Biên cương trong tim
Tập truyện ký 'Cột mốc kể chuyện' của Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh do Nhà xuất bản QĐND ấn hành nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam là tập hợp loạt bút ký gồm 25 bài đã được đăng tải trên Phụ trương An ninh biên giới của Báo Biên phòng.
Cuốn sách thứ 15 của tác giả mặc áo lính này được “thai nghén” từ ý tưởng cách đây gần 15 năm, cùng với thời gian bươn chải khắp mọi miền biên cương Tổ quốc để tìm hiểu, thu thập dữ liệu viết bài. Nhà văn Phạm Vân Anh chia sẻ: “Kể từ năm 2008, lần đầu tiên tôi theo nhóm phân giới cắm mốc ở tuyến biên giới Việt - Trung, ở những điểm mốc cuối cùng, tôi đã nghĩ về những trang viết về miền biên cương Tổ quốc. Được sự khuyến khích, ủng hộ của Ban Biên tập Báo Biên phòng, những trang viết trong loại truyện ký “Cột mốc kể chuyện” ra đời”.

Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh. Ảnh: Hoàng Hải Lâm
Đề tài về người lính là mạch nguồn cho nghệ sĩ sáng tạo. Viết về người lính, đặc biệt là lính Biên phòng với những tình cảm của họ, trách nhiệm của họ đối với biên giới Tổ quốc, sẽ là những áng văn giàu cảm xúc, lay động lòng người. Phạm Vân Anh với vai trò là nhà văn Quân đội, viết về người lính giống như đưa chị đến với mảnh đất màu mỡ, bởi ở đó chị có nhiều “vốn liếng” qua sự từng trải, người thực, việc thực mà chính Phạm Vân Anh đã dấn thân, gắn bó với mảnh đất biên cương Tổ quốc.
Trong 15 đầu sách đã xuất bản, có tới 12 cuốn viết về người lính, về biên giới quốc gia. Điều đó cho thấy, người lính gắn liền với đất nước, với biên giới, với tình người. Và một lẽ khác, chúng ta thấy rằng, tác giả đã đặt đất nước trong tim mình thì trong trái tim đất nước, Phạm Vân Anh là giọt máu yêu thương. Lẽ dĩ nhiên là thế, với người lính, đất nước là cội nguồn của cảm xúc, biên giới quốc gia là nơi bất khả xâm phạm, cũng từ đó, trái tim nhà văn, người lính Biên phòng Phạm Vân Anh dấy lên niềm xúc động, vừa tôn nghiêm nhưng lại rất đỗi ngọt ngào, vừa rắn rỏi nhưng lại dạt dào cảm xúc. Phạm Vân Anh đã vẽ nên bức chân dung một vùng biên cương đẹp đến nao lòng, thiêng liêng đến cay mắt và tôn nghiêm như lời thề trước non sông Tổ quốc tạc vào ý chí con người.
Cũng bởi thế mà tôi gọi “Cột mốc kể chuyện” của nhà văn Phạm Vân Anh là tượng đài văn chương viết về miền biên ải. “Nhìn trên bản đồ, biên giới chỉ là những nét vẽ ngắt khúc. Nhưng để có những nét vẽ đó, máu xương, mồ hôi, công sức của ông cha ta đã đổ xuống trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, để tạo nên hình dáng Việt Nam hôm nay. Trên dọc dài biên giới, những cột mốc quốc gia được làm bằng đá hoa cương, trên có gắn quốc huy của Việt Nam và nước láng giềng mang ý tưởng dáng hình cây tre sừng sững trên đỉnh cao hay dưới khe sâu, bên sông rộng, giữa rừng già... hàm chứa trong mình những câu chuyện đầy ý nghĩa về truyền thống lịch sử cha ông ta giữ đất biên cương và sự hy sinh không gì so sánh được của quân dân nơi đây đã làm nên những “khiên thép trấn biên” (Hào khí biên cương Đông Bắc).
Tác giả cũng đã có những tình cảm đặc biệt với mảnh đất Quảng Trị anh hùng “trên hành trình đến với những cột mốc biên cương, chúng tôi không quên đến dâng hương tại Bia tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh khi tham gia phân giới cắm mốc năm 1978 theo Hiệp định hoạch định biên giới hai nước Việt, Lào năm 1977. Tham gia phân giới cắm mốc trong điều kiện chiến tranh mới đi qua, bom mìn hậu chiến ngổn ngang, địa hình hiểm trở, thú dữ đe dọa..., lực lượng phải huy động quân số triển khai các đồn trạm trên vùng mới giải phóng, không bao lâu sau phải trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, song Công an nhân dân vũ trang đã xác định, công tác hoạch định biên giới phải gắn liền với việc xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên phòng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đã có biết bao công sức, mồ hôi và cả máu của những người lính Biên phòng và đồng bào hai bên biên giới” (Đất lửa anh hùng - cột mốc kiên trung).

Tập truyện ký “Cột mốc kể chuyện”. Ảnh: Hoàng Hải Lâm
200 trang truyện ký trong “Cột mốc kể chuyện” là hành trình tạc hình Tổ quốc của đất nước ta đã và đang dần đến đích, khép lại một vòng thiêng liêng từ mũi Trà Cổ (Quảng Ninh) đến Mũi Nai (Kiên Giang). Vượt vạn suối nghìn non, vượt trăm thung lũng, triệu cánh đồng, mảnh ruộng..., đất Việt mến yêu của ta, hành lang giới hạn không sinh tồn của dân tộc Việt Nam ta sẽ mãi như trường thành vững chãi, được dựng lên bởi ý Đảng, lòng dân và tâm sức của hàng triệu con người. Nghe biển Hà Tiên thì thầm, nghe sóng Giang Thành thủ thỉ, nghe núi Pháo Đài kể chuyện cha ông. Đó còn là những trang viết chân thực, giàu thông tin tư liệu về khu vực biên giới tiêu biểu của 25 tỉnh biên giới đất liền từ Quảng Ninh tới Kiên Giang. Phản ánh về những cột mốc đặc biệt trên 3 tuyến biên giới qua những lát cắt về lịch sử, dư địa chí, vẻ đẹp non nước biên phòng, vai trò của BĐBP cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; qua đó, lồng ghép tuyên truyền về các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, công tác đối ngoại, dân vận, phòng chống tội phạm...
“Cột mốc kể chuyện” thông qua những sự kiện lịch sử có thật, những chuyện kể, ký ức của các chuyên gia của ngành tài nguyên-môi trường, ngoại giao, Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, các nhà nghiên cứu, nhà sử học... cùng các cán bộ cơ sở, già làng, trưởng bản... về quá trình quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc vùng biên và đặc biệt là quá trình phân giới cắm mốc tại các tuyến biến giới thông qua những câu chuyện về các cột mốc tiêu biểu, có dấu ấn đặc biệt trên biên giới, chinh chiến mà nhớ tích xưa “âu vàng ngàn thuở lễ non sông”, mà thêm trân trọng, kính ngưỡng, thêm gắn bó với cương thổ ngàn năm. Lại càng mong ngóng ngày trở lại Trà Cổ, Mẫu Sơn, Lũng Cú, A Pa Chải... hay ngược nắng Lào rát bỏng, ngược ngàn đến Pù Nhi, Phu Xai Lai Leng, Cù Bai, A Lưới... hoặc xuôi phương Nam qua Bờ Y, Buôn Đôn, Bù Gia Mập, Vĩnh Xương, Bảy Núi...
Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh xúc cảm: “Trong hành trình đến với những cột mốc biên cương của đôi chân tôi tạm khép lại, để lòng tôi mở ra một hành trình mới, cùng biên cương vào hội Biên phòng với bao náo nức, yêu thương. Càng thêm vững tâm biết mấy khi đồng đội của tôi, những người lính Biên phòng trên dặm dài Tổ quốc vẫn luôn bền gan, quyết chí trên mọi nẻo biên cương, trong từng nhiệm vụ dù cam go, gian khổ vô chừng. Các anh đã và đang sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc nơi biên giới vun đắp cho không gian sinh tồn của dân tộc mãi bền chắc như vàng đá”. Tuy nhiên, 200 trang truyện ký không thể truyền tải hết dữ liệu ngồn ngộn về miền biên giới quốc gia nên động lực để Phạm Vân Anh đi tiếp trong tương lai là cuốn tiểu thuyết “những tư liệu lưu lại, những câu chuyện kể còn nhiều điều thú vị, ý nghĩa đến miền biên giới không thể truyền tải hết trong một cuốn sách. Tôi có dự định sẽ viết cuốn tiểu thuyết về đề tài phân giới cắm mốc...”.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bien-cuong-trong-tim-post491697.html