Bên trong cuộc đấu tranh 'cứu' các trường mẫu giáo của Trung Quốc

Đối mặt với số lượng tuyển sinh thấp, sự cạnh tranh khốc liệt từ các trường công và áp lực tài chính, trường mẫu giáo tư thục ở Trung Quốc đang phải nỗ lực 'tiếp thị' để thu hút học sinh.

Một giáo viên mầm non tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đang làm việc. Ảnh: IC

Một giáo viên mầm non tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đang làm việc. Ảnh: IC

Khoảng 20.400 trường mẫu giáo đóng cửa

Sau hơn một thập kỷ làm việc tại một trường mẫu giáo tư thục, Lin Xiao, 32 tuổi, ngập trong công việc khiến cô không thể đi dạy.

Thay vì tập trung vào những học sinh nhỏ tuổi của mình, cô chụp ảnh cho các hoạt động của trường, chìm đắm trong đống giấy tờ và phát tờ rơi tuyển sinh tại khu dân cư.

Với số lượng tuyển sinh giảm 60% so với 2 năm trước và các trường lân cận đóng cửa, công việc hàng ngày của Lin là một cuộc chiến tuyệt vọng để giữ cho trường của cô tồn tại trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Sếp của Lin nói rằng mỗi học sinh mới đăng ký có thể chi trả hai tháng lương của giáo viên.

Cuộc khủng hoảng này không chỉ giới hạn ở trường mẫu giáo của Lin, hay thậm chí là Quảng Châu. Ở khắp Trung Quốc, các trường mẫu giáo, đặc biệt là trường tư thục, đang gặp khó trong bối cảnh tỉ lệ sinh giảm. Và nỗ lực của chính phủ nhằm mở rộng và cải thiện các trường mẫu giáo công lập chỉ làm tăng thêm sự cạnh tranh, khiến trường tư gặp khó khăn hơn trong việc thu hút và giữ chân học sinh.

Dữ liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy trong 2 năm qua, khoảng 20.400 trường mẫu giáo đã đóng cửa trên toàn quốc, chủ yếu do khó khăn về tài chính bởi số lượng học sinh giảm dần.

Chỉ riêng năm ngoái, khoảng 15.000 trường mẫu giáo đã đóng cửa, với tác động nghiêm trọng nhất nằm ở các tỉnh phía Đông Bắc như Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang và có thể mở rộng sang các khu vực khác.

2 năm gần đây, khoảng 20.400 trường mẫu giáo ở Trung Quốc đã đóng cửa. Ảnh: VCG

2 năm gần đây, khoảng 20.400 trường mẫu giáo ở Trung Quốc đã đóng cửa. Ảnh: VCG

Tốc độ đóng cửa nhanh chóng của các trường mẫu giáo đã làm dấy lên cuộc tranh luận rộng rãi trên mạng xã hội, đặc biệt là sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin chi tiết vào tháng 3 về những khó khăn mà trường mẫu giáo phải đối mặt.

Một số trường tái sử dụng cơ sở thành trung tâm chăm sóc người già. Với rất ít lựa chọn, nhiều giáo viên mẫu giáo phải làm thêm những công việc khác như: nhân viên xã hội, livestreamers (người thực hiện công việc phát sóng trực tiếp).

Các chuyên gia giáo dục dự đoán rằng sự suy giảm thậm chí có thể sớm ảnh hưởng đến các trường tiểu học và trung học cơ sở.

"Tôi cảm thấy mình giống một nhân viên bán hàng hơn là một giáo viên"

Đối với Lin, áp lực càng gia tăng khi trường mẫu giáo của cô đưa ra phần thưởng trị giá 500 nhân dân tệ cho mỗi học sinh mới được giáo viên giới thiệu trong các sự kiện kết hợp với khuyến mãi. Ban quản lý cũng yêu cầu giáo viên liên tục theo sát những phụ huynh có nhiều hơn một con tại trường.

Lin thừa nhận: "Tôi cảm thấy mình giống một nhân viên bán hàng hơn là một giáo viên".

Trên khắp các tỉnh, thời gian làm việc trong một ngày của đa số giáo viên giờ đây kéo dài hơn bình thường khi phải chạy đua cho công tác tuyển sinh. Nhiệm vụ của họ bao gồm đặt quảng cáo, lập quầy thông tin trong khu dân cư và liên tục cập nhật thông tin trên phương tiện truyền thông xã hội - tất cả đều nhằm thu hút học sinh mới đến với những ngôi trường đang gặp khó khăn của họ.

Lei - Giám đốc một trường mẫu giáo tư thục, thừa nhận việc tuyển dụng học sinh mới là ưu tiên hàng đầu.

Một số trường đã thành lập đội ngũ nhân viên kinh doanh chuyên nghiệp, trong khi những trường khác lôi kéo người đăng ký bằng cách cung cấp các khóa học mầm non miễn phí và dịch vụ dạy kèm tận nhà.

Các giáo viên nói rằng trường mẫu giáo công lập chất lượng cao ngày càng dễ tiếp cận hơn khiến các lựa chọn trường tư thường bị bỏ qua.

Ở Trung Quốc, trường mẫu giáo công lập, do các cơ quan chính phủ quản lý, cung cấp các dịch vụ giáo dục tiêu chuẩn hóa và học phí phải chăng. Ngược lại, trường mẫu giáo tư thục thu phí cao hơn, cung cấp các lựa chọn giáo dục cao cấp chủ yếu cho những gia đình giàu có.

Wang Haiying - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách mầm non tại Đại học Sư phạm Nam Kinh cho biết, việc mở rộng các trường mẫu giáo công lập trên khắp Trung Quốc được thực hiện để thay đổi bối cảnh giáo dục vốn bị chi phối bởi các trường học lớn với lớp học quá đông và quá ít giáo viên.

Giáo viên chơi với trẻ tại một trường mẫu giáo ở Đông Quang, tỉnh Quảng Đông. Ảnh: VCG

Giáo viên chơi với trẻ tại một trường mẫu giáo ở Đông Quang, tỉnh Quảng Đông. Ảnh: VCG

Qian You - giáo viên mẫu giáo công lập ở tỉnh Chiết Giang nhận xét rằng, trong khi một số trường mẫu giáo tư thục đóng cửa hoặc không hoạt động hết công suất thì những trường nhà nước như trường của cô lại hoạt động tương đối ổn định.

Tuy nhiên, ngay cả ở những cơ sở công lập này, áp lực thu hút học sinh vẫn tồn tại. Gần đây, hiệu trưởng của cô đã cử nhân viên đến các khu dân cư để quảng bá trường mẫu giáo của mình.

Phụ thuộc vào tỉ lệ sinh

Để giải quyết cuộc khủng hoảng, các trường mẫu giáo ở Trung Quốc đang triển khai "lớp mẫu giáo" dành cho trẻ em dưới 3 tuổi. Các chương trình này được thiết kế không chỉ để đa dạng hóa nguồn thu nhập mà còn đẩy mạnh tuyển sinh.

Sự chuyển hướng này cũng đáp ứng nhu cầu quan trọng của quốc gia nhằm giải quyết tình trạng thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Chính phủ Trung Quốc đã cam kết đảm bảo rằng số điểm chăm sóc trẻ em dưới 3 tuổi sẽ đạt 4,5 trên 1.000 dân vào năm 2025, trong khi các chính sách như vậy đã có từ năm 2019.

Gần đây, các quan chức cấp cao đã nhắc lại cam kết của họ đối với những sáng kiến này với 5 tỉ nhân dân tệ từ quỹ nhà nước để mở rộng dịch vụ.

Sun - giáo viên đến từ Phật Sơn cho biết: "Ngay cả một xu cũng có giá trị khi chế độ sinh tồn được bật".

Cô cũng nhìn thấy tiềm năng thành công, đặc biệt là khi nhu cầu ngày càng tăng của các bậc cha mẹ, những người chịu áp lực công việc cao và muốn tìm kiếm sự chăm sóc toàn diện hơn cho con mình.

Xu - người quản lý một nhóm giáo dục mầm non tư nhân và cung cấp dịch vụ tư vấn cho giám đốc trường mẫu giáo (cả hai đều ở Thượng Hải) khẳng định việc bắt đầu các lớp học dành cho trẻ nhỏ thường đòi hỏi các trường mẫu giáo phải thuê thêm giáo viên hoặc đào tạo cho đội ngũ nhân viên hiện tại.

Xu cho rằng hệ thống giáo dục dành cho các nhóm tuổi khác nhau có những yêu cầu riêng biệt đối với đội ngũ giáo viên.

Theo Wang Haiying - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách mầm non tại Đại học Sư phạm Nam Kinh, các dịch vụ nhà trẻ mới vẫn chưa thu hút được sự chú ý.

"Nhiều bậc cha mẹ ngần ngại khi tách con mình ra và họ sẽ cân nhắc các yếu tố như sự an toàn và tiện lợi. Việc mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ em ở các trường mẫu giáo là một lựa chọn khả thi nhưng nó sẽ không đóng vai trò chính trong hệ thống chăm sóc trẻ em.

Mặt khác, chính quyền địa phương đã quy định các dịch vụ này chỉ có thể được định giá cao hơn tới 30% so với các lớp mầm non thông thường, hạn chế khả năng sinh lời. Do đó, các trường mẫu giáo tư thục cần thu phí cao hơn để trang trải chi phí sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh với các trường mẫu giáo công lập", Wang nêu quan điểm.

Lei - Giám đốc trường mẫu giáo tư thục, không coi các lớp chăm sóc trẻ em là giải pháp tối ưu vì nó còn phụ thuộc vào tỉ lệ sinh.

Nỗ lực tồn tại sau làn sóng đóng cửa, trường mẫu giáo Lei đang cải tạo các lớp học và đào tạo chuyên môn cho giáo viên. Anh nói: "Tương lai chỉ có hai loại hình trường mẫu giáo là công lập và tư thục cao cấp, cung cấp dịch vụ với giáo viên và cơ sở vật chất tốt hơn".

Nguồn: Sixth Tone

Mộc Đức

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/ben-trong-cuoc-dau-tranh-cuu-cac-truong-mau-giao-cua-trung-quoc-179240523183850567.htm