Bí thư Tỉnh ủy: Phân loại, sắp xếp hợp tác xã để có chiến lược phát triển lâu dài
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định, qua các thời kỳ, vấn đề phát triển KTTT được cấp ủy, chính quyền Hà Tĩnh hết sức quan tâm, thể hiện đồng bộ từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành chính sách khuyến khích đến tổ chức thực hiện.
Sáng 20/7, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh có buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh về tình hình phát triển kinh tế tập thể (KTTT) giai đoạn 2016 - 2020; phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Dự làm việc có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Thị Gái, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Số lượng lớn, chất lượng, hiệu quả thấp
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 3 liên hiệp HTX nông nghiệp, 1.359 HTX, 3.357 tổ hợp tác (THT). Giai đoạn 2016 - 2020, tổng doanh thu bình quân của một HTX ước đạt 800 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân của HTX ước đạt 150 triệu đồng/HTX. Tổng số thành viên tham gia HTX, THT hơn 110.000 người.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Hùng báo cáo tình hình phát triển KTTT thời gian qua.
Nhìn chung, các HTX, THT đã có bước phát triển mới, hoạt động khá đa dạng; đầu tư áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế sang sản xuất hàng hóa quy mô vừa và lớn, mang lại hiệu quả kinh tế.
Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng: Hiện một số HTX trên lĩnh vực điện nông thôn, chợ, môi trường... đang hoạt động tương đối hiệu quả, đóng góp quan trọng trong xây dựng NTM.
Một số HTX, THT thành lập mới đã xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt kết hợp với dịch vụ thương mại, du lịch trải nghiệm, đã trở thành mô hình để các đơn vị đến tham quan, học tập.
Phần lớn các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của tỉnh là sản phẩm của các HTX, THT, nhiều sản phẩm đạt chất lượng khá tốt và được người tiêu dùng lựa chọn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Đề nghị Liên minh HTX phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, phân loại các HTX hoạt động hiệu quả, yếu kém và không hoạt động… để có giải pháp xử lý.
Theo các đại biểu dự họp, nhìn chung, hoạt động các HTX, THT của Hà Tĩnh đang còn nhiều khó khăn, số lượng lớn nhưng chất lượng, hiệu quả thấp, chưa cạnh tranh được với các thành phần kinh tế khác. Đội ngũ cán bộ còn bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ, nhiều nơi chưa thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cán bộ HTX, THT.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng: Cần có hội nghị tổng kết, rà soát đánh giá các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển HTX thời gian qua để xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp với từng giai đoạn.
Các HTX thành lập mới phần lớn là nông nghiệp, hoạt động còn khó khăn, lúng túng; vốn kinh doanh ít, thiết bị và công nghệ lạc hậu, chất lượng sản phẩm thấp, sản xuất chưa gắn với thị trường. Mặt khác, có các HTX, THT liên kết sản xuất mà thiếu các HTX bảo quản, chế biến, kết nối với đầu ra của sản phẩm dẫn đến các thành viên phụ thuộc thị trường bên ngoài.
Rà soát, đánh giá, phân loại lại các HTX
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định, qua các thời kỳ, vấn đề phát triển KTTT được cấp ủy, chính quyền hết sức quan tâm, thể hiện đồng bộ từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chính sách khuyến khích đến tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, ngoài một số ít HTX, THT đã bước đầu hoạt động hiệu quả thì nhìn chung, các HTX, THT trên địa bàn Hà Tĩnh còn yếu kém, thiếu vốn, công nghệ, thiết bị lạc hậu, đội ngũ cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, về nguyên nhân chủ quan, do nhận thức về tầm quan trọng, tính cấp thiết về KTTT của một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và người dân chưa đầy đủ; thậm chí vẫn còn hoài nghi về vai trò và sự thành công của KTTT, HTX.
Công tác quản lý nhà nước về HTX, THT ở các sở, ngành, địa phương đang còn thiếu quan tâm, sâu sát. Việc triển khai, kiểm tra, giám sát, giúp đỡ các HTX, THT giải quyết khó khăn, vướng mắc và tiếp cận các chủ trương của Đảng, pháp luật nhà nước nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức.
Chỉ đạo nhiệm vụ phát triển KTTT thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá, phân loại lại các HTX, THT đang hoạt động hoặc hoạt động yếu kém, không hoạt động để có giải pháp xử lý từng đối tượng cụ thể.
Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với KTTT.
Tiếp tục tư vấn hỗ trợ phát triển mới HTX, THT trên các lĩnh vực, bảo đảm hoạt động đúng luật, thực chất, hiệu quả, bền vững. Chú trọng hơn nữa việc sơ kết, tổng kết nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Liên minh HTX tập trung công tác nhân sự và các điều kiện cần thiết chuẩn bị Đại hội Liên minh HTX lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tiếp tục nâng cao vai trò hoạt động, thu hút thành viên, hỗ trợ và là cầu nối giữa HTX, THT với chính quyền các cấp; thường xuyên phối hợp với các ngành các cấp để xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp với từng giai đoạn.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hà Tĩnh đặt mục tiêu phấn đấu số lượng HTX, THT tăng bình quân khoảng 10%/năm, số lượng thành viên tăng khoảng 5%/năm; doanh thu bình quân của HTX là 1,3 tỷ đồng/năm, của THT là 500 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của lao động của thành viên HTX, THT tăng gấp 1,5 so với năm 2020.