Bí mật sau những chuyến xe chở cây rừng ở Quảng Trị (*): Vén màn sự thật

Chủ cửa hàng cây cảnh ở TP Đà Nẵng khẳng định chỉ xuất hóa đơn bán hàng, không cung cấp cây xanh…

Liên quan đến bài điều tra "Bí mật sau những chuyến xe chở cây rừng ở Quảng Trị" của Báo Người Lao Động, chiều 7-8, ông Trần Bình Thuận - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - cho biết đã yêu cầu cơ quan, đơn vị liên quan điều tra, xác minh, xử lý thông tin báo nêu.

Kiên quyết ngăn chặn

Theo đó, UBND huyện Hướng Hóa giao Hạt Kiểm lâm huyện chủ trì, phối hợp với Công an huyện, Phòng NN-PTNT, UBND xã Hướng Linh khẩn trương điều tra, xác minh, báo cáo đầy đủ các nội dung báo phản ánh. Từ đây, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và tham mưu xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Trong ngày 7-8, ông Bùi Quang Linh - Phó phụ trách Phòng Pháp chế và Điều tra xử lý vi phạm về lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị - tới hiện trường khai thác cây sau sau và cưa hạ cây rừng tự nhiên ở thôn Xa Bai, xã Hướng Linh. Đây là khu vực mà Báo Người Lao Động phản ánh hành vi xâm hại đến cây rừng tự nhiên.

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường cây sau sau bị khai thác ở xã Hướng Linh. Ảnh: HÀ PHONG

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường cây sau sau bị khai thác ở xã Hướng Linh. Ảnh: HÀ PHONG

Cùng đi có lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa và chính quyền địa phương. Qua kiểm tra, đoàn ghi nhận hàng chục hố sâu để lại sau khi cây rừng bị đào, di chuyển. Có một số cây sau sau bị cắt rễ, tỉa cành nhưng chưa được vận chuyển cùng nhiều cây gỗ khác bị cưa hạ.

Sau kiểm tra, ông Bùi Quang Linh khẳng định phản ánh của Báo Người Lao Động là chính xác, lực lượng chức năng rất ghi nhận và mong báo tiếp tục hợp tác trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Liên quan đến vụ việc, ngày 7-8, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Theo đó, Sở NN-PTNT tỉnh, UBND huyện Hướng Hóa cùng đơn vị liên quan được yêu cầu kiểm tra, xác minh thông tin Báo Người Lao Động phản ánh rồi báo cáo theo đúng quy định.

Về biện pháp xử lý, ông Linh yêu cầu trước mắt kiểm lâm địa bàn tham mưu UBND xã Hướng Linh tăng cường công tác bảo vệ rừng, tuyên truyền người dân không đào bới cây rừng, đặc biệt là cây ven lòng hồ thủy điện, cũng như kiên quyết không để cho những đối tượng khai thác bất cứ một cây nào.

Đối với những cây sau sau đã đào bứng nhưng chưa vận chuyển thì phải cử lực lượng tổ chức trồng lại. Những cây rừng bị cưa hạ đang tập kết tại hiện trường thì cần tổ chức bảo vệ hoặc vận chuyển đến nơi phù hợp phục vụ công tác điều tra, xử lý.

Cũng theo ông Linh, qua thông tin các đơn vị báo cáo thì những gốc cây sau sau được đào bứng trên đất quy hoạch lâm nghiệp và đất của lòng hồ thì kiểm lâm địa bàn phối hợp địa chính xã kiểm tra, xác minh để có phương án xử lý dứt điểm.

Sau buổi kiểm tra, ông Bùi Quang Linh (đứng giữa) yêu cầu các cơ quan, đơn vị xác minh, xử lý nghiêm vụ việc. Ảnh: HÀ PHONG

Sau buổi kiểm tra, ông Bùi Quang Linh (đứng giữa) yêu cầu các cơ quan, đơn vị xác minh, xử lý nghiêm vụ việc. Ảnh: HÀ PHONG

Ông Bùi Quang Linh khẳng định, sau khi có kết quả xác minh, điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan.

Qua buổi khảo sát trên, đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa báo cáo nhanh vụ việc để đơn vị báo cáo cấp trên. Đồng thời, tham mưu cho UBND huyện Hướng Hóa để có văn bản chỉ đạo, phối hợp với các ban ngành vào cuộc tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn, tăng cường bảo vệ rừng, đặc biệt là cây sau sau.

Phản hồi từ nơi "cung cấp" cây

Trong ngày 7-8, để làm rõ nguồn gốc của số cây sau sau trên 2 xe tải BKS 74C-011… và 74C-070… mà lực lượng Công an huyện Hướng Hóa dừng kiểm tra hôm 6-8, phóng viên Báo Người Lao Động đã trực tiếp trao đổi với bà L.T.N, chủ cửa hàng cây cảnh K.N, phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.

Bà N. thừa nhận là người xuất hóa đơn bán 40 cây sau sau vào ngày 5-8 với giá gần 8 triệu đồng cho hộ kinh doanh H.Q.V (địa chỉ xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa). Tuy nhiên, bà N. cho biết bà chỉ… viết giùm hóa đơn. "Họ có nhu cầu mua hóa đơn thì bên tôi bán" - chủ cửa hàng nói.

Cửa hàng cây cảnh K.N, nơi xuất hóa đơn bán 40 cây sau sau cho hộ kinh doanh H.Q.V. Ảnh: QUANG LUẬT

Cửa hàng cây cảnh K.N, nơi xuất hóa đơn bán 40 cây sau sau cho hộ kinh doanh H.Q.V. Ảnh: QUANG LUẬT

Trao đổi thêm, bà N. cho hay thông thường nếu bán các cây như vậy thì cần làm hợp đồng trước. Trong đó, hợp đồng thể hiện rõ thời gian bảo hành, bồi thường nếu cây không đạt chất lượng về chiều cao, đường kính.

Khi phóng viên thông tin nghi vấn đơn vị sử dụng hóa đơn của cửa hàng để hợp thức hóa cho các cây sau sau không rõ nguồn gốc, bà N. tỏ ra bất ngờ.

Nữ chủ cửa hàng khẳng định dù được yêu cầu thì cửa hàng cũng sẽ không ký hợp đồng bán cây, bởi vì các cây sau sau này không phải của cửa hàng cung cấp.

Như vậy, từ điều tra của phóng viên Báo Người Lao Động có thể khẳng định số cây sau sau được vận chuyển trên 2 xe tải BKS 74C-013… và 74C-070… hôm 6-8 có nguồn gốc từ khu vực xã Hướng Linh chứ không từ TP Đà Nẵng như hóa đơn bán hàng mà các tài xế cung cấp.

Đường đi của 40 cây sau sau

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 5-8, hộ kinh doanh H.Q.V đã làm hợp đồng mua bán 40 cây sau sau giá 12 triệu đồng với một người có tên N.H.Đ ngụ ở TP Hà Nội.

Ngày 6-8, sau khi bị lực lượng công an dừng xe kiểm tra, 2 xe tải chở 40 cây sau sau do hộ kinh doanh trên cung cấp đã được phép lưu thông sau khi cung cấp các giấy tờ liên quan.

Chiều 7-8, trao đổi qua điện thoại, ông L.M, 1 trong 2 tài xế chở cây sau sau, cho biết đã bàn giao cây cho bên mua tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-8

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bi-mat-sau-nhung-chuyen-xe-cho-cay-rung-o-quang-tri-ven-man-su-that-196240807211712734.htm