Bị buộc tội phản bội vì rời New York trong đại dịch
Việc một số đông cư dân chuyển khỏi thành phố New York (Mỹ) trong hai năm dịch bệnh qua đã đẩy mối quan hệ của họ với bạn bè vào căng thẳng.
Năm 2013, Jordan Frey chuyển đến khu Manhattan sầm uất ở thành phố New York (tiểu bang New York, Mỹ) cùng vợ để tu nghiệp nghiên cứu sinh ngành phẫu thuật thẩm mỹ. Điều kiện và các tiện nghi có sẵn quanh khu vực khiến 2 vợ chồng rất hài lòng, theo New York Times.
7 năm sau, khi Frey có bằng tiến sĩ, quyết định rời đi hay ở lại New York khiến hai vợ chồng trăn trở. Thực tế, họ nghiêng về phía ở lại bởi muốn hai con của mình được sống tại thành phố lớn, dễ dàng tiếp cận những thứ hiện đại, tốt nhất.
Đó là trước khi Covid-19 xuất hiện và đảo ngược mọi thứ. New York trở thành tâm dịch của nước Mỹ trong nhiều tháng và cả gia đình Frey thấy ngột ngạt.
Đến tháng 7/2020, cả nhà chuyển về quê nhà ở Buffalo, thành phố nhỏ hơn nằm cùng tiểu bang.
Nhiều người chọn tạm thời rời khỏi Big Apple để nghỉ ngơi, tránh khỏi dịch bệnh và sẽ quay trở về. Nhưng số khác chọn rời khỏi lâu dài. Tuy nhiên, quyết định này không được hoan nghênh bởi người xung quanh.
"Sao bạn nỡ rời bỏ New York?"
Gia đình Frey nằm trong số hơn 837.400 người rời khỏi thành phố New York và chuyển sang cư trú tại nơi khác trong 2 năm qua. So với năm 2019, con số này tăng 36%, theo báo cáo từ văn phòng kiểm toán của thành phố.
Cao điểm ghi nhận vào tháng 3/2020, khi có hơn 80.000 đơn yêu cầu chuyển thông tin chỗ ở được nộp, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2019.
Gia đình Frey vui vẻ với việc chuyển đi, song hội bạn bè ở New York không hài lòng. Họ nói với hai vợ chồng rằng “dịch bệnh chỉ nhất thời, còn New York là mãi mãi” và cả hai sẽ sớm hối hận.
“Bạn bè tôi cảm thấy bị phản bội. Tôi và vợ nhận các chất vấn như ‘tại sao bạn có thể rời đi. New York đang gặp khó khăn và bạn cần ủng hộ’. Dù có giải thích thế nào, chúng tôi vẫn bị phán xét”, Frey kể lại.
“Những người chuyển ra khỏi New York trong thời gian dịch bệnh đưa ra quyết định rằng thành phố không đủ an toàn, không đủ tốt và quá đắt đỏ. Và bạn bè của họ - những người nghĩ nên trung thành với thành phố - cảm thấy tức giận vì lại có người chọn từ bỏ nó”, Gail Saltz, phó giáo sư ngành Tâm thần học tại bệnh viện NewYork-Presbyterian, đánh giá.
Lời buộc tội “rời bỏ thành phố” khiến Joel Schnell (72 tuổi) - người có nhiều năm sống tại New York - thấy đau khổ.
Vì dịch bệnh, ông Joel mất thu nhập và lo lắng cho người mẹ 97 tuổi sống một mình tại Florida.
“Tôi và vợ nghĩ đã đến lúc chuyển về nơi có mẹ. Sự thật là chúng tôi đã rất sợ hãi khi New York trở thành tâm dịch”, ông nói.
Đến tháng 11/2020, ông và vợ bán nơi ở của họ tại khu Lower East Side. Quyết định này bị bạn bè phản đối.
“Họ nói người dân New York nên gắn bó với nhau. Người dân đã trải qua các sự kiện tồi tệ như 11/9 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, vậy tại sao lại có người chọn rời đi. Kể cả người con gái lớn cũng bày tỏ sự thất vọng vì bố mẹ không ở cùng thành phố nữa”, ông kể lại.
Một người bạn còn khẳng định hai vợ chồng ông đã mắc phải “sai lầm nghiêm trọng”, khiến ông Joel chìm trong cảm giác tội lỗi.
Không dám nói với bạn bè
Trước khi đại dịch xảy ra, Grace MacDougall không có kế hoạch rời Manhanttan, nơi cô thuê nhà và sống cùng người bạn thân nhất từ thời trung học. Nhưng khi nhận ra bản thân thích làm việc từ xa và tiết kiệm kha khá tiền thuê nhà, cô dự tính không sống ở New York nữa.
“Nhưng bạn tôi đã rất khó chịu. Cô ấy ghét việc tôi bỏ đi giữa lúc thành phố chống chọi với dịch bệnh. Từ đầu, cô ấy là người thuyết phục tôi chuyển đến New York. Bạn tôi nhìn nhận sự việc như thể tôi đang chia tay cô ấy. Quan hệ của cả hai trở nên căng thẳng”, nữ giám đốc tiếp thị 27 tuổi cho hay.
“Trong nhiều trường hợp, nơi bạn sống được nhân cách hóa. Những người rời đi bị quy kết từ chối thứ bạn bè họ yêu thích. Phản ứng nhận lại là 'sao bạn dám từ chối thành phố tôi yêu'”, bác sĩ Saltz nói.
Emily Stockton-Brown (31 tuổi), giám sát cấp cao của một công ty quan hệ công chúng chuyển đến New York vào năm 2015 và sống trong một căn hộ studio ở Brooklyn, cho biết: “Có rất nhiều cảm xúc phức tạp liên quan đến việc rời New York. Tôi và bạn trai không muốn sống trong các căn hộ studio thời Covid-19”.
Tháng 5 năm ngoái, được phép làm việc từ xa, cả hai chuyển về Philadelphia để gần gia đình hơn và mua một căn hộ 3 phòng ngủ.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ có thể mua một bất động sản cỡ như vậy tại New York”, Emily cho hay.
Trong suốt vài tháng, Emily chọn không thông báo với người bạn thân nhất tại New York.
“Cuối cùng thì tôi cũng lấy lại tinh thần và gọi cho cô ấy. Chúng tôi khóc một chút nhưng sau đó mọi thứ trở nên căng thẳng hơn. Cô ấy nghĩ với bất cứ lý do gì, tôi đã chọn để cô ấy lại một mình”, Emily kể lại.
Lazarus Jackson (39 tuổi), tài xế xe tải sống ở khu Bronx (thành phố New York), cho biết: “Người cùng khu phố than vãn không muốn ở đây nữa. Họ bán nhà và rời đi. Tôi không hài lòng chút nào. Hành động đó phá vỡ liên kết. Chúng tôi đã là bạn của nhau được 20-25 năm”.
Đối với Jackson, sự thất vọng vượt ngoài phạm vi cá nhân. Anh thấy khu phố của mình đang suy tàn.
“Tôi nói với bạn bè mình ‘Gia đình bạn đã mua nó từ những năm 1960, phải hy sinh rất nhiều để có được nó. Tại sao lại bán đi’. Khi mọi người rời khỏi cộng đồng, mọi thứ sẽ không trở nên tốt đẹp hơn. Vì vậy, khi bạn bè nói muốn ra khỏi thành phố, tôi nghĩ đó là cách nhìn thiển cận”, anh kể lại.
Ở chiều hướng ngược lại, chính những người rời đi cũng bực bội vì thái độ của bạn bè.
"Làm thế nào họ mong đợi tôi tiếp tục trả tiền thuê nhà khi không có tiền. Tôi rất buồn vì họ không hiểu được tình thế tiến thoái lưỡng nan của tôi”, Tyrone Evans Clark, một nam diễn viên rời New York để đến Los Angeles, bày tỏ.
Sau hơn 1 năm trôi qua, tiến sĩ Frey cho rằng lập trường của bạn bè có thể đã dịu xuống ít nhiều.
“Họ vẫn nghĩ chúng tôi thật ngu ngốc nhưng không còn tức giận nữa. Nếu trở lại thăm New York, họ vẫn sẵn sàng gặp mặt”, người đàn ông nói.