Bế mạc kỳ họp HĐND TP.HCM, Thanh Hóa, Hậu Giang: Thông qua nhiều Nghị quyết

Sau 2,5 ngày làm việc, trưa 12/7, Kỳ họp thứ 10 của HĐND TP.HCM khóa X chính thức bế mạc. HĐND TP.HCM đã thông qua 65 Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết 18 về triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Phát biểu tại lễ bế mạc, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về thực hiện, triển khai Nghị quyết 98. Do vậy UBND TP.HCM cần tập trung, khẩn trương xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án, các nhóm giải pháp để cụ thể hóa Nghị quyết số 18 của HĐND TP một cách kịp thời, đạt hiệu quả cao, gắn với việc thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 10 (Ảnh: V.Đ)

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 10 (Ảnh: V.Đ)

Từ nay đến cuối năm, HĐND TP.HCM sẽ tăng cường, tập trung công tác giám sát chuyên đề về triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội; giám sát việc triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết 18 của HĐND; giám sát việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển y tế; giám sát việc thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị. Đồng thời HĐND TP cũng sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND TP bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết 96 ngày 23/6/2023 của Quốc hội.

HĐND TP.HCM đặt mục tiêu trong năm 2023, TP giải ngân trên 95% vốn đầu tư công (Ảnh: V.Đ)

HĐND TP.HCM đặt mục tiêu trong năm 2023, TP giải ngân trên 95% vốn đầu tư công (Ảnh: V.Đ)

Tại kỳ họp, HĐND TP.HCM cũng đặt mục tiêu trong năm 2023, TP.HCM giải ngân trên 95% vốn đầu tư công. Để làm được điều này, HĐND TP yêu cầu UBND TP.HCM tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai dự án đầu tư công.

Bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức phải chủ động thực sự vào cuộc và hướng dẫn xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả, nhất. Đặc biệt đối với các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, sớm xử lý vướng mắc với các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư đang thực hiện dang dở để sớm hoàn thành dự án, đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả.

Bế mạc HĐND Thanh Hóa: Thẳng thắn, công tâm để phát triển

Sáng 12/7 Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII đã bế mạc sau 2,5 ngày làm việc. Các báo cáo, ý kiến thảo luận, chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu, cử tri, nhân dân tại kỳ họp lần này đã tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc, giải pháp thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn, các đại biểu đã làm rõ những vấn đề “nóng”, đề xuất nhiều giải pháp toàn diện, trọng tâm, được cử tri và nhân dân tin tưởng.

Bế mạc kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Bế mạc kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Báo cáo tại kỳ họp cho biết, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (GRDP) ước đạt 7,0%, đứng thứ 18 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ. Trong đó, có 3 trong 4 chỉ số phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh nằm trong tốp 10 cả nước. Tuy nhiên, có nhiều lĩnh vực không đạt được theo kế hoạch, giảm so với cùng kỳ năm ngoái, như: Huy động vốn đầu tư; giải ngân vốn đầu tư công; đặc biệt là thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 là 20.577 tỉ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại biểu Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho rằng: "Từ nay đến cuối năm, để đảm bảo nhiệm vụ, mục tiêu, theo tôi đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục đối với người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, xem đây là nguyên nhân chính tác động đến tiến độ triển khai các dư án đầu tư trực tiếp và dự án đầu tư công. Chúng ta phải đặt câu hỏi, tại sao các tỉnh khác cũng có giải phóng mặt bằng, nhưng họ giải ngân được, triển khai được, nếu không các dự án kéo dài rất lâu, 5-10 năm".

Để các ý kiến đi vào trọng tâm, hiệu quả, kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII được tiến hành theo hướng hạn chế trình bày báo cáo, dành phần lớn thời gian thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn. Qua đó, các ý kiến, kiến nghị đã thẳng thắn, trách nhiệm, đi đến cùng các vấn đề, đặc biệt là nhìn nhận các điểm nghẽn, khó khăn, bất cập về triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội thời gian qua, như: Hoàn thiện xây dựng quy hoạch; hỗ trợ doanh nghiệp, xử lý dự án chậm tiến độ; tiến độ cấp sổ đỏ; giá vật liệu xây dựng, lao động, việc làm…

Tiếp thu ý kiến tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã giải trình, làm rõ ý kiến, kiến nghị của đại biểu, cử tri tại kỳ họp; đồng thời khẳng định UBND tỉnh sẽ kiên trì phương châm đặt ra trong năm 2023 là “đoàn kết-kỷ cương-trách nhiệm-linh hoạt-hiệu quả”.

Tỉnh sẽ tập trung vào 9 nhóm giải pháp trong chỉ đạo điều hành: Giải quyết kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp, rà soát, rút ngắn thời gian xử lý, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy…; khắc phục điểm nghẽn về mặt bằng, giải phóng mặt bằng, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn.

"Mình cứ nói đẩy mạnh, tăng cường, nâng cao, tôi đề nghị một lần nữa phải phát huy tinh thần nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ thật", Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa nêu rõ.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, Chủ tịch HĐND phát biểu bế mạc (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, Chủ tịch HĐND phát biểu bế mạc (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, Chủ tịch HĐND nhấn mạnh: "Ngay sau kỳ họp, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh, các cơ quan đơn vị triển khai thực hiện Nghị quyết nghiêm túc, ngay từ khâu tuyên truyền, quán triệt đến xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, bố trí nhân lực, nguồn lực, xác định mốc thời gian hoàn thành, tránh tình trạng quyết sách đúng, trúng, kịp thời, nhưng triển khai kém hiệu quả. Thường trực HĐND tỉnh, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập để kiến nghị, yêu cầu UBND tỉnh và các cơ quan liên quan có giải pháp, đảm bảo nghị quyết được thực hiện một cách hiệu quả cao nhất.

Tại kỳ họp, các đại biểu đã xem xét, thống nhất, thông qua 25 Nghị quyết về dự án phát triển kinh tế xã hội; cơ chế chính sách để phát triển địa phương trong thời gian tới.

HĐND tỉnh Hậu Giang xem xét, thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù

Sáng 12/7, Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc. Kỳ họp này sẽ xem xét, đánh giá nhiều nội dung quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh, trong đó có một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026

Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026

6 tháng đầu năm nay, các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị của tỉnh Hậu Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự đồng thuận, đồng lòng, chung tay đầy trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, với tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng”, đến nay tỉnh đã triển khai hiện thực hóa các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, nhiều chỉ tiêu đạt rất ấn tượng.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành đạt 10.784 tỉ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ; Kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ đạt 359,83 triệu USD, tăng hơn 3,6% so với cùng kỳ; Giải quyết việc làm cho hơn 9.900 lao động, đạt hơn 66% kế hoạch, tăng 1,25% so với cùng kỳ; Toàn tỉnh ước đón hơn 250.000 lượt khách tham quan du lịch, tăng 55,5% so với cùng kỳ; Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt kết quả ấn tượng, bứt phá sau gần 20 năm thành lập tỉnh, đạt 14,21%, cao nhất cả nước, trong đó công nghiệp tăng trưởng đột phá gần 39%, xây dựng tăng hơn 13%, dẫn đến tăng trưởng khu vực II tăng gần 35%.

Ông Trần Văn Huyến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang phát biểu khai mạc kỳ họp.

Ông Trần Văn Huyến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang phát biểu khai mạc kỳ họp.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Trần Văn Huyến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét báo cáo của UBND tỉnh, các ngành, nhất là báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng sẽ thảo luận, quyết định việc bố trí vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án quan trọng của tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời, giải ngân vốn đầu tư công đạt tiến độ, chỉ tiêu trong năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt tại kỳ họp này, HĐND tỉnh cũng sẽ xem xét thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù.

“Kỳ họp lần này sẽ xem xét thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội đối với người cao tuổi, đối tượng cai nghiện ma túy bắt buột và hỗ trợ cai nghiện ma túy tự nguyện, cũng như cơ chế chính sách đối với ngành giáo dục đào tạo, nhằm đáp ứng kịp thời, hiệu quả nhu cầu dạy và học trên địa bàn của tỉnh. Đây là những nội dung mang tính chất đặc thù, tùy vào điều kiện thực tế và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh nên đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh xem xét cơ chế, nội dung, mức chi cho phù hợp và đảm bảo tính khả thi cao nhất của từng cơ chế , chính sách khi được thông qua".

Nhóm PV/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/be-mac-ky-hop-hdnd-tphcm-thanh-hoa-hau-giang-thong-qua-nhieu-nghi-quyet-post1032111.vov