Biến thể R.1 của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh tại Mỹ

Biến thể R.1 đã lan ra 47 tiểu bang tại Mỹ. Ảnh minh họa: Reuters

* Các biến thể mới khiến virus SARS-CoV-2 nhiều hơn trong không khí

Một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, vốn lây nhiễm cho các cư dân và nhân viên y tế tại một viện dưỡng lão ở bang Kentucky, đã lây lan ra 47 bang tại Mỹ.

Báo Newsweek dẫn số liệu của Cơ quan Y tế bang Kentucky cho biết 45 cư dân và nhân viên y tế đã nhiễm biến thể R.1 sau khi một nhân viên chưa tiêm chủng mắc bệnh vào tháng 3. Biến thể R.1, được phát hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản, chứa những đột biến mới có khả năng vượt qua khả năng bảo vệ của kháng thể ở những người được tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19.

Theo Outbreak.info, trang web thu thập dữ liệu về các biến thể SAS-CoV-2, tính đến ngày 21/9, biến thể R.1 đã lây nhiễm cho hơn 10.567 người trên khắp thế giới và đã được phát hiện ở 47 bang tại Mỹ.

Maryland là bang có số ca nhiễm biến thể R.1 cao nhất, với 399 ca mắc bệnh được ghi nhận kể từ khi biến thể này được phát hiện lần đầu tiên tại Mỹ.

Tới nay, Mỹ ghi nhận 2.259 ca nhiễm R.1 và biến thể R.1 chiếm khoảng 0,5% số ca mắc COVID-19 tại Mỹ. Biến thể R.1 cũng đã được phát hiện ở ít nhất 31 quốc gia trên thế giới, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước ở Tây Âu.

Mặc dù số ca nhiễm biến thể R.1 vẫn ở mức thấp, cựu Giáo sư Trường Y Harvard William A. Haseltine nhận định 5 đột biến được tìm thấy trong R.1 có thể giúp biến thể này dễ lây lan hơn và tăng khả năng chống lại các kháng thể.

Điều này đồng nghĩa với việc biến thể R.1 sẽ tránh được khả năng miễn dịch hình thành sau tiêm vắc xin hoặc do từng mắc bệnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến thể R.1 chứa đột biến W152L có thể giảm hiệu quả của kháng thể. Đột biến W152L cũng có mặt trong một biến thể nhỏ của biến thể Delta được phát hiện ở Ấn Độ.

Biến thể R.1 có chứa “bộ ba” đột biến thường được phát hiện ở các biến thể trước đây gồm đột biến C241U, đột biến P323L ở polymerase NSP12 và đột biến D614G.

Trong đó, đột biến D614G có thể làm gia tăng khả năng lây lan của virus. Trong khi đó, giới khoa học chưa rõ tác động của hai dạng đột biến còn lại.

* Một nghiên cứu mới đây do Đại học Y tế công cộng Maryland cho thấy virus SARS-CoV-2 đang lây lan mạnh hơn trong không khí. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra các bệnh nhân nhiễm biến thể Alpha - vốn lây lan mạnh khi nghiên cứu được tiến hành - có thể đưa lượng virus có trong cơ thể vào không khí nhiều hơn từ 43-100 lần so với chủng virus ban đầu.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế này là các bệnh nhân nhiễm biến thể Alpha có lượng virus tăng ở dịch họng hầu và nước bọt.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện việc các bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ dù đeo khẩu trang rộng cũng có thể giúp giảm khoảng 50% lượng virus SARS-CoV-2 đưa vào không khí.

Trong bối cảnh biến thể Delta hiện nay còn dễ lây lan hơn biến thể Alpha, các nhà nghiên cứu khuyến cáo ngoài việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, người dân cần phải đeo khẩu trang khít mặt, cũng như cần cung cấp hệ thống thông gió tốt hơn.

Trong khi đó, tại một hội thảo về ung thư diễn ra ở châu Âu tuần này, 5 nhóm nghiên cứu khác nhau đều khẳng định các bệnh nhân ung thư có phản ứng miễn dịch hiệu quả sau khi được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, cũng như không gặp bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào so với những người được tiêm vắc xin nói chung.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/264380/bien-the-r-1-cua-virus-sars-cov-2-lay-lan-manh-tai-my.html