Bệnh nhồi máu cơ tim của diễn viên Đức Tiến nguy hiểm thế nào?

Diễn viên, siêu mẫu Đức Tiến qua đời do bị nhồi máu cơ tim. Đây là căn bệnh nguy hiểm, người bệnh có thể tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời.

Ngày 19/5, thông tin diễn viên, siêu mẫu Đức Tiến qua đời ở tuổi 44 khiến nhiều sao Việt và người hâm mộ bàng hoàng. Theo lời bạn bè của diễn viên Đức Tiến chia sẻ, nguyên nhân nam nghệ sĩ ra đi đột ngột là do bệnh nhồi máu cơ tim.

Diễn viên Đức Tiến qua đời ở tuổi 44 vì nhồi máu cơ tim.

Diễn viên Đức Tiến qua đời ở tuổi 44 vì nhồi máu cơ tim.

Căn bệnh của diễn viên Đức Tiến mắc phải hiện đang rất phổ biến và trẻ hóa tại Việt Nam. Theo thống kê, mỗi năm có hàng trăm nghìn bệnh nhân nhập viện vì nhồi máu cơ tim tại các bệnh viện trên toàn quốc.

Nhồi máu cơ tim là hiện tượng một cục huyết khối đột ngột làm tắc động mạch vành (mạch máu nuôi xung quanh quả tim). Hiện tượng này làm cho máu không chảy đến nuôi được phần cơ tim và làm một phần cơ tim bị chết đi. Tắc những mạch máu lớn có thể làm cho quả tim ngừng đập hoặc nó có thể gây ra một rối loạn nhịp chết người.

Nhồi máu cơ tim để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa

Nhồi máu cơ tim để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa

Nhồi máu cơ tim nguy hiểm thế nào?

Biến chứng nhồi máu cơ tim thường gây ra các thiệt hại cho tim trong cơn đau tim. Các trường hợp tử vong do nhồi máu cơ tim thường là do các biến chứng gây ra, nếu có thể vượt qua giai đoạn ảnh hưởng bởi biến chứng cấp, bệnh nhân sẽ được an toàn nhưng vẫn phải chịu một số biến chứng để lại:

- Rối loạn nhịp tim: Nhịp tim sau cơn đau có thể bị rối loạn bất thường do các cơ tim bị hư hỏng trong quá trình cơn đau tim diễn ra.

- Suy tim: Là biến chứng gây ra do các mô của tim bị hư hại sau cơn đau tim, các mô còn lại không thể đáp ứng việc bơm máu đầy đủ khiến lượng máu đi đến các mô và cơ quan khác không đủ đáp ứng. Đây có thể là tình trạng tạm thời của tim và kéo dài trong một vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, nếu lượng mô tổn thương lớn có thể gây suy tim mạn tính.

- Các vấn đề van tim: Cơn đau tim có thể làm van tim bị hỏng, sự cố này có thể phát triển nghiêm trọng hơn và đe dọa đến tính mạng.

- Vỡ tim: Cơn đau tim khiến các vùng cơ tim suy yếu và có thể vỡ ra, để lại lỗ trong một phần của tim. Các trường hợp mắc phải tình trạng này thường tử vong.

Triệu chứng cảnh báo rõ ràng nhất là đau ngực. Cơn đau ngực thường ở giữa xương ức và kéo dài trong một vài phút. Cơn đau có thể xuất hiện rồi hết đi và lại đau lại. Cơn đau làm cho chúng ta cảm thấy như có gì ép lên ngực, đau như dao đâm hoặc cảm thấy nghẹt thở. Cơn đau cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác như ở sau lưng, trên cổ, trên hàm hoặc vùng dưới dạ dày. Khó thở thường xuất hiện đi kèm với cơn đau ngực.

Một số triệu chứng khác cũng có thể đi kèm như lạnh toát mồ hôi, nôn hoặc đau đầu nhẹ. Khi có những cơn đau ngực như vậy, hãy đến một bệnh viện gần nhất có thể hoặc đến một bệnh viện có trung tâm tim mạch can thiệp.

Làm sao để phòng nhồi máu cơ tim?

Các chuyên gia cho biết, phòng bệnh nhồi máu cơ tim không khó, trước hết cần thay đổi thói quen, lối sống không tốt, cũng như tăng cường các thói quen có lợi cho sức khỏe.

Cụ thể: Hạn chế uống rượu, bia; Bỏ thuốc lá và chất kích thích; Tránh thức ăn có nhiều chất béo; Tránh cảm xúc mạnh gây hại cho tim.

Ngọc Mai

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/benh-nhoi-mau-co-tim-cua-dien-vien-duc-tien-nguy-hiem-the-nao-1991795.html