Bí quyết để mẹ cùng con 'đại học chữ to' vượt qua kỳ thi đầu đời

Con học lớp 1, đồng hành cùng con trong việc học khiến không ít cha mẹ cảm thấy gần như trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc. Làm sao để con tập trung học, hào hứng học thay vì cả mẹ lẫn con đều như muốn 'tăng xông' với hàng mớ bài tập về nhà, tất cả đều phải có một vài mẹo. Tất nhiên, đồng hành bên con bằng cả tình yêu thương và sự nhẫn nại, chắc chắn sẽ có trái ngọt.

Học cùng con - những xúc cảm đáng nhớ

Các bạn "Rồng con" sinh năm 2012 đang trong giai đoạn hoàn thành kỳ thi học kỳ I để chuẩn bị bước sang học kỳ II trong năm đầu của “đại học chữ to” đầy cam go này. Nói là cam go, quả không sai chút nào khi giai đoạn này gần như là một bước ngoặt lớn khi con tạm biệt những ngày tháng mẫu giáo rong chơi, để bắt đầu học hành nghiêm chỉnh với đủ mọi con chữ, phép toán và rất nhiều các kỹ năng khác. Với chị Hà Hương (Q. Ba Đình, Hà Nội), đây chắc chắn là những xúc cảm đáng nhớ trong hành trình làm mẹ của chị.

Khi con gái “tốt nghiệp” mẫu giáo, thấy con khá tự tin, tự lập, chị Hương cũng… tự tin cho con học tại một trường công đúng tuyến. Thế nhưng, sau một tuần học hè, vì sĩ số lớp quá đông nên chị thấy không ổn, chuyển cho con học sang một trường dân lập gần nhà. Học trường tư, sợ giáo viên chiều con nên chị cũng thấp thỏm, nhưng việc học của con sau một học kỳ, suôn sẻ hơn mong đợi của chị.

Học cùng con là cả một nghệ thuật. Ảnh minh họa

“Con tôi là số ít những bạn hoàn toàn “mù chữ” trước khi vào lớp một, trong khi nhiều bạn khác đã đọc thông, viết thạo. Tôi tự nắn gân mình, cho con tiếp cận dần mọi thứ mới mẻ, cũng lo con không theo được, nhưng hóa ra, vừa học vừa vỡ ra nhiều điều mới nên con hào hứng hẳn” - nữ phụ huynh chia sẻ.

Tuy nhiên, để tạo hào hứng cho con, chị Hương không thể hoàn toàn dựa vào điều gọi là “hữu xạ tự nhiên hương”. Có những thời điểm con gái rất mất tập trung, hoặc chỉ thích học đánh vần, không thích tập viết, chỉ thích học toán, không màng môn tiếng Anh. Chị phần lớn đều phải quan tâm sát sao đến việc học của con để buổi tối về cùng con ôn luyện lại.

“Học cùng con đúng nghĩa, chứ không hẳn là ngó nghiêng một chút rồi để con tự xử. Những đoạn khó, tôi phải thúc đẩy con, động viên, thậm chí “nịnh nọt” để con có thêm động lực. Tôi đặc biệt ưu tiên việc con học những môn mình thích trước, sau đó các môn khó hơn và kém thích hơn thì tôi sát sao hơn” – chị Hương cho biết.

Nữ phụ huynh không bao giờ ép con học quá lâu trong một buổi tối. Thời gian học ở nhà của con chị thường định ra là 30 phút đến một tiếng tùy lượng bài học vào hôm đó. Lâu hơn quãng thời gian ấy, dường như cả mẹ và con đều thấy mệt mỏi. “Tôi cũng quy định giờ giải lao để con có thể làm việc mình yêu thích như vẽ một bức tranh, chơi cùng em hoặc xem một đoạn TV, rồi tiếp học, như vậy con sẽ thấy thoải mái hơn”- chị nói.

Và một điều mà chị Hương muốn chia sẻ nữa là chị không quá nặng nề về thành tích hay ép con phải thật sự thuộc bài làu làu, tính toán trơn tru, tiếng Anh có thể nói suôn sẻ. Chị liệu sức của con để thúc đẩy con, và tự tạo cho mình một tâm lý là dù kết quả học của con có không như ý muốn thì hãy vui vẻ tiếp nhận điều đó và cùng con hoàn thiện dần. Bởi suy cho cùng, con mới chỉ vào lớp một, mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Chị nuôi dưỡng niềm vui trong việc học của con, thay vì tạo thành tích nặng nề cho con ngay từ thời điểm xuất phát.

Những mẹo nhỏ tăng “nhiệt” cho con

Với những mẹ có con hơi hiếu động, thiếu tập trung hoặc lơ đãng một chút với việc học thì việc dùng mẹo để thúc đẩy sự hứng khởi cho con là điều vô cùng cần thiết. Chị Đặng Cúc (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) đã chia sẻ một số mẹo nhỏ khá thú vị và chị cảm thấy những cách này khiến việc học của con gái chị hiệu quả hơn.

Trước hết, chị sắm một cái bảng nhỏ treo tường. Chiếc bảng này sẽ dùng để học toán, học từ vựng tiếng Anh, cả mẹ và con đều có thể học cùng nhau khi viết trên bảng này. “Tôi viết một vài câu đố để rèn con tập đọc, tập suy nghĩ. Con thích viết bảng nên có dụng cụ này khiến việc học của con đỡ hẳn nhàm chán” - chị Cúc cho hay.

Kiên trì nhẫn nại, cùng với tình yêu thương, ắt hẳn việc học cùng con sẽ đạt hiệu quả. Ảnh minh họa

Với môn tiếng Việt, chị Cúc ưu tiên việc luyện đọc cho con bằng các bộ truyện tranh. Chị đọc cho con nghe vài lần, sau đó khuyến khích con tự đọc. “Bộ truyện Chuột Típ tôi thấy khá chuẩn vì nội dung phù hợp với tuổi vào lớp một, chữ in to, giống form chữ bọn trẻ con học ở trường nên con khá hào hứng với bộ này!” – chị Cúc chia sẻ.

Một mẹo nữa để rèn thói quen tự học của con, theo chị Đặng Cúc là treo một chiếc đồng hồ ở vị trí dễ nhìn, sau đó ra quy định là đến giờ này, con sẽ ngồi vào bàn học. Vì con chưa biết xem giờ nên chị sẽ chỉ cho con khung giờ nhất định để con nhớ. Chỉ cần đến gần giờ học, chị sẽ nhắc để con nhớ, cũng là cách tạo kỷ luật cho con.

“Và thêm một “bí quyết” nữa, là các mẹ phải cố gắng tập… hít thở sâu, để khi lên cơn “tăng xông” thì liên tục hít thở để lấy lại bình tĩnh, tiếp tục cùng con ngồi học. Thật sự kiên nhẫn, nhẫn nại, bình tĩnh, không quát mắng con nhiều quá khiến con sợ hãi mệt mỏi, cũng là cách mà bố mẹ cần hoàn thiện dần, để học kỳ II tới sẽ tiếp tục đồng hành tốt hơn với con” - chị Đặng Cúc cho hay.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/bi-quyet-de-me-cung-con-dai-hoc-chu-to-vuot-qua-ky-thi-dau-doi-post53464.html