Bếp ăn nghĩa tình hơn 5.000 suất mỗi ngày của người TP.HCM chống dịch
Trong 50 ngày liên tiếp, anh Bùi Thanh Tùng cùng những người bạn của mình đã nấu hơn 150.000 suất cơm hỗ trợ cho người dân TP.HCM.
Lời tòa soạn: Trong "trận chiến" căng thẳng với dịch Covid-19 đang diễn ra tại TP.HCM, bên cạnh lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhiều người từ các độ tuổi, nghề nghiệp khác nhau đã sẵn sàng tham gia công tác tình nguyện, mong muốn được đóng góp công sức với cả nước đồng lòng dập dịch. Anh Bùi Thanh Tùng (SN 1987), hiện là tình nguyện viên thuộc Trung tâm CTXH Thành phố (05 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, TP.HCM) đã có chia sẻ về hoạt động thiện nguyện của mình.
Lần kỷ lục bạn nấu là bao nhiêu suất ăn một ngày?
Tôi nấu nhiều nhất là hơn 1600 suất/ngày. Hay nói đúng hơn chúng tôi, 3 người bếp chính (tôi và 2 anh bạn) cùng 20-30 người bạn khác của tôi nấu hơn 150.000 suất ăn trong 50 ngày liên tiếp cho Sài Gòn yêu thương…
Bếp ăn nghĩa tình ra đời với ý nghĩa mang lại những suất ăn thơm ngon, dinh dưỡng cho những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là người dân chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, là tâm huyết của tuổi trẻ thành phố nói chung và tập thể Trung tâm công tác xã hội thanh niên thành phố nói riêng đồng lòng chung sức cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh.
Từ con số dự kiến ban đầu 28.000 suất ăn hỗ trợ cho người dân, đến nay, sau 50 ngày, chúng tôi đã hỗ trợ được 154.445 suất ăn cho người dân, bệnh nhi và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Con số 154.445 suất cơm đó là thành quả có được từ sự ủng hộ, đóng góp về nhân lực và vật lực của những tấm lòng hảo tâm trên khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là các bạn thanh niên tình nguyện đầy nhiệt huyết của thành phố.
Tập thể chúng tôi trong suốt 50 ngày liên tục (đến ngày 23/7) đã quây quần bên mớ rau, mớ thịt, người gọt khoai, người xắt thịt, người thổi cơm, người vác gạo...; chạy tới chạy lui trong những ngày mưa, giông để che bếp, che rau củ cho kịp giờ phát cơm đến người dân. Từ những con người xa lạ, ấy vậy mà lại thành một đại gia đình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
Các bạn, những tình nguyện viên thân thương đó đã luôn thầm lặng đóng góp rất lớn cho thành quả này. Chính các bạn, những thanh niên ở mọi ngành nghề: đầu bếp, nhân viên văn phòng, công ty du lịch, chuyên viên tư vấn, nhân viên bảo hiểm, sinh viên, học sinh... đã luôn rất tận tâm, làm việc tập trung, không phô trương, hào nhoáng, không khoe khoang, than vãn, vì với các bạn, chỉ có một mục tiêu duy nhất: tranh thủ làm hết sức mình để kịp giờ giao cơm cho người dân. Với các bạn, những lúc giao xong suất cơm trưa, suất cơm chiều, ngồi ăn vội bát cơm, uống vội ly nước, kể cho nhau nghe những chuyện vui, chọc ghẹo nhau... là những thời điểm hạnh phúc nhất trong ngày, vừa lấy chút thời gian để phục nồi năng lượng, các bạn lại tiếp tục lau, chùi, quét, dọn vệ sinh, cắt rau, chặt thịt cho kịp buổi trưa ngày hôm sau. Ấy thế mà, gian bếp của chúng tôi vẫn đầy ắp tiếng cười.
Là một hướng dẫn viên du lịch, có chút năng khiếu nấu ăn, làm bánh, nên khi nghe những câu nói “Sài Gòn đang ốm!” (đấy là câu mà tôi nghe nhiều nhất khi Sài Gòn đã và đang bước vào đợt giãn cách xã hội theo chỉ thị 16), tôi xin tình nguyện góp ít công sức tham gia bếp ăn nghĩa tình để nấu những suất cơm cho các anh chị em tuyến đầu và người dân khu phong tỏa, cách ly.
Tôi hy vọng sẽ luôn khỏe và sát cánh bên các “bạn” của tôi để mong đến ngày Sài Gòn lại khỏe, lại nhộn nhịp. Vì tôi, chúng tôi hay nói với nhau “sao tui sợ cái đường vắng tanh, ngã 4 không ngưòi này quá mấy bà à”… Tôi mong rằng dịch sớm qua, để chúng ta có thật nhiều sức khỏe và gặp nhau không phải nói “ê kéo khẩu trang xuống tý để tui biết mặt bạn như thế nào…”. Mong mọi người góp chút công sức phòng chống dịch. Không cần nhiều, ở nhà thôi là con số ca bệnh sẽ giảm, sẽ giảm nhanh..
Một số hình ảnh về căn bếp nghĩa tình của nhóm anh Tùng: