Bilbao: Từ 'thành phố khói bụi' đến biểu tượng đô thị xanh
Từng được biết đến là điển hình của ô nhiễm và suy thoái hậu công nghiệp, Bilbao - thành phố lớn nhất xứ Basque (Tây Ban Nha) - đã có cuộc chuyển mình được xem là mẫu mực trong ba thập kỷ qua.
Với sự vào cuộc bài bản của chính quyền cùng tầm nhìn phát triển bền vững, Bilbao đã trở thành một “thành phố xanh” đáng sống, một mô hình đầy cảm hứng cho các đô thị hậu công nghiệp trên toàn thế giới.

Bảo tàng Guggenheim Bilbao, thiết kế bởi kiến trúc sư Frank Gehry, là biểu tượng của sự tái sinh đô thị và được xem là trung tâm của “Hiệu ứng Bil-bao”.
Một thời khủng hoảng, ô nhiễm
Nằm bên dòng sông Nervíon và được bao quanh bởi những dãy núi xứ Basque, Bilbao từng là “trái tim” công nghiệp của Tây Ban Nha trong suốt hơn một thế kỷ. Từ cuối thế kỷ XIX đến nửa sau thế kỷ XX, nơi đây là trung tâm của ngành đóng tàu, luyện thép và khai thác than đá. Thành phố phát triển mạnh mẽ nhờ vị trí cảng chiến lược gần biển Cantabria, nhưng sự thịnh vượng này cũng đi kèm với một cái giá nặng nề: Môi trường ô nhiễm, cảnh quan đô thị bị tàn phá, kinh tế phụ thuộc gần như hoàn toàn vào công nghiệp nặng.
Sau những thập niên tăng trưởng nóng, Bilbao rơi vào khủng hoảng vào những năm 1970 - 1980 khi nền công nghiệp truyền thống bước vào giai đoạn thoái trào. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu, sự cạnh tranh từ châu Á và sự sụp đổ của các nhà máy cũ kỹ khiến tỉ lệ thất nghiệp ở thành phố lên tới 25% vào đầu thập niên 1990. Thành phố khi ấy bị bao trùm bởi một màu xám: Không khí ô nhiễm, hệ thống kênh rạch đặc quánh bùn thải công nghiệp, khu vực cảng hoang tàn dọc sông Nervíon.
Biến cố nghiêm trọng nhất là trận lũ lịch sử năm 1983, khiến hơn 30 người thiệt mạng và gây thiệt hại ước tính khoảng 1 tỷ euro (tính theo thị giá hiện nay). Trận lũ phơi bày sự yếu kém trong hệ thống hạ tầng và trở thành cú sốc khiến giới chức Bilbao buộc phải nhìn lại toàn bộ định hướng phát triển đô thị.
Đổi mới hướng đến đô thị xanh, thông minh
Ngày nay, Bilbao là hình mẫu tiêu biểu cho sự chuyển đổi đô thị hậu công nghiệp ở châu Âu. Thành phố không chỉ hồi sinh sau cơn suy thoái công nghiệp, mà còn vươn mình trở thành một trung tâm văn hóa, đổi mới và bền vững - được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Một trong những trụ cột của quá trình chuyển đổi là việc giảm phụ thuộc vào ô tô. Theo Báo cáo về Giao thông Đô thị năm 2024 của Ủy ban châu Âu, số lượt xe cơ giới lưu thông ở Bilbao đã giảm hơn 1 triệu lượt trong quý I năm 2024 so với cùng kỳ năm 2019, tương đương mức giảm 13,9%. Đồng thời, 70% tổng số chuyến đi trong thành phố hiện được thực hiện bằng đi bộ, đạp xe hoặc phương tiện công cộng - một bước tiến lớn so với con số 50% của năm 2015.
Metro Bilbao, hệ thống tàu điện ngầm của thành phố, chuyển sang vận hành hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo từ năm 2022. Năm 2024, đơn vị vận hành hợp tác với Siemens triển khai hệ thống AI tối ưu năng lượng, giúp tiết kiệm thêm 12% lượng điện tiêu thụ mà không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ (Siemens Press, 2024).
Không chỉ đổi mới trong giao thông, Bilbao còn áp dụng công nghệ vào việc quản lý đô thị. Công ty cấp nước Consorcio de Aguas Bilbao Bizkaia hợp tác với Công ty công nghệ Fractalia triển khai hệ thống phát hiện rò rỉ bằng cảm biến âm thanh và trí tuệ nhân tạo, giúp giảm 20% tổn thất nước trên toàn mạng lưới trong năm 2023.
Đáng chú ý, trong trận lũ tháng 11-2023, hệ thống cảnh báo sớm khí hậu được nâng cấp với nguồn vốn từ EU đã dự báo chính xác trước 72 giờ, giúp giảm thiệt hại kinh tế khoảng 18 triệu euro so với một trận lũ tương đương xảy ra năm 2019.
Từ một thành phố phụ thuộc vào luyện thép, Bilbao đã chuyển mình thành trung tâm đổi mới sáng tạo. Công viên công nghệ Biscay hiện là nơi hoạt động của gần 80 công ty khởi nghiệp và nghiên cứu phát triển (R&D), tạo ra hơn 4.200 việc làm trong lĩnh vực công nghệ chỉ trong giai đoạn 2020 - 2024. Chiến lược thu hút nhân lực chất lượng cao cũng phát huy hiệu quả khi hơn 2.500 lao động kỹ thuật số từ nước ngoài đã chuyển đến sinh sống tại đây từ năm 2022. Sự kiện công nghệ lớn Bilbao Slush’D 2025, mô phỏng theo mô hình Slush của Phần Lan, thu hút hơn 3.000 nhà đầu tư và khởi nghiệp từ 40 quốc gia, kết nối vốn đầu tư lên đến 8 tỷ euro.
Thị trưởng thành phố Bilbao, ông Juan Mari Aburto phát biểu trong Thông điệp chính sách 2025: “Chúng tôi đang chứng minh rằng các thành phố không cần phải lựa chọn giữa tiến bộ và bản sắc”. Bilbao đã khéo léo lồng ghép đổi mới công nghệ với các giải pháp dân sinh cụ thể - từ xe đạp điện, cảm biến nước đến thu hút trí tuệ toàn cầu. Không cần đến những siêu dự án hàng trăm tỷ đô, Bilbao đang âm thầm định hình lại khái niệm “thành phố hậu công nghiệp” của thế kỷ XXI.
Quá trình tái thiết đô thị của Bilbao còn được đánh giá cao trên trường quốc tế. Báo cáo “The Future of Cities” do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố năm 2023 đã gọi Bilbao là “một hình mẫu của chuyển đổi bền vững trong các thành phố trung bình của châu Âu”. Tổ chức UN-Habitat trong bản tin chuyên đề về “Thành phố hậu công nghiệp và khôi phục bản sắc đô thị” (năm 2024) đã nêu rõ: “Bilbao đã làm được điều mà nhiều thành phố lớn không thể: Khôi phục niềm tin của người dân thông qua không gian công cộng chất lượng và một nền kinh tế không loại bỏ ai”...
Từ một đô thị công nghiệp nặng từng bị lãng quên bên bờ sông Nervíon, Bilbao đã vươn lên trở thành minh chứng sống động cho thấy sự phát triển bền vững không chỉ là lý thuyết. Đó là con đường khả thi nếu chính quyền có quyết tâm, và người dân được đặt vào trung tâm của mọi chính sách.