Bệnh liên cầu lợn

Bệnh liên cầu lợn được Bộ Y tế xếp nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh do vi trùng Streptococcus suis (S.suis) gây ra, người bị bệnh do tiếp xúc với lợn hoặc thịt lợn bị ô nhiễm.

Streptococcus suis là mầm bệnh ở lợn được bác sĩ thú y báo cáo đầu tiên năm 1954 ở lợn con. Trường hợp nhiễm S.suis đầu tiên ở người được phát hiện ở Đan Mạch năm 1968.

Ngoài lợn, S.suis có thể gây bệnh cho mèo, chó, hươu, ngựa,... Lợn khỏe mạnh có thể chứa S.suis ở đường hô hấp trên, đường sinh dục và đường tiêu hóa. S.suis lây truyền qua đường mũi hoặc miệng của cả lợn bệnh và lợn khỏe mạnh. Lợn con mới sinh bị nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với lợn mẹ bị nhiễm khuẩn.

Ở Việt Nam, bệnh liên cầu lợn được biết lần đầu tiên năm 2003. Trong hai năm 2005 - 2006, có 72 trường hợp nhiễm S.suis nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2007 có hơn 48 ca, có 3 ca tử vong. Hiện nay, tại Đồng Tháp phát hiện 1 ca.

Bệnh thường gặp ở người lớn, tuổi trung bình 47-55 tuổi, gặp ở nam nhiều hơn nữ. Ở các nước phát triển, người ta ước tính viêm màng não do S.suis hàng năm ở người làm trong lò mổ và chăn nuôi lợn khoảng 3,0 ca/100.000 người; thấp hơn ở người bán thịt, khoảng 1,2 ca/100.000 người. Tại các nước Đông Nam Á chưa có được ước tính này. Ngoài ra, việc chế biến hoặc tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn chưa nấu chín cũng là một yếu tố nguy cơ lây nhiễm.

Thời gian ủ bệnh dao động từ 3 giờ đến 14 ngày (trung bình 2,2 ngày). Nhìn chung bệnh nhân khỏe mạnh trước khi bị nhiễm S.suis. Việc nhiễm S.suis có biến đổi theo mùa hay không vẫn chưa rõ ràng. Ở Trung Quốc và Thái Lan, nhiều bệnh nhân nhập viện trong mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 9). Tại Việt Nam, ở miền Bắc nhiều bệnh nhập viện trong những tháng ấm áp (từ tháng 4 đến tháng 10). Còn ở miền Nam, sự phân bố không rõ ràng theo mùa. Hiện nay, chưa có bằng chứng khẳng định bệnh có thể lây trực tiếp từ người sang người.

Tác nhân

S.suis là một cầu khuẩn gram dương. Hiện xác định được 35 týp huyết thanh (từ typ 1 đến typ 34 và typ ½), trong đó typ 2 gây bệnh ở người nhiều nhất.

S.suis có thể tồn tại trong phân 104 ngày ở 00C, 10 ngày ở 90C, 8 ngày ở 22-250C. S.suis có thể sống trong xác lợn chết ở 400C trong 6 tuần, trong bụi tới 54 ngày ở 00C và lên tới 25 ngày ở 90C. Hơn nữa, S.suis có thể tồn tại trong nước 10 phút ở 600C. Tuy nhiên, S.suis nhanh chóng bị bất hoạt bởi các chất khử trùng và chất tẩy rửa.

Biểu hiện lâm sàng

Viêm màng não là thể bệnh lâm sàng phổ biến nhất. Triệu chứng viêm màng não do S.suis tương tự như các bệnh viêm màng não do vi khuẩn khác. Giảm thính lực là một triệu chứng nổi bật của bệnh. Có 6% - 31% bệnh nhân biểu hiện ở da như: Chấm xuất huyết, vết bầm máu, bọng nước xuất huyết và hoại tử da (hình). Hoại tử ngón tay và ngón chân cũng có thể gặp ở giai đoạn sau của bệnh.

Ngoài ra, S.suis có thể gây viêm nội tâm mạc, viêm khớp, viêm nội nhãn và viêm màng bồ đào,...

Tổn thương da ở bệnh nhân nhiễm Streptococcus suis. Nguồn: Hongjie Yu và cộng sự

Về mặt điều trị

Khi nghi ngờ bệnh nhân bị viêm màng não do S.suis phải bắt đầu điều trị bằng kháng sinh ngay. Tại Việt Nam, S.suis còn nhạy với penicillin, ceftriaxone và vancomycin. Kháng với tetracyclin (83,2%), erythromycin (20%), và cloramphenicol (3,3%).

Việc sử dụng dexamethasone vẫn còn gây tranh cãi. Dexamethasone (0,4 mg/kg, 2 lần/ngày trong 4 ngày) hiện được dùng cho bệnh nhân người lớn tại Việt Nam với một số chỉ định cụ thể.

Tỷ lệ tử vong khác nhau và nhìn chung thấp ở bệnh nhân viêm màng não do S.suis so với bệnh nhân viêm màng não do phế cầu và các tác nhân vi khuẩn khác. Tuy nhiên, bệnh nặng hơn nếu bị nhiễm trùng huyết hoặc biến chứng suy thận, suy hô hấp hay rối loạn đông máu.

Phòng bệnh

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế: Người có vết thương ở chân, tay không được tham gia giết mổ lợn. Sau khi tham gia giết mổ lợn phải rửa sạch tay bằng các loại dung dịch sát khuẩn.

Khi xử lý lợn ốm, lợn chết phải sử dụng trang bị phòng hộ: găng tay, ủng, khẩu trang, ... Không sử dụng thịt lợn ốm, thịt lợn chết và thịt lợn không rõ nguồn gốc làm thức ăn.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh cho người. Không có chỉ định dùng kháng sinh dự phòng./.

BSCKII. Nguyễn Văn Út, DSCKII. Võ Văn Hải TTYT Tân Hồng

BSCKII. Lê Thị Kim Chi, Trường Đại học Văn Hiến

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Xuân Chương, Streptococcus Suis (liên cầu lợn) – một tác nhân gây bệnh nguy hiểm mới. https://old.huemed-univ.edu.vn/.

2. Cục Y Tế Dự Phòng, https://vncdc.gov.vn › lien-cau-lon-nd13617.

3. Arends JP, Zanen HC. Meningitis caused by Streptococcus suis in humans, Rev Infect Dis, 1988, vol. 10 (pg. 131-7).

4. Gottschalk M, Segura M, Xu J. Streptococcus suis infections in humans: the Chinese experience and the situation in North America, Anim Health Res Rev, 2007, vol. 8 (pg. 29-45).

5. Greenwood BM. Corticosteroids for acute bacterial meningitis, N Engl J Med, 2007, vol. 357 (pg. 2507-9).

6. Mai NT, et al. Streptococcus suis meningitis in adults in Vietnam, Clin Infect Dis, 2008, vol. 46 (pg. 659-67).

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/benh-lien-cau-lon-a175344.html