Bệnh đậu mùa khỉ có điều trị tại nhà được không?

Người mắc đậu mùa khỉ cần được cách ly để tránh lây nhiễm. Bên cạnh đó, việc điều trị tại cơ sở y tế sẽ giúp bệnh nhân có cơ hội điều trị tốt hơn cũng như phòng được các biến chứng có nguy cơ mắc phải.

Đậu mùa khỉ có thể tự điều trị tại nhà được không?

Theo TS.BS. Vũ Quốc Đạt - Phó Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Một trong những biện pháp kiểm soát bệnh tốt nhất và ưu tiên hàng đầu là cách ly ca bệnh. Với số ca mắc hiện nay, hệ thống y tế hoàn toàn có đủ năng lực để điều trị cho bệnh nhân.

Tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán đậu mùa khỉ nên được điều trị và cách ly tại các cơ sở y tế. Bởi điều này góp phần kiểm soát ca bệnh tốt hơn từ đó có thể truy vết cũng như kiểm soát được tình trạng lây lan bệnh trong cộng đồng. Bên cạnh đó, đối với bệnh nhân, việc chăm sóc tại các cơ sở y tế sẽ giúp người bệnh có cơ hội điều trị tốt hơn cũng như phòng được các biến chứng có nguy cơ mắc phải.

Đối với bệnh đậu mùa khỉ, mặc dù tỷ lệ tỷ vong tương đối khác nhau giữa các quốc gia. Tuy nhiên tỷ lệ tử vong có thể lên tới 10%, do vậy việc kiểm soát từ bước đầu vô cùng quan trọng. Việc cách ly bệnh nhân, truy vết ca bệnh là một trong những yếu tố quan trọng giúp khống chế dịch thành công trước khi triển khai các biện pháp dự phòng khác như vaccine.

Người được chẩn đoán mắc đậu mùa khỉ cần được cách ly và điều trị tại cơ sở y tế

Đậu mùa khỉ có thể chữa khỏi hoàn toàn

Bệnh đậu mùa khỉ có thể chữa khỏi được hoàn toàn. Người bệnh có thể yên tâm sẽ hồi phục 100% nếu kiểm soát được tình trạng bệnh. Phần lớn các trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ ở tình trạng nhẹ hoặc không có dấu hiệu nguy kịch sẽ được áp dụng phương pháp điều trị triệu chứng như:

- Kiểm soát tình trạng sốt, nhiễm trùng hoặc bội nhiễm tại các tổn thương da, các tổn thương ở niêm mạc cũng như tình trạng viêm phổi nếu có.

- Các biện pháp điều trị hỗ trợ tình trạng hồi phục của bệnh nhân như: sử dụng các thuốc, vitamin giúp bệnh nhân tránh được biến chứng về sau đặc biệt là các biến chứng liên quan đến biến chứng nhiễm khuẩn, mắt…

Hiện nay trên thế giới đã có thuốc đặc hiệu dành cho bệnh đậu mùa khỉ, đây là loại thuốc trước đây đã được nghiên cứu và sử dụng trong điều trị bệnh đậu mùa. Đối với thuốc điều trị đặc hiệu cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Hiệu quả của các loại thuốc mới vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu. Và hiện số lượng bệnh nhân được điều trị bằng các thuốc đặc hiệu đang còn tương đối ít và vẫn cần thời gian để đánh giá thêm hiệu quả của thuốc.

Hiện chưa có loại vaccine hữu hiệu dành riêng cho bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu đã tìm thấy tiềm năng của vaccine đậu mùa dành cho việc phòng bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh đậu mùa đã được xóa bỏ trên quy mô toàn cầu nên không có nhiều người có miễn dịch với căn bệnh này. Do vậy việc khuyến cáo sử dụng vaccine đậu mùa cho bệnh đậu mùa khỉ cần phải thận trọng. Bởi nếu khuyến cáo không phù hợp có thể dẫn tới việc cạn kiệt vaccine dành cho các đối tượng có nguy cơ cao.

Hiện nay đa phần đối với các quốc gia trên thế giới căn bệnh đậu mùa khỉ thường diễn ra trong một nhóm các đối tượng nguy cơ cao. Do vậy hầu hết các tổ chức y tế thế giới hay các quốc gia sẽ có nguồn vaccine nhất định dành cho các đối tượng nguy cơ cao. Những người đang sống tại vùng dịch lưu hành với ca mắc lớn, những người có nguy cơ cao mắc bệnh do các tiếp xúc da và niêm mạc sẽ được khuyến cáo tiêm phòng.

Cho tới thời điểm hiện tại chưa có quốc gia nào có dự định sẽ triển khai tiêm vaccine đậu mùa khỉ trên quy mô diện rộng cho toàn bộ quốc gia giống như COVID-19. Do vậy, với nguồn vaccine còn hạn chế, chiến lược ưu tiên vẫn là dành cho các vùng dịch và nơi có số lượng ca mắc đang tăng cao cũng như với các đối tượng có nguy cơ mắc đậu mùa khỉ.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể xem là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Virus đậu mùa khỉ (Monkeypox virus) ban đầu tồn tại ở động vật, thường là các động vật linh trưởng (khỉ, vượn, tinh tinh) và các loại động vật gặm nhấm (sóc, thỏ, chuột, chuột túi). Sau khi virus này lan từ động vật sang người, con người trở thành vật chủ mang virus và có thể lây cho những người xung quanh.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-dau-mua-khi-co-dieu-tri-tai-nha-duoc-khong-169231205112735413.htm