Bến Tre: Khẩn trương khắc phục sạt lở do triều cường
Vụ sạt lở đê làm cho nước tràn vào ảnh hưởng đến 19 hộ dân, các hộ bị nước ngập khoảng 0,5m có nơi lên đến 1m, một số vật dụng trong gia đình bị hư hỏng; làm ngập úng khu vực 3 ha cây ăn trái.
Ngày 17/9, ông Trần Hữu Nghị, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết, sạt lở đê bao do triều cường xảy ra tại cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách đã tạm thời được khắc phục.
Rạng sáng 17/9, mưa to và kèm theo nước lớn đã làm sạt lở đê bao tại hộ đất vườn ông Lý Quốc Dũng, tổ 16, ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình. Đoạn đê dài 350m; đoạn bị sạt lở trên phần đất vườn của hộ ông Dũng dài 20m, sâu 2m, mất hết phần thân đê.
Vụ sạt lở đê làm cho nước tràn vào ảnh hưởng đến 19 hộ dân, các hộ bị nước ngập khoảng 0,5m có nơi lên đến 1m, một số vật dụng trong gia đình bị hư hỏng; làm ngập úng khu vực 3 ha cây ăn trái như: Sầu riêng, chôm chôm, nhãn và một số loại cây khác.
Ông Trần Hữu Nghị cho hay, ngay sau khi xảy ra sạt lở đê bao Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Chợ Lách đã có mặt tại điểm sạt lở, chỉ đạo địa phương vận động nhân dân kê đồ lên cao tránh thiệt hại, đồng thời thuê phương tiện cơ giới đến điểm sạt lở gia cố tạm thời không cho nước ngập, tiến hành bơm thoát nước ngập úng ra ngoài, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho vườn cây ăn trái.
Theo ông Trần Hữu Nghị, đầu năm 2024, đoạn đê bao này bị sạt lở nghiêm trọng, mặt đê bao chỉ còn 0,5m, có nguy cơ bị sạt lở ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Huyện Chợ Lách đã có kiến nghị xin kinh phí để gia cố, xử lý; tuy nhiên, khi chưa được khắc phục thì lại xảy ra sạt lở.
Khu vực đê bao bảo vệ cho hơn 300 ha đất sản xuất cây ăn quả đặc sản (sầu riêng, chôm chôm...) và hàng trăm hộ dân sinh sống trong khu vực.
Huyện Chợ Lách đang kiến nghị xin kinh phí nhanh chóng khắc phục sửa chữa đoạn đê bao vì đang vào thời điểm mưa nhiều kết hợp triều cường dâng cao vào dịp cuối năm.
Ông Trần Hữu Nghị cho biết thêm, trong thời gian chờ tỉnh hỗ trợ gia cố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã đề xuất nhanh chóng tiến hành lăn đê với quy mô: Lăn đê vào sâu bên trong, cách đê cũ 10-20 m, chiều dài lăn đê khoảng 100-150m; thực hiện khẩn cấp (vừa thiết kế vừa thi công), mục tiêu đảm bảo an toàn cho diện tích đất vườn và 22 hộ dân trong khu vực và đảm bảo an toàn khu vực cồn Phú Đa./.