cộng đồng. Kết thúc chương trình, các ngành chức năng sẽ tổ chức đánh giá và chứng nhận cho từng bậc trình độ, vinh danh các thành tích đạt được, trao cơ hội phát triển nghề nghiệp cho người lao động./.