Bệnh tay chân miệng tăng cao ở nhiều tỉnh phía Nam

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM tuần 14, số ca mắc bệnh tay chân miệng đã tăng hơn 50% so với tháng trước.

Trẻ đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ ngày 1/4 đến ngày 7/4, thành phố ghi nhận 184 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 51,1% soi với 4 tuần trước.

Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 14 là 1.968 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao gồm huyện Nhà Bè, quận 6 và quận 8.

Trong khi đó, tại Đồng Nai ghi nhận 42 ca mắc tay chân miệng, tăng nhẹ so với tuần trước. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh (CDC) Đồng Nai, từ đầu năm đến nay tổng số ổ dịch tay chân miệng được phát hiện là 7.417 ca tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo của Viện Pastuer TP.HCM, trong tuần qua, khu vực phía nam ghi nhận 505 ca mắc tay chân miệng, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2023.

Từ đầu năm đến nay, tổng số ca mắc tay chân miệng là 7.038 ca, gấp 2,2 lần so với năm ngoái. Các tỉnh có ca mắc cao gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp...

Tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa, có thể diễn tiến nặng nhanh, đe dọa tính mạng của trẻ. Trẻ mắc tay chân miệng ban đầu sẽ nổi bóng nước. Nếu bóng nước ở trong miệng trẻ thì vỡ ra thành vết loét, còn bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông thì thường không bị vỡ ra và sau đó sẽ khô dần.

Diễn tiến bệnh thường kéo dài 5-7 ngày, có thể nhiều hơn 10 ngày, sau đó thì bóng nước có thể tự khô, tự ổn định và tự khỏi.

Với những trẻ mắc tay chân miệng, bệnh diễn tiến nặng có thể dẫn đến biến chứng ảnh hưởng tới não bộ, thân não gây ra suy hô hấp; ảnh hưởng tới tiêm gây ra viêm cơ tim, suy tim, gây phù phổi cấp… thậm chí dẫn đến tử vong.

Vì vậy, phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên cần thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ:

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày.
Khi trẻ mắc bệnh hãy để trẻ ở nhà ít nhất 10 ngày để theo dõi sát diễn biến bệnh.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/benh-tay-chan-mieng-tang-cao-o-nhieu-tinh-phia-nam-post1469369.html