Bị vàng da, bé 3 ngày tuổi phải thay máu toàn phần
Bệnh nhi vào viện trong tình trạng vàng da mức tăng Bilirubin có thể gây tổn thương não. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định thay máu toàn phần cấp cứu cho bệnh nhi.
Bé 3 ngày tuổi phải thay máu toàn phần
Ngày 27/10, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết, các bác sĩ Khoa Sơ sinh của bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho bé sơ sinh 3 ngày tuổi (trú tại Hải Dương) bị vàng da do tăng Bilirubin. Đặc biệt, kíp trực đã phải thay máu toàn phần để cứu sống bệnh nhi.
Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhi chào đời tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành (Hải Dương). Khi được 1 ngày tuổi, bệnh nhi có dấu hiệu vàng da và được chiếu đèn khoảng 12 tiếng.
Sau khi ngừng chiếu đèn nửa ngày, trẻ xuất hiện quấy khóc, bỏ bú nên gia đình xin cho chuyển viện đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Sau khi tiếp nhận, trẻ được nhập viện tại khoa Sơ sinh của bệnh viện.
Bác sĩ Lê Thị Minh Luyến, Trưởng khoa Sơ sinh, cho biết, bệnh nhi vào viện trong tình trạng vàng da mức tăng Bilirubin có thể gây tổn thương não. Nhận thấy, tình trạng bệnh khá nặng, có thể biến chứng thần kinh do bất đồng nhóm máu ABO mẹ con, các bác sĩ tại Khoa đã chỉ định thay máu toàn phần cấp cứu.
Ngay sau đó, kíp bác sĩ khoa Sơ sinh đã khẩn trương thay máu cho bé, bên cạnh các điều trị khác.
Chia sẻ về ca bệnh này, bác sĩ Lê Thị Minh Luyến cho biết, bệnh vàng da sơ sinh tán huyết do bất tương hợp nhóm máu hệ ABO mẹ và con, Bệnh chỉ xảy ra khi mẹ nhóm máu O, con nhóm máu A hoặc B.
Nếu trẻ vàng da quá mức, chất độc sẽ ngấm vào não gây biến chứng thần kinh bất hồi phục. Đây là một trường hợp vàng da nặng, nếu chậm trễ trong cấp cứu và không được thay máu toàn phần kịp thời rất có thể dẫn đến biến chứng thần kinh nghiêm trọng. Thậm chí, trẻ có thể tử vong.
Bác sĩ Luyến cũng cho biết, thay máu là biện pháp cơ học giúp lấy đi nhanh chóng bilirubin đã được hình thành trong máu. Đồng thời, lấy nhanh khỏi cơ thể trẻ những hồng cầu bị kháng thể bám vào hay đã vỡ một phần hay một lượng lớn kháng thể gây tán huyết ở trẻ trong trường hợp bất tương hợp nhóm máu và giúp điều trị thiếu máu.
Qua nhiều ngày điều trị, hiện bé đã tỉnh, tình trạng vàng da giảm nhiều. Bé đã bú tốt trở lại, không tăng trương lực cơ, không dấu thần kinh.
Cẩn trọng với vàng da sơ sinh ở trẻ
Theo các bác sĩ, vàng da là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh, chiếm đến 25 - 30% ở trẻ đủ tháng và 80%- 85% ở trẻ sinh non. Bệnh thường xảy ra trong tháng tuổi đầu tiên, nhưng nguy hiểm nhất là trong 2 tuần đầu tiên.
Vàng da ở trẻ sơ sinh có hai loại, đó là vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Theo đó, nếu trẻ bị vàng da sinh lý sẽ tự hết trong vòng 7 - 10 ngày. Vàng da ở mức độ nhẹ (chỉ vàng da vùng cổ, mặt, ngực và vùng bụng phía trên rốn).
Vàng da được coi là bệnh lý khi vàng da xuất hiện sớm. Vàng da tiến triển nhanh, mức độ vàng nhiều và thường kèm các triệu chứng bệnh lý khác.
Vàng da sơ sinh có thể ở mức độ nhẹ nhưng cũng có khi tiến triển nặng thành vàng da bệnh lý. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời trong giai đoạn sơ sinh, bệnh có nguy cơ để lại biến chứng nhiễm độc thần kinh (bệnh lý não cấp và mạn do bilirubin), thậm chí tử vong.
Bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cũng khuyến cáo, trong những ngày đầu sau sinh, phụ huynh cần theo dõi sát sao để phát hiện vàng da nặng. Đặc biệt, trong thời tiết se lạnh như hiện nay, việc quấn ủ trẻ con quá kỹ, không quan sát được toàn thân trẻ là lý do chính khiến tỷ lệ trẻ mắc vàng da sơ sinh nặng tăng cao hơn. Bệnh lý não do bilirubin, biện pháp điều trị hiệu quả là ánh sáng liệu pháp và thay máu, phơi nắng không làm giảm vàng da.