Bi kịch chiến tranh và khát vọng hòa bình

Cách đây tròn 100 năm, ngày 11/11/1918, tại làng Rethondes (Pháp) các bên liên quan đã chính thức ký Hiệp định đình chiến, mở đầu cho việc kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất.

Đây là cuộc chiến tranh có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử thế giới cận đại lúc bấy giờ. Cuộc chiến tranh này có chiến trường chính bao trùm khắp châu Âu và ảnh hưởng ra toàn thế giới, lôi kéo tất cả các cường quốc châu Âu và Bắc Mỹ vào vòng chiến.

Chiến tranh diễn ra không những ác liệt trên bộ, trên không, trên biển mà các bên tham chiến còn sử dụng nhiều loại vũ khí tối tân, kể cả vũ khí hủy diệt hàng loạt; đồng thời thực hiện chính sách bao vây bóp nghẹt kinh tế của nhau, đánh vào ý chí và bản lĩnh chịu đựng của dân tộc, thử thách tiềm lực kinh tế và sức mạnh tinh thần của đối phương.

Vì thế, không có một nước châu Âu nào thật sự chiến thắng cuộc chiến tranh này, mà tất cả đều chịu tổn hại nặng nề về người và của.

Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất đã để lại rất nhiều hậu quả nặng nề cả trước mắt và lâu dài cho các bên liên quan. Cuộc chiến đã làm trên 19 triệu người thiệt mạng và hàng chục triệu người khác bị tàn phế, các thành phố, làng mạc, đường sá, cầu cống, nhà máy, trường học… bị phá hủy. Số tiền các nước tham chiến chi phí cho chiến tranh lên tới khoảng 85 tỉ đôla theo thời giá lúc bấy giờ.

Ngoài sức mạnh tàn phá nhân mạng, kinh tế, vật chất, cuộc chiến tranh còn gây nên sự hãi hùng lâu dài về tâm lý cho cả châu Âu, gây ra một thế hệ bị mất mát đau thương.

Những tưởng bi kịch của cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất sẽ là bài học đắt giá cho các bên liên quan để qua đó kiến tạo một nền hòa bình bền vững cho nhân loại.

Thế nhưng, cũng chỉ có 21 năm sau, với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đứng đầu là phát xít Đức Hitler, thế giới lại lâm vào một cuộc chiến tranh đại quy mô, kéo dài suốt 6 năm một cách tàn khốc hơn, đẫm máu hơn bao giờ hết.

Chiến sự xảy ra tại khắp các khu vực: Đại Tây Dương, châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông, Địa Trung Hải, Thái Bình Dương, phần lớn Đông Á và Đông Nam Á. Trong đó, chiến sự có quy mô lớn nhất, tàn khốc nhất, hủy diệt nhất, man rợ nhất, số người thiệt mạng nhiều nhất đã diễn ra ở châu Âu.

Chiến tranh Thế giới lần thứ hai cũng là một cuộc chiến tranh toàn diện, kể cả dân thường không ở mặt trận cũng bị đánh bom hủy diệt hàng loạt. Khoảng 70 triệu người đã bị chết, hàng trăm triệu người bị thương, bị tàn tật do cuộc chiến này, kể cả các hành động tàn sát diệt chủng của Đức Quốc xã. Đáng chú ý là trong số thương vong, có tới 60% người chết là thường dân, chết vì bệnh dịch, nạn đói, nạn diệt chủng và bom đạn.

Cuộc chiến cũng lại kết thúc tại châu Âu, khi phát xít Đức đầu hàng đồng minh, đứng đầu là Liên Xô vào ngày 8 tháng 5 năm 1945; và sau đó là hai quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki, chỉ trong chớp mắt đã giết chết hơn 200.000 thường dân, là phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng vào ngày 2 tháng 9 năm 1945.

Thảm khốc của Chiến tranh Thế giới lần thứ hai gấp bội phần so với lần thứ nhất, lại càng gia tăng sự khát vọng hòa bình của nhân loại tiến bộ.

Song, sự khát vọng cháy bỏng đó vẫn đeo bám lấy loài người từ đó đến nay, khi mà các quốc gia, các dân tộc khắp năm châu, tuy không phải hứng chịu một cuộc chiến tranh quy mô toàn cầu như nó đã diễn ra, nhưng đều triền miên đối đầu với hàng loạt các cuộc chiến tranh lớn nhỏ khác nhau xảy ra ở Triều Tiên , Việt Nam, Nam Tư (cũ), Vùng Vịnh, Iraq, Afghanistan, Nam Sudan, Somali… hay như ở Syria, Yemen, Lybia như hiện nay. Nó cũng tàn bạo, khốc liệt và gieo rắc sự đau thương, mất mát khi đã cướp đi hàng chục triệu sinh mạng mà chủ yếu vẫn là trẻ em, phụ nữ, người già vô tội, gây nên sự bất ổn đến kinh hoàng tại nhiều khu vực của các châu lục.

Có thể nói, suốt 100 năm trôi qua, kể từ khi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất kết thúc đến nay, nhân loại các châu lục phải luôn hứng chịu nhiều cuộc chiến tranh lớn nhỏ khác nhau, gây ra biết bao đau thương, mất mát cho con người; nó hủy hoại vô vàn những giá trị vật chất đã được tạo dựng nên suốt mấy ngàn năm qua bằng mồ hôi, xương máu của lớp lớp người lao động, trí thức…càng thôi thúc sự kiến tạo về một nền hòa bình bền vững.

Đúng như phát biểu với báo chí hồi cuối tháng 8-2018, khi Ban tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc công bố “Diễn đàn Paris về Hòa bình”, Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron đã nêu rõ: “Diễn đàn Paris về Hòa bình lần thứ nhất vào ngày 11/11 sắp tới (bên lề các hoạt động kỷ niệm kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất) sẽ là dịp để chúng ta suy nghĩ về phương thức tổ chức thế giới, để nhấn mạnh rõ ràng trách nhiệm tập thể của chính chúng ta, những người phải biết rõ hơn những thế hệ trước đây về điều gì khiến cho nhân loại phải khổ đau trong quá khứ và sẽ còn có thể gây ra mất mát cho nhân loại trong tương lai”.

Điều đó cho thấy, hòa bình và phát triển bền vững vẫn là một thách thức mang tính thời đại, là khát vọng lớn lao của nhân loại tiến bộ, và bài học đau thương về cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất cách đây tròn 100 năm vẫn còn nguyên giá trị của nó.

Tuyết Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/bi-kich-chien-tranh-va-khat-vong-hoa-binh/351763.vgp