BĐBP Cao Bằng đấu tranh với nạn buôn bán người, giữ bình yên biên giới
BĐBP Cao Bằng vừa phối hợp đấu tranh thành công Chuyên án 1023P, triệt phá đường dây mua bán người dưới 16 tuổi. Đây là lần thứ 2 đơn vị này phối hợp đấu tranh với nạn buôn bán người trong 2023 tại địa phương.
Chân dung những kẻ buôn người
Ngày 26/10/2023, trong khi tiếp nhận 21 công dân Việt Nam do phía Trung Quốc trao trả, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh phát hiện cháu Nguyễn T.K.O (sinh năm 2011, trú tại huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ) có dấu hiệu nghi vấn là nạn nhân bị mua bán.
Ban Chuyên án 1023P đã mời chị họ của O là Nguyễn Thị Lài (sinh năm 1995, trú tại khu vực chợ Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) và bà ngoại của cháu O là Trần Thị Lợi (sinh năm 1957, trú tại xã Định Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ) về trụ sở của đơn vị để xác minh, điều tra làm rõ.
Thông tin sơ bộ, đối tượng Lài sang Trung Quốc lấy chồng từ lâu. Vào khoảng tháng 5/2023, Lài về Việt Nam thăm gia đình. Sau đó, Lài môi giới với đối tượng Lợi bán cháu O với giá 130.900 nhân dân tệ (khoảng 400 triệu đồng) cho một người đàn ông Trung Quốc có biệt danh là Mập để làm vợ, trong đó gia đình cháu O được nhận 150 triệu đồng và 1 cây vàng trị giá 60 triệu đồng, số tiền còn lại đối tượng Lài hưởng lợi.
Mở rộng điều tra, Ban Chuyên án bắt giữ hai đối tượng Triệu Thành Long có biệt danh là Mập (sinh năm 1994, trú tại huyện Thanh Điền, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) và mẹ của cháu O là Lê Thị Mỹ Hạnh (sinh năm 1985, trú tại xã Định Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ).
Trước đó, tháng 2/2023, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng đã phá thành công chuyên án CB223p về hành vi mua bán người, nạn nhân là cháu bé chưa tròn tháng tuổi. Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, đại diện BĐBP Cao Bằng cho biết, nạn nhân được phát hiện thông qua công tác sàng lọc, phân loại công dân Việt Nam do phía Trung Quốc trao trả.
“Trong đường dây có đối tượng người Trung Quốc móc nối với đối tượng người Việt Nam, sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài để lừa gạt nạn nhân. Địa bàn xảy ra tội phạm và nơi các đối tượng tội phạm cư trú đều ở các địa bàn khác ngoài, trong đó có cả địa bàn nội địa”, đại diện BĐBP cho biết thêm.
Ban Chuyên án đã xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể, xác định các nội dung, biện pháp, dự kiến các tình huống có thể xảy ra để chủ động biện pháp ứng phó.
“Quá trình đấu tranh có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp trong trao đổi, thống nhất các nội dung, biện pháp điều tra, khai thác đối tượng; nhận định, đánh giá các chứng cứ, tài liệu, xác định các dấu hiệu hành vi cấu thành tội phạm”, đại diện BĐBP nói.
Quyết liệt đấu tranh để giữ vững bình yên nơi biên giới
Cao Bằng là một trong các "điểm nóng" về xuất nhập cảnh trái phép thời gian qua, một phần do đường biên giới lên đến hơn 330km, chủ yếu địa hình đồi núi hiểm trở, nhiều đường mòn, lối tắt. Hoạt động của tội phạm này có diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân quyền và ảnh hưởng đến an ninh-trật tự tại đây…
Theo BĐBP Cao Bằng, tỉnh này được xác định là địa bàn trung gian của tội phạm mua bán người trước khi sang Trung Quốc, tại các cửa khẩu còn là nơi tiếp nhận số lượng lớn công dân Việt Nam nhập cảnh, cư trú trái phép trên lãnh thổ Trung Quốc do các lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả, trong số đó có những nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Chỉ tính riêng năm 2022, có tới khoảng 85% công dân xuất cảnh trái phép trên tuyến biên giới Việt-Trung được phát hiện tại địa phương này.
Qua nhiều vụ việc, các thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này là dụ dỗ các nạn nhân đi làm “việc nhẹ, lương cao, “núp bóng” môi giới hôn nhân, việc làm hay cho nhận con, mang thai hộ để mua bán người. Để dễ dàng qua mặt lực lượng chức năng, chúng thường liên lạc qua mạng xã hội hoặc trà trộn vào các hội nhóm kín trên mạng.
Để đấu tranh với loại tội phạm này, BĐBP Cao Bằng cho rằng, quá trình tiếp nhận công dân Việt Nam do lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả cần nhanh chóng sàng lọc, phân loại để xác định các dấu hiệu của nạn nhân bị mua bán. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát địa bàn, biên giới, cửa khẩu nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ xử lý các hoạt động tội phạm mua bán người; tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép (tội phạm nguồn của tội phạm mua bán người).
Đặc biệt, mỗi người dân đều cần nêu cao cảnh giác, tỉnh táo trước những lời dụ dỗ về “việc nhẹ,lương cao”, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, góp phần cùng lực lượng chức năng từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người.