Từ nhiều năm nay, phường Bàng La (quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) có nghề truyền thống trồng táo trên đất làm muối, cũng chính bởi vậy nên giống táo ngon trứ danh của Bàng La mới có tên táo muối.
Không chỉ ngon nổi tiếng Hải Phòng, mấy năm trở lại đây, thương hiệu táo muối Bàng La đã lan rộng và được người dân trên cả nước biết đến, ưa chuộng.
Ông Bùi Duy Dũng, Bí thư phường Bàng La cho biết, cả phường Bàng La hiện nay có khoảng 120 ha trồng táo. Cụ Nguyễn Quang Phát là hộ trồng táo đầu tiên ở Bàng La, cách đây khoảng 50 năm. Ban đầu, số lượng chỉ khoảng hơn chục cây, sau đó được nhân rộng ra các hộ khác.
Hiện tại có khoảng gần một nghìn hộ trồng loại đặc sản này. Hộ nhiều nhất là 300 cây.
Mùa táo muối Bàng La thường từ tháng 11 âm lịch đến hết tháng 1 âm lịch.
Là Bí thư phường, công việc hành chính vô cùng bận rộn, nhưng ông Bùi Duy Dũng vẫn dành nhiều thời gian cho cây táo và vô cùng tâm huyết với loại cây trồng truyền thống của địa phương này.
Với thâm niên trồng táo hơn 20 năm, hiện tại, gia đình ông Dũng đang có 200 gốc táo. Bình quân mỗi ngày thu hoạch hơn 1 tạ với giá bán buôn từ 25-30k/kg.
“Năm 2012, 2013 có mấy cơn bão, Bàng La mất mùa táo. Trăn trở phương pháp để chống gió, chống thiệt hại cho táo khi có bão, tôi lang thang trên mạng tìm hiểu thì thấy mô hình táo leo giàn trong Ninh Thuận, vậy là thu xếp công việc rồi vào đó học hỏi. Trong đó người ta trồng táo kết hợp với làm du lịch rất tốt, thế là mình học về áp dụng cho địa phương.
Vẫn là giống táo muối địa phương, nhưng trồng bằng phương pháp leo giàn cho năng suất gấp đôi và chất lượng ngon hơn mà việc canh tác cũng thuận lợi hơn”, Bí thư phường Bàng La chia sẻ.
Là người đầu tiên tại địa phương trồng táo theo phương pháp leo giàn, Bí thư phường Bàng La cho biết, trồng leo giàn cũng gặp chút khó khăn vì chi phí ban đầu bỏ ra nhiều hơn phương pháp truyền thống và phải trồng mới hết toàn bộ từ đầu.
Trồng táo leo giàn phải tỉa cành, ép cành theo giàn từ bé, thời gian đầu mất công hơn, nhưng sau đó thì nhàn hơn, việc nhổ cỏ, đi lại dễ hơn. Mặt khác, trồng táo leo giàn sẽ kết hợp với làm du lịch được tốt hơn.
Diện tích trồng táo giàn hiện nay của nhà ông Dũng là 100 gốc. Năm được mùa, thu hoạch khoảng 300 triệu đồng.
Năm nay là năm thứ 3 ông Dũng áp dụng mô hình trồng táo leo giàn và thí điểm trồng cả 2 vụ. Vụ hè táo sai quả và ngọt hơn vụ đông.
Năm đầu tiên bắt đầu thí điểm trồng táo theo phương pháp leo giàn, thông qua báo đài, đã có rất nhiều đơn vị, học sinh của các trường nội thành đến tham quan, trải nghiệm.
Trồng táo leo giàn có nhiều ưu điểm là vậy, tuy nhiên chưa được người dân Bàng La áp dụng vì còn nhiều e ngại.
Với mong muốn nhân rộng mô hình trồng táo leo giàn trên địa bàn phường để kết hợp với làm du lịch, Bí thư phường Bàng La vô cùng trăn trở: “Táo là loại cây trồng truyền thống chủ lực của địa phương, tuy nhiên hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn do chưa có sự đồng bộ, chuyên nghiệp. Chúng tôi muốn có tổ chức kinh tế, hoặc doanh nghiệp tham gia cùng, muốn có cơ chế để đơn vị họ làm, quản lý và hướng dẫn chăm sóc, kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm…
Mong muốn lớn nhất của tôi là mô hình trồng táo giàn được nhân rộng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng cây lâu năm sang mô hình du lịch dịch vụ hoặc du lịch sinh thái. Kết hợp hiệu quả giữa trồng táo với làm du lịch, nâng tầm thương hiệu táo Bàng La, mang lại hiệu quả, lợi nhuận cao hơn nữa cho bà con nông dân”.
Mời độc giả xem thêm video Làm giàu từ mô hình trồng rau an toàn (Nguồn: Tin Tức VTV24)
Thiên Di