Bẫy ảnh giữa đại ngàn

Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (Nghệ An) có diện tích gần 46.500 ha, trong đó hơn 40.150 ha rừng đặc dụng, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9/2007.

Những năm qua, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đã tăng cường áp dụng công nghệ bẫy ảnh để điều tra, giám sát, đánh giá một cách chính xác nguồn tài nguyên đa dạng sinh học, từ đó có những giải pháp tích cực, hữu hiệu trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học trong khu bảo tồn.

Vất vả xuyên vùng lõi đại ngàn

Hành trình tiếp cận những tọa độ đặt bẫy ảnh trong các Tiểu khu 729, 730 giữa đại ngàn Pù Huống. Lực lượng kiểm lâm Trạm Quản lý bảo vệ rừng Bình Chuẩn (Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống) và người dân trong bản cùng tham gia phải vất vả đi bộ luồn rừng, lội suối, leo qua những vách đá, vượt thác.

Sau hành trình di chuyển nhiều giờ đồng hồ, chúng tôi đã vào sâu trong vùng lõi đại ngàn. Tiếp cận được tọa độ đặt bẫy ảnh, mọi người nhanh chóng phát dọn sạch lớp cây bụi, thực bì, tạo khoảng trống từ 6 đến 10m2 trước thân cây đặt bẫy ảnh.

Anh Nguyễn Chí Việt, Phó trạm Trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Bình Chuẩn cho biết, phải dọn sạch như vậy để đảm bảo có trường ảnh và ánh sáng tốt, tránh trường hợp bẫy ảnh tự động chụp cây cối khi có gió tác động. Sau khi đặt bẫy ảnh xong, phải mất từ 2 đến 3 tháng mới quay lại thu bẫy ảnh nên đòi hỏi khoảng trống phía trước bẫy ảnh không có cây con mọc lên che khuất phạm vi hoạt động của máy bẫy ảnh. Để lắp đặt hoàn chỉnh được một bẫy ảnh phải thực hiện nhiều bước và mất khá nhiều thời gian.

Vị trí để cố định bẫy ảnh phải tạo lập chắc chắn trên thân cây thẳng, độ cao cách mặt đất từ 20 đến 60 cm. Thân cây không có dây leo, mối mọt. Bẫy ảnh thiết lập theo phương thẳng đứng, mắt camera của bẫy ảnh phải tránh hướng mặt trời mọc và lặn để các bức ảnh được chụp không bị ngược sáng. Dưới mỗi thân cây đặt bẫy ảnh được xếp rải một lớp cành cây để tránh bùn, đất bắn lên khi trời mưa không ảnh hưởng đến thiết bị bẫy ảnh cũng như chất lượng hình ảnh khi bẫy ảnh hoạt động.

Cũng theo Phó trạm Trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Bình Chuẩn Nguyễn Chí Việt, bẫy ảnh hoạt động thông qua cảm biến thân nhiệt. Khi ổn định chắc chắn bẫy ảnh trên thân cây, cán bộ kiểm lâm sẽ thử và kiểm tra tính năng hoạt động của máy bẫy ảnh bằng cách di chuyển ở các khoảng cách từ 3 đến 7m. Khi máy hoạt động ổn định, cho hình ảnh tốt, kiểm lâm viên sẽ đánh số ký hiệu máy bẫy ảnh, ghi chép đầy đủ các thông tin về thời gian; sử dụng hệ thống định vị xác định tọa độ nơi đặt bẫy ảnh để giám sát, theo dõi, tránh thất lạc khi đi thu máy. Cuối cùng là rải mồi nhử cùng chất dẫn dụ tại khu vực xung quanh đặt bẫy ảnh trước khi rời đi đến một điểm đặt bẫy ảnh khác.

Theo ông Nguyễn Tống Phi, Trạm Trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Bình Chuẩn, từ tháng 11/2024, Trạm thực hiện cài đặt 23 bẫy ảnh trong 5 tiểu khu với diện tích gần 7.000 ha. Những chuyến đi rừng cài đặt bẫy ảnh mất thời gian từ 3 đến 10 ngày. Lực lượng kiểm lâm của Trạm phải chia thành các tổ, đi bộ vượt qua hàng chục khe suối, leo vách đá, vượt thác để tiếp cận đúng vị trí bẫy ảnh. Trong rừng sâu, việc ăn uống, sinh hoạt đối với các thành viên trong tổ có những vất vả riêng. Ngoài các vật dụng phục vụ công tác chuyên môn, các thành viên phải mang theo đồ đạc sinh hoạt cần thiết như chăn màn, thuốc men, sạc pin dự phòng, dao phát, lương thực, thực phẩm, xoong nồi.

“Những vị trí cài đặt bẫy ảnh có tọa độ được định sẵn. Để đến được chính xác vị trí tọa độ đặt bẫy ảnh, chúng tôi phải “cắt” rừng, trèo đèo, lội suối mà di chuyển. Vào dịp cuối năm, việc đi rừng càng vất vả hơn bởi thời tiết trong rừng rất lạnh. Có những chuyến đi kéo dài cả tuần trong rừng sâu, chúng tôi phải cần đến sự hỗ trợ tiếp tế từ các đoàn khác để tiếp tục nhiệm vụ”, Trạm Trưởng Nguyễn Tống Phi chia sẻ.

Góp phần đánh giá chính xác mức độ đa dạng sinh học

Diện tích trải rộng trên 120 bản, thuộc 15 xã của 5 huyện miền núi tỉnh Nghệ An, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống là một trong ba vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, là hành lang xanh kết nối với Vườn quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt tạo nên sự liên tục về môi trường và sinh cảnh, được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9/2007.

Không chỉ có giá trị đa dạng sinh học cao, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống còn là một trong những khu rừng phòng hộ xung yếu cho lưu vực sông Cả và sông Hiếu. Đây là một kho tàng về đa dạng sinh học, lưu giữ các nguồn gen của nhiều loài động, thực vật quý hiếm và đặc hữu như: pơ mu, sa mu dầu, bách xanh, lan kim tuyến, voọc xám, vượn má trắng, gà lôi vằn, mang lớn… Tại đây có gần 570 loài động vật, trong đó có 69 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, 51 loài nằm trong Danh lục đỏ IUCN 2020 và 36 loài nằm trong công ước CITES; có hơn 1.800 loài thực vật, trong đó có 76 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 15 loài nằm trong Danh lục đỏ IUCN 2020…

Ông Võ Minh Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống cho biết, Khu bảo tồn có tính đa dạng sinh học rất cao với nhiều cảnh rừng nguyên sinh, hệ sinh thái động, thực vật phong phú; trong đó có nhiều loài động, thực vật nguy cấp và quý hiếm. Những năm qua, việc triển khai đặt bẫy ảnh để điều tra, giám sát, đánh giá chính xác nguồn tài nguyên rừng là nhiệm vụ luôn được Ban Quản lý chú trọng thực hiện. Bẫy ảnh là phương pháp hiện đại trong thực hiện giám sát đa dạng sinh học, giúp quan sát vị trí không gian sống và hành vi của các cá thể động vật quý hiếm trong tự nhiên, từ đó đánh giá được chuẩn xác, hiệu quả rõ nhất mức độ đa dạng sinh học ở các khu vực rừng núi xa xôi khó tiếp cận.

Thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu đa dạng sinh học giữa Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống với Viện Công nghệ Hóa, Sinh và Môi trường (Đại học Vinh) và Sở thú San Diego (California, Hoa Kỳ), trong 2 tháng 11 và 12/2024, lực lượng kiểm lâm tại 7 trạm quản lý, bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý Khu Bảo tồn cùng cán bộ, nhân viên Viện Công nghệ Hóa, Sinh và Môi trường đã cài đặt 200 máy bẫy ảnh. Đây là đợt đặt bẫy ảnh có quy mô, diện tích và số lượng bẫy ảnh lớn nhất từ trước đến nay trong Khu bảo tồn. Dự kiến vào đầu tháng 4/2024, Ban Quản lý Khu Bảo tồn sẽ tiến hành thu các bẫy ảnh.

“Đợt đặt bẫy ảnh này hứa hẹn sẽ thu nhận được nhiều hình ảnh, thông tin mới lạ, tích cực, có giá trị về các loài, hệ động vật quý, hiếm tại các sinh cảnh rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Thông qua hình ảnh mà các bẫy ảnh ghi nhận, chúng tôi sẽ có các giải pháp thực hiện bảo vệ sinh cảnh, bảo vệ các loại động vật để chúng ngày càng phát triển, sinh sôi, tăng tính đa dạng sinh học cho Khu bảo tồn”, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống Võ Minh Sơn chia sẻ.

Hải An - Xuân Tiến (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/bay-anh-giua-dai-ngan-20250108123804461.htm