Bí ẩn số 1 lúc này của chính trường Mỹ
Ai là người đứng sau vụ rò rỉ tài liệu của Tòa án Tối cao, động cơ của người này là gì, đó là những câu hỏi mà nước Mỹ vẫn chưa tìm ra lời giải.
Đang có những giả thuyết trái ngược về danh tính và động cơ của người đã tiết lộ dự thảo tài liệu ý kiến của Tòa án Tối cao về việc đảo ngược luật cho phép phá thai, theo The Hill.
Bên cạnh sự phẫn nộ của một bộ phận lớn người Mỹ trước khả năng một trong các quyền được xem là hiến định bị hủy bỏ, câu hỏi người được lợi nhất khi tài liệu mật của Tòa án Tối cao bị rò rỉ đang nổi lên.
Politico là tờ báo đầu tiên công bố tài liệu rò rỉ. Tuy vậy, tờ báo này không tiết lộ làm thế nào họ tiếp cận được tài liệu.
Ai là người rò rỉ tài liệu?
Luồng quan điểm nhận được sự đồng tình rộng rãi nhất là dự thảo tài liệu của Tòa án Tối cao rò rỉ do một nhân vật phản đối việc lật lại vụ kiện Roe, có thể là thư ký của một trong các thẩm phán có tư tưởng tự do.
Người tiết lộ có lẽ muốn đánh động công chúng nhằm gây sức ép lên các thẩm phán trước khi phán quyết được công bố trong tháng 6.
Tuy nhiên, một giả thuyết khác cũng thuyết phục không kém cho rằng tài liệu bị một người thuộc phe chống phá thai tung ra. Mục tiêu là nhằm ngăn chặn bất cứ thẩm phán bảo thủ nào đổi phe trước khi Tòa án Tối cao ra phán quyết cuối cùng.
Theo thông tin từ tài liệu rò rỉ, 5 thẩm phán thuộc phe bảo thủ ủng hộ việc đảo ngược luật cho phép phá thai trên toàn nước Mỹ.
Kel McClanahan, giáo sư luật Đại học George Washington, nhận định hai giả thuyết phổ biến nhất được hình thành trên giả định rằng người thuộc phe tự do muốn huy động cử tri để gây sức ép, còn người phe bảo thủ muốn sớm định đoạt số phận của phán quyết.
"Nếu là người phe Dân chủ, họ muốn cử tri đi bỏ phiếu và để bảo vệ quy định theo vụ kiện Roe. Nếu là người phe bảo thủ, họ hẳn sợ rằng phán quyết cuối cùng sẽ không đúng ý mình", giáo sư McClanahan nói.
Trên truyền thông và các mạng xã hội, tồn tại nhiều giả thuyết khác về danh tính và động cơ của người tiết lộ tài liệu, từ những thuyết âm mưu cho tới các phân tích dựa trên mục tiêu chính trị của những người liên quan đến Tòa án Tối cao.
Một tuần trước vụ tài liệu rò rỉ, Wall Street Journal đăng tải bài viết ủng hộ việc đảo ngược phán quyết trong vụ kiện Roe, đồng thời dự đoán Thẩm phán Samuel Alito sẽ được lựa chọn làm người soạn dự thảo ý kiến của đa số thẩm phán Tòa án.
Bài viết của Wall Street Journal cũng cho biết hai Thẩm phán Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett có thể ủng hộ nỗ lực của Chánh án John Roberts tìm ra giải pháp dung hòa nhằm không đảo ngược hoàn toàn vụ kiện Roe.
Tom Goldstein, luật sư có nhiều kinh nghiệm tranh tụng tại Tòa án Tối cao, cho rằng Wall Street Journal cũng đã nhận được tin nội bộ về tình hình của Tòa án Tối cao, và vụ rò rỉ tài liệu từ Politico sau đó là một đòn trả đũa.
"Tôi đoán ai đó thuộc phe cánh tả đã làm việc này. Vụ rò rỉ tài liệu là vi phạm lịch sử chưa từng có tiền lệ về sự tin tưởng thiêng liêng giữa các thẩm phán và nhân viên tòa án. Tòa án Tối cao đã bị tổn hại", luật sư Goldstein nói.
Uy tín Tòa án Tối cao bị tổn hại
Tuần trước, Chánh án John Roberts cho hay ông đã chỉ đạo mở cuộc điều tra vụ rò rỉ, cam kết việc tiết lộ trái phép thông tin sẽ không cản trở hoạt động của các thẩm phán.
"Nhân viên tòa án có truyền thống gương mẫu, tôn trọng tính bảo mật của quy trình tố tụng, bảo đảm sự tin cậy của tòa án. Vụ việc là vi phạm đơn lẻ, nghiêm trọng, gây phẫn nộ cho Tòa án Tối cao và các công chức làm việc tại đây", Chánh án Roberts nói.
Bí ẩn người đã rò rỉ tài liệu có thể sẽ không bao giờ được hé lộ trong nhiều năm tới, thậm chí là vĩnh viễn bất kể Tòa án Tối cao có điều tra quyết liệt đến đâu.
Cả nước Mỹ hiện dõi theo từng bước đi của Tòa án Tối cao với những đồn đoán về khả năng cơ quan tư pháp quyền lực cao nhất có ra phán quyết như tài liệu rò rỉ tiết lộ hay không.
Các lãnh đạo đảng Cộng hòa đã lên án vụ rò rỉ tài liệu, kêu gọi tiến hành điều tra toàn diện, thậm chí khởi tố hình sự. Đây dường như là bước đi nhằm chuyển trọng tâm chú ý vụ việc từ nội dung dự thảo sang người đã công khai tài liệu này. Đảng Cộng hòa mặc định cho rằng người rò rỉ tài liệu là thành viên phe Dân chủ.
"Vụ rò rỉ chấn động là đòn công kích vào tính độc lập của Tòa án Tối cao. Đây là bước leo thang mới nhất trong chiến dịch của phe cánh tả cực đoan nhằm hăm dọa các thẩm phán, dùng quyền lực đám đông để chà đạp lên nguyên tắc thượng tôn pháp luật", lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell nói.
Tuy vậy, giáo sư Logan Strother, chuyên gia khoa học chính trị Đại học Purdue, cho rằng tác động của vụ rò rỉ tới uy tín của Tòa án Tối cao sẽ không lớn bằng tác động từ nội dung của dự thảo một khi nó được thông qua và trở thành luật.
Giáo sư Strother nhận định quan điểm của cử tri với Tòa án Tối cao chủ yếu dựa vào việc phán quyết của cơ quan này có đúng theo ý của mỗi người hay không.
"Người dân thích tòa án nếu đưa ra phán quyết họ đồng tình, họ không thích khi tòa án ra phán quyết trái với quan điểm của họ. Tôi cho rằng vụ việc lần này sẽ gây tổn hại tới tuy tín của Tòa án Tối cao, bởi ý kiến chung là ủng hộ duy trì phán quyết vụ kiện Roe", giáo sư Strother nhận xét.
Với các cá nhân làm việc tại Tòa án Tối cao, giáo sư McClanahan cho rằng sẽ có những hậu quả nghiêm trọng, từ việc bị giám sát chặt chẽ hơn cho tới quyền riêng tư bị xâm phạm, thậm chí rủi ro về mặt pháp lý.
"Sẽ rất sốc nếu không nhân viên nào của Tòa án Tối cao bị trừng phạt trong vụ rò rỉ. Nếu đang làm việc cho Tòa án Tối cao, hãy tham khảo ý kiến luật sư, đó là cách tốt nhất để vượt qua cơn bão hiện nay", ông McClanahan nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-an-so-1-luc-nay-cua-chinh-truong-my-post1315432.html