Bí ẩn xác ướp 4.000 năm tuổi

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố đã giải mã được bí ẩn về nhận dạng của một xác ướp có tuổi đời 4.000 năm, sau khi trích xuất mẫu DNA từ răng để phân tích.

Bí ẩn về chiếc đầu xác ướp Ai Cập 4.000 năm tuổi đã được giải mã. (Nguồn: TheTimes).

Kể từ năm 1915, khi chiếc đầu của một xác ướp được phát hiện trong góc một ngôi mộ bị trộm ở thành phố Ai Cập cổ đại Deir el-Bersha, các nhà khảo cổ đã tỏ ra rất bối rối về nhận dạng của chiếc đầu này. Dù đã phát hiện ra rằng ngôi mộ thuộc về một thị trưởng có tên Djehutynakht cùng vợ ông, họ vẫn không rõ chiếc đầu xác ướp nọ thuộc về ai.

“Chúng tôi chưa bao giờ biết được liệu nó là của Djehutynakht hay của vợ ông ta” - Rita Freed, quản lý viện Bảo tàng Nghệ thuật Boston, cho hay.

Giờ đây, gần 100 năm đã qua đi, nhờ kết quả nghiên cứu mà FBI đăng tải trên tạp chí khoa học Genes, các nhà khảo cổ đã có thể tự tin nói rằng chiếc đầu nọ là đầu của một nam giới và nó thuộc về vị Thị trưởng thành phố cổ xưa của Ai Cập. Đối với Freed, đây không chỉ là bước đột phá trong quá tình giải mã các bí ẩn khảo cổ có tuổi đời hàng thiên niên kỷ, mà còn là bước tiến trong công nghệ xét nghiệm DNA.

“Giờ chúng ta đã biết được rằng FBI đã phát triển thành công kỹ thuật tái cấu trúc lại các đoạn DNA bị hỏng. Nếu họ có thể xây dựng lại mẫu DNA từ một chiếc răng 4.000 năm tuổi, họ gần như có thể xây dựng lại mẫu DNA từ mọi thứ”- bà Freed nhận định.

Tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt

Độ tuổi của chiếc đầu xác ướp, và môi trường sa mạc ở nơi mà nó được tìm thấy, đã khiến cho việc trích xuất DNA trở nên cực kỳ khó khăn. Như bà Odile Loreille, chuyên gia pháp y thuộc FBI giải thích, DNA bị hư hỏng rất nhanh khi ở điều kiện nhiệt độ cao. Giới khoa học từ lâu đã tin rằng việc khôi phục DNA từ các xác ướp cổ đại này là điều không thể.

Nhưng đến năm 2017, giới khoa học đã chứng minh rằng họ có thể làm được điều đó, sau khi các nhà khoa học Đức lần đầu tiên giải mã thành công bộ gen của các xác ướp cổ đại Ai Cập.

Hư hại mà chiếc đầu xác ướp này hứng chịu thậm chí còn khiến cho quá trình phân tích trở nên khó khăn hơn. Nó được khai quật ở trong một cái hang sâu gần 10 mét, nằm trong một ngôi mộ đã từng nhiều lần bị trộm. Những kẻ trộm mộ đã lấy đi phần lớn vàng bạc, ngọc ngà và làm hư hại 2 xác ướp. Chiếc đầu xác ướp được tìm thấy trên quan tài là của vị Thị trưởng nọ.

Các nhà khảo cổ hiện đại cũng gây tổn hại cho chiếc đầu ướp này khá nhiều, trong quá trình tìm hiểu về nó.

Vào đầu những năm 2000, trong lúc chuẩn bị một cuộc triển lãm ngay tại ngôi mộ này, các nhà khoa học đã mở lại dự án nghiên cứu chiếc đầu ướp này để lý giải bí ẩn về nhận dạng của xác ướp nọ. Đến năm 2005, Bệnh viện bang Massachusetts (Mỹ) đã thực hiện quét CT chiếc đầu xác ướp, nhưng vẫn không thể xác nhận nó là của nam hay của nữ.

4 năm sau đó, bệnh viện này lại cố gắng xét nghiệm DNA của chiếc đầu bằng cách lấy mẫu từ phần răng của nó, tuy nhiên cũng thất bại.

Hồ sơ mật?

Và đó là lúc mà FBI nhập cuộc. Cơ quan điều tra liên bang của Mỹ lúc bấy giờ tỏ ra hết sức hứng thú với bí ẩn của chiếc đầu xác ướp và liên hệ với Viện bảo tàng Boston để xin phép hợp tác.

“Điều mà chúng tôi quan tâm nhất là làm việc với vật chứng, và vật chứng đôi lúc là mọi thứ bình thường trong cuộc sống, có liên hệ với một vụ án”- ông Anthony Onorato, trưởng phòng hỗ trợ DNA của FBI, cho hay.

Các vật chứng mà FBI tiếp xúc thường phải chịu các điều kiện môi trường hết sức khắc nghiệt, bởi vậy cơ quan này xem việc giải mã DNA của chiếc đầu xác ướp như một cơ hội để thử nghiệm trích xuất mẫu DNA từ một nguồn bị phân hủy.

“Không phải FBI có một đơn vị ngầm- kiểu như trong phim “Hồ sơ X”- để chuyên giải quyết các trường hợp mang yếu tố lịch sử. Chỉ đơn giản là chúng tôi đang cố gắng phát triển một phương pháp mới”- ông Onorato nói.

Đến năm 2016, mẫu răng của chiếc đầu xác ướp đã được chuyển tới bà Loreille để phân tích. Trước đây, vị chuyên gia này từng phân tích thành công mẫu DNA của một đứa trẻ 13 tháng tuổi bị chìm trong thảm họa Titanic và xác một con gấu hang động 130.000 năm tuổi.

Giới khoa học pháp y tại FBI sau đó bắt đầu công việc của họ: Họ khoan chiếc răng này để lấy mẫu bột, hòa với hợp chất hóa học, đưa qua máy chụp DNA và phân tích. Khi đã nhận được dữ liệu này, bà Lorreille đã quan sát tỷ lệ nhiễm sắc thể giới tính trong mẫu DNA để quyết định giới tính của chiếc đầu xác ướp nọ.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/bi-an-xac-uop-4000-nam-tuoi-tintuc401717