Thân thương loài hoa của núi

Khi những cơn mưa cuối mùa khép lại báo hiệu mùa khô Tây Nguyên đã đến, những dải hoa dã quỳ (còn có tên cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại,…) bắt đầu vươn mình khoe sắc. Những đóa hoa dã quỳ nhỏ bé, tràn đầy năng lượng và sức sống, tạo nên những dải sóng đồi vàng rực, mê hoặc lòng người.

 Em bé Jrai bên hoa dã quỳ. Ảnh: Thảo Nhi

Em bé Jrai bên hoa dã quỳ. Ảnh: Thảo Nhi

Dã quỳ là một loài thực vật họ cúc phân bố chủ yếu ở những khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới có khí hậu nóng ẩm như ở khu vực Đông Nam Á, Châu Phi, Trung Mỹ. Vì thế, dã quỳ là biểu tượng cho sự hoang dã của thiên nhiên, cùng với sự kiên trì, sức mạnh và sự độc lập.

Dã quỳ thường mọc hoang dã ở các vùng đồi núi hoặc ven đường. Lá cây có màu xanh đậm, dạng hình chữ nhật hoặc hình rìa có răng cưa ở mép, mặt trên lá có lông mịn, mặt dưới lá không lông, mọc dọc thân cây. Cây dã quỳ trưởng thành cao khoảng từ 60 đến 200 cm. Khi cho hoa, mỗi bông có đường kính từ 5-10 cm với 8-15 cánh hoa và mang nhiều màu sắc khác nhau như cam, trắng, hồng, đỏ… nhưng phổ biến và rực rỡ hơn cả vẫn là những đóa dã quỳ vàng.

Ở Việt Nam nói chung và cao nguyên Gia Lai nói riêng, thời gian hoa nở thường vào khoảng tháng 11 đến tháng 12 và kéo dài đến khoảng tháng 2 đến tháng 3 năm sau. Tuy nhiên, thời gian nở của hoa cũng có thể khác nhau tùy vào vị trí và điều kiện thời tiết của từng khu vực.

Khi mùa mưa kết thúc, cao nguyên Gia Lai như vàng rực bởi sắc hoa dã quỳ - đây cũng là màu sắc phổ biến nhất của hoa, đại diện cho sự năng động, sống động và niềm vui. Những cánh hoa vàng có đài hoa lớn và mùi hương nhẹ nhàng được tìm thấy nhiều trong tự nhiên, trên các đồng cỏ, ven đường và cả trong các vườn hoa.

Và không biết tự bao giờ, dã quỳ trở thành một loài hoa mang ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa của người dân địa phương-một loài hoa được coi là biểu tượng của sự bền bỉ và kiên cường trong cuộc sống. Bằng cách chịu đựng và sinh tồn trên các vùng cao nguyên có khí hậu khắc nghiệt, hoa dã quỳ đã trở thành một biểu tượng của sức mạnh và bản lĩnh.

 Ảnh nguồn Internet

Ảnh nguồn Internet

Theo truyền thuyết, loài hoa này khởi đầu từ câu chuyện tình yêu cảm động của đôi lứa. Chuyện kể rằng, vào một năm trời có khí hậu nóng khắc nghiệt tới mức hạn hán làm cho vạn vật trên trái đất đều bị khô héo. Lúc đó, xuất hiện một chàng trai trẻ vì thương dân làng phải sống khó khăn dưới thời tiết nắng nóng không có nước nên đã quyết định từ biệt người yêu để đi tìm nguồn nước cho dân làng.

Thời gian cứ thắm thoắt thoi đưa, cô gái ngồi bên dòng suối trông mong, chờ đợi người yêu quay trở về. Rồi cứ mùa này qua mùa khác. Bỗng nhiên đến một ngày, cô gái ngồi chờ mãi mà không thấy người yêu của mình quay về, cô bỗng sinh lòng lo lắng rồi quyết định chạy đi tìm chàng. Cô đi mãi, đi mãi, đi qua hết mười mấy ngọn núi, mười mấy con suối vẫn không tìm thấy người yêu của mình ở đâu, đến lúc sức cùng lực kiệt cô đã ngã xuống.

Về sau, chính tại nơi cô gái ngã xuống, có một loài hoa lạ mọc lên có màu vàng rực. Loài hoa này được mọi người đặt tên là hoa dã quỳ. Vì vậy, dã quỳ là loài hoa thể hiện cho tình yêu chung thủy và sức sống mãnh liệt.

 Thiếu nữ bên dã quỳ. Ảnh: Thu Hằng

Thiếu nữ bên dã quỳ. Ảnh: Thu Hằng

Gia Lai đang trở thành điểm đến hấp dẫn và níu chân du khách, đặc biệt vào mùa hoa dã quỳ nở, phố núi trở nên rất khác, có chút gì đó như chùng chình, như lãng mạn và sâu lắng trong sắc vàng mê mải của loài hoa dã quỳ.

Nếu đã trót yêu loài hoa này thì hãy đến với cao nguyên Gia Lai vào thời khắc giao mùa để ngắm dã quỳ khoe sắc ngọt. Hầu hết các cung đường ngập đầy sắc vàng càng khiến Gia Lai như tấm thảm vàng óng ả. Men theo những cung đường như dải lụa nhấp nhô để rồi từ đỉnh Hàm Rồng đến Bàu Cạn, hay rong ruổi trên các con đường đầy ắp sắc vàng dẫn vào núi lửa Chư Đang Ya, hay ở những góc đường xa, thưa vắng, ít người,... dã quỳ đều lặng lẽ một mình bung nở.

Từ vẻ đẹp của một loài hoa dại, giờ Gia Lai đã có riêng cho mình một lễ hội, gọi tên “Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya” hàng năm. “Tháng mười hai giá lạnh cắt thịt da/ Vậy mà có những loài hoa vẫn nở/ Hoa dã quỳ thân thương vàng rực rỡ/ Hoang dại bên đường đất đỏ Tây Nguyên. (Hoa trong giá rét - Nguyễn Đình Huân)

THU HẰNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/da-quy-than-thuong-loai-hoa-cua-nui-post300430.html