Máy bay C919 và ARJ21-700 là hai loại máy bay dân dụng đầu tiên tại Trung Quốc do Comac tự thiết kế và chế tạo. Hiện, hai chiếc máy bay này đang được triển lãm tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh). Việt Nam là điểm đến nước ngoài thứ 2 của máy bay C919 sau Singapore.
Sự kiện nằm trong kế hoạch giới thiệu chiếc máy bay "Made in China" tới 5 nước Đông Nam Á của Comac. Kết thúc sự kiện tại Vân Đồn, hai máy bay sẽ bay tiếp đến Đà Nẵng, TP.HCM và TP Viêng Chăn (Lào).
Bên trong, C919 có cấu hình tương tự các dòng máy bay thân hẹp Boeing 737 và Airbus A320/321. Tuy nhiên, giá mỗi chiếc C919 chỉ vào khoảng 99 triệu USD, rẻ hơn so với mẫu Airbus A320 NEO hay Boeing 737. Comac tạo ra C919 với kỳ vọng cạnh tranh với 2 dòng máy bay thương mại phổ biến nhất thế giới này.
Khoang thương gia của máy bay C919 được thiết kế tương tự A321 với 8 chiếc ghế được bọc da chia làm 2 bên, có rèm ngăn cách với khoang phổ thông.
Cấu hình hàng phổ thông trên máy bay thân hẹp này tương tự hai mẫu Airbus A320/A321 và Boeing 737 MAX với mỗi bên ba ghế.
Dù được công bố là máy bay "Made in China", chiếc C919 vẫn phụ thuộc khá nhiều vào các linh kiện, nguyên vật liệu lắp ráp từ nước ngoài. Hệ thống liên lạc và định vị sử dụng linh kiện từ nhà sản xuất Rockwell Collins (Mỹ)
Phần bếp C919 chứa được 7 xe đẩy đồ ăn cùng hệ thống, quầy bar, tủ hâm nóng đồ ăn trên tàu bay tương tự như máy bay Airbus.
Dấu ấn "hàng nội địa" của C919 nằm ở phần cánh và đuôi máy bay với linh kiện được sản xuất tại Trung Quốc.
Trong khi đó, ARJ21-700 là máy bay phản lực hai động cơ. Các hãng Trung Quốc đã sử dụng máy bay phản lực này trên nhiều chặng nội địa. Khách hàng quốc tế của chiếc máy bay này là Indonesia với một chiếc được bàn giao năm 2022.
ARJ21 có tầm bay từ 2.225 km đến 3.700 km. Tàu có thể bố trí cấu hình ghế từ 78 đến 97 chỗ tương tự các dòng máy bay ATR72, Embraer 190 có ở Việt Nam. Ngoài ra, ARJ21 cũng có thể thay đổi cấu hình thành chuyên cơ cá nhân phục vụ các khách hàng VIP.
Diệu Thanh - T.D.C