Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Chia sẻ kỹ thuật mới chuyên ngành sản phụ khoa
Hôm nay (1/11), Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã tổ chức Hội nghị khoa học chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa lần thứ 7/2019. Đây cũng là một trong những hoạt động điểm hướng tới chào mừng 40 năm thành lập Bệnh viện ( 21/11/1979 – 21/11/2019).
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, trong đó Hội nghị khoa học chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa là một hoạt động tiêu biểu.
Theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Hội nghị là diễn đàn khoa học để công bố những đề tài nghiên cứu, báo cáo tham luận về các kỹ thuật mới, những tư liệu y học mới và những kinh nghiệm được đúc rút từ thực tế lâm sàng, trong quá trình khám chữa bệnh đối với lĩnh vực sản phụ khoa.
Đồng thời, hội nghị cũng góp phần nâng cao kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân; thúc đẩy phong trào học tập, nghiên cứu khoa học về lĩnh vực sản, phụ khoa.
Chương trình năm nay thu hút các giáo sư, bác sĩ đầu ngành đến từ các bệnh viện lớn trên cả nước với 15 bài tham luận về chuyên ngành sản phụ khoa. Nhiều đề tài nghiên cứu về lĩnh vực sản phụ khoa được trình bày tại hội nghị đã thu hút được sự chú ý của đại biểu, như: Dự phòng sẩy thai và sinh non; cập nhật những khái niệm mới trong chẩn đoán tiền sản giật; song thai không tim - một biến chứng hiếm gặp và nguy hiểm của song thai một bánh rau; cách xử trí trong nhau cài răng lược trên vết mổ cũ…
Đáng chú ý trong các bài tham luận tại hội nghị này, có bài của bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Xuân Vinh, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội về tình trạng tiền sản giật ở phụ nữ mang thai.
Theo bài tham luận, tình trạng tiền sản giật ở phụ nữ mang thai là một bất thường đa cơ quan ảnh hưởng trực tiếp tới 2-5% số phụ nữ mang thai và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho sản phụ và trẻ sơ sinh, đặc biệt là khi khởi phát sớm. Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 76.000 phụ nữ và 500.000 trẻ sơ sinh tử vong do bệnh lý này. Bệnh thường gặp ở phụ nữ ở các nước đang phát triển.
Bác sĩ Vinh cũng cho biết, đến nay, cơ chế sinh bệnh của tiền sản giật vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, số liệu nghiên cứu các bệnh nhân bị tiền sản giật tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội từ năm 2017-2018 cho thấy, tỉ lệ bệnh nhân mắc tiền sản giật bị tăng huyết áp chiếm gần 60%. Bệnh tiền sản giật có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi thai nào với các mức độ khác nhau. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trên 70% bệnh nhân mắc tiền sản giật trước đó không mắc bệnh gì, chỉ có 12,3% bệnh nhân có mắc bệnh trước đó.
Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra phương pháp dự đoán chính xác và dự phòng đồng nhất đối với tiền sản giật. Tuy nhiên, nếu sản phụ được xác định sớm có nguy cơ cao xuất hiện tiền sản giật sẽ được kích thích quá trình hình thành bánh rau, nhờ đó phòng chống hoặc ít nhất là giảm tỉ lệ mắc bệnh. Đặc biệt, nếu xác định sớm được nguy cơ tiền sản giật, các bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp theo dõi thai kỳ đặc biệt hơn nhằm tiên đoán và phát hiện các hội chứng lâm sàng sớm và xử lý kịp thời.