Bẫy tình trên Tinder

Phần hai series 'Fake Profile' tiếp tục lôi kéo khán giả bằng những cảnh quay nóng bỏng, dán nhãn 18+. Song, phim nhận nhiều chỉ trích về chất lượng, kịch bản hời hợt và cách xây dựng nhân vật bất hợp lý.

Hai năm trước, phim Colombia Fake Profile ra mắt trên Netflix và nhanh chóng gây sốt ở nhiều quốc gia. Dù không được lòng giới phê bình, series vẫn thành công khi thu hút lượng lớn khán giả nhờ đề tài gần gũi và nội dung táo bạo.

Thành công đó tạo bàn đạp để nhà sản xuất tiếp tục thực hiện phần hai mang tên Fake Profile 2: Killer Match. Dàn diễn viên cũ quay trở lại, bao gồm Carolina Miranada và Rodolfo Salas, hứa hẹn tạo nên một mùa phim hấp dẫn với nhiều tình tiết gay cấn.

Bẫy tình trên Tinder

Ở phần trước, phim kể về cô gái Camila (Carolina Miranada) làm nghề vũ công thoát y tại một hộp đêm ở Las Vegas. Để tìm kiếm người đàn ông của cuộc đời, cô quyết định sử dụng ứng dụng hẹn hò Tinder và tạo một hồ sơ hấp dẫn.

Kết quả, Camila gặp Miguel (Rodolfo Salas) - một người điển trai và tính cách gần như hoàn hảo. Nhưng thực tế, đó chỉ là lớp vỏ ngụy trang mà anh ta tạo ra để gài bẫy các cô gái. Từ đó, Camila rơi vào một mối quan hệ điên rồ và đầy nguy hiểm.

Mọi bi kịch bắt đầu khi nữ chính dùng Tinder để hẹn hò.

Mọi bi kịch bắt đầu khi nữ chính dùng Tinder để hẹn hò.

Phần hai nối tiếp 18 tháng sau nhưng nội dung hoàn toàn độc lập, khán giả chưa xem phần trước vẫn có thể nắm bắt được câu chuyện.

Lúc này, Camila chuẩn bị kết hôn với David (Lincoln Palomeque) nhưng vẫn không thể nào quên được Miguel, thậm chí đã phải bắt đầu trị liệu để cố gắng xóa hắn ta ra khỏi tâm trí. Ngược lại, Miguel cũng không chịu buông tha cho Camila mà âm thầm muốn cả hai quay lại với nhau.

Trong khi đó, có kẻ trên Tinder sử dụng nghệ danh Red Velvet của Camila để lừa đàn ông không chung thủy và sát hại họ. Tất cả tạo nên một mùa phim chồng chéo và rối rắm, kéo dài trong 10 tập.

Như tên gọi Killer Match, mùa hai không tập trung vào yếu tố “drama” gia đình như trước mà lại xoay quanh một kẻ giết người hàng loạt. Ê-kíp lồng ghép khá nhiều tình tiết giật gân, rùng rợn để câu khách, gợi nhớ các tác phẩm kinh điển của Hollywood như Fatal Attraction (1987) hay Basic Instinct (1992).

Biên kịch cũng không ngại thêm thắt nhiều nhân vật mới để mở rộng câu chuyện. Tuy nhiên, kịch bản được xây dựng khá lỏng lẻo và dễ đoán. Ngay từ những tập đầu, người xem đã có thể đoán được danh tính của kẻ giết người hàng loạt, phần nào làm giảm nhẹ sự kịch tính.

Một vài hình ảnh trong phim.

Một vài hình ảnh trong phim.

Cách xây dựng nhân vật cũng chưa hợp lý. Nữ chính Camila có tính cách khá mơ hồ và thiếu chiều sâu, đôi khi hành động không logic, khiến khán giả khó thể đồng cảm. Tương tự, Miguel cũng có nhiều hành động khó hiểu, dễ gây bực mình.

Biên kịch liên tục tạo ra các tình huống lặp đi lặp lại khiến câu chuyện dần trở nên nhàm chán, không còn giữ chân người xem ở những tập cuối.

Công thức vẫn hiệu quả

Bỏ qua phần kịch bản, điểm nhấn của Fake Profile 2 lại là những cảnh nóng táo bạo, không dành cho người xem dưới 18 tuổi.

Phải nói rằng các nhà sản xuất nắm rất rõ thị hiếu khán giả nên giữ nguyên những gia vị làm nên thành công phần đầu.

Đạo diễn liên tục lồng ghép nhiều cảnh mùi mẫn và tình huống lãng mạn để duy trì sự hấp dẫn. Thậm chí, ê-kíp còn không ngần ngại thêm vào các cảnh gợi cảm giữa các nhân vật đồng tính, nhằm mở rộng đối tượng khán giả và tăng tính đa dạng cho phim.

Tuy nhiên, một số cảnh 18+ được lồng ghép vô tội vạ, không đóng vai trò thúc đẩy cốt truyện mà chỉ mang tính “câu view”, lôi kéo sự chú ý của khán giả. Điều này có thể khiến nhiều người xem cảm thấy thích thú nhưng cũng có người dễ bị “bội thực”.

Fake Profile 2 vẫn có nhiều cảnh nóng chủ yếu để câu khách.

Fake Profile 2 vẫn có nhiều cảnh nóng chủ yếu để câu khách.

Fake Profile không phải là series duy nhất trên Netflix có nhiều nội dung khiêu gợi và cảnh quay táo bạo, dán nhãn 18+. Trước đó, các series như Dark Desire (2020), Sex/Life (2021) hay bộ ba phim 365 Days(2020), 365 Days: This Day (2022) và The Next 365 Days (2022) cũng đi theo công thức tương tự.

Các tác phẩm này không quá chú trọng nội dung mà chỉ tập trung vào yếu tố gợi cảm, mối quan hệ tình ái và những cảnh quay gợi dục nhằm thu hút khán giả. Đơn cử, The Next 365 Days từng bị chê bai thậm tệ nhưng vẫn lọt vào top 10 bảng xếp hạng các phim điện ảnh ăn khách nhất của Netflix tại nhiều quốc gia.

Khi ra mắt, Fake Profile 2 cũng bị giới phê bình chê tơi tả và nhanh chóng gây chia rẽ khán giả. Nhiều người vẫn cho rằng phim khá giải trí, diễn xuất của nữ chính Carolina Miranada và bối cảnh Colombia giúp câu chuyện hấp dẫn hơn.

Song, chất lượng phim giảm sút so với phần đầu là điều thấy rõ. Nhiều bình luận thẳng thừng chê phim là “rác”, “rẻ tiền” hay “vô hồn”. Hầu như họ không thể chấp nhận cách Netflix kéo dài một câu chuyện đơn giản thành hai mùa phim với 20 tập.

Trước nay Netflix nổi tiếng là sẵn sàng rót tiền cho các series miễn là có người xem. Điển hình, Emily in Paris bị nhiều người chê bai vì chất lượng giảm sút nhưng vẫn được "bật đèn" để thực hiện mùa thứ năm.

Đáng tiếc, Fake Profile 2 lại chưa tạo được hiệu ứng quá tốt tại Việt Nam, bị nhiều phim Trung, Hàn đè bẹp và không lọt nổi vào top 10.

Minh Nhật

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bay-tinh-tren-tinder-post1711087.tpo