'Báu vật' trong bể xi măng sau nhà tỷ phú miền Tây
Người đàn ông ở Cần Thơ thu gần 1 tỷ mỗi năm nhờ vào mô hình nuôi cua đinh trong bể xi măng sau nhà.
Xem clip:
Trưa giữa tháng 9, anh Trần Minh Quan (42 tuổi, ngụ huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) tháo nước bể xi măng để kiểm tra 200 con cua đinh bố mẹ (mỗi con nặng từ 20 -25kg/con) phát triển thế nào sau đợt sinh sản.
Trang trại cua đinh của anh Quan rộng hơn 1.000m2. Anh Quan được xem là một trong những người đầu tiên nuôi cua đinh của Cần Thơ.
Anh Quan kể, trước đây anh nuôi ba ba. Tuy vậy, sau 4 năm nuôi, anh thấy nuôi ba ba không được như mong muốn khi bỏ nhiều công sức, chí phí cao mà thu nhập vẫn thấp.
Đến đầu năm 2012, sau nhiều lần theo dõi, nghiên cứu mô hình nuôi cua đinh ở miền Tây, anh Quan quyết định đầu tư vốn vào nuôi con vật này. Cua đinh (hay còn gọi là ba ba Nam Bộ), là loài vật được nhiều nông dân ở miền Tây nuôi vì cho thu nhập khá cao.
“Cua đinh có ngoại hình giống ba ba, nhưng dễ nuôi, giá trị kinh tế cao hơn”, anh Quan nói về con cua đinh.
Anh Quan được người chú giới thiệu nuôi cua đinh. Sau đó, anh quyết định mua 100 con giống về nuôi trong bể xi măng rộng 100m2.
“Giá cua đinh giống lúc đó là 500.000 đồng/con. Vợ chồng tôi vét hết tiền bạc trong nhà và vay thêm để đầu tư nuôi cua đinh. Nói thật lúc đó cũng run lắm, không biết nuôi cua đinh có thành công hay không”, anh nông dân chia sẻ.
Khi cua lớn, anh tách chúng ra nuôi trong nhiều bể xi măng. Sau 3 năm nuôi, cua đinh đạt trọng lượng khoảng 6kg/con, lúc này chúng bắt đầu sinh sản nên anh Quan quyết định nhân rộng mô hình. Anh Quan chủ yếu nuôi cua đinh sinh sản trong bể xi măng và bán cua đinh giống.
Đối với cua đinh sinh sản, anh thả trong từng bể, mỗi bể 3 con cái, 1 con đực.
“Mỗi năm cua đinh đẻ từ 3-4 lứa, mỗi lứa từ 15-18 trứng. Chúng đẻ trứng trong hộc cát; tôi phải mang vào nhà ấp trong 105 ngày thì nở, tỷ lệ đạt trên 90%", anh Quan nói.
Thay vì làm bể xi măng xây trên mặt đất, anh Quan đào hầm cho cua đinh ở rồi xây từng bể để cua đinh sinh sản. Cách thiết kế trang trại khá giống ao nuôi cá nhưng toàn bộ đều xây bằng bê tông kiên cố để ngăn cua đinh đào hang chui đi.
“Xây bể theo cách này để tiết kiệm công thay nước. Điểm đáng lưu ý là mực nước trong bể cao khoảng 7 tấc. Nhờ dòng nước lên xuống mà nước trong bể luôn được làm sạch tự nhiên, cua ít nấm bệnh”, anh nói.
Anh Quan nói thêm, cua đinh ít ăn; thức ăn chủ yếu là ruột vịt, cá vụn.
Nhờ đảm bảo kỹ thuật trong quá trình nuôi, mỗi năm, anh Quan bán ra thị trường 1.800 con cua đinh giống với giá 400.000 đồng/con; cua thịt giá từ 600.000 nghìn đồng/kg.
Trừ hết chi phí, thu nhập từ cua đinh của anh Quan khoảng 800 triệu đồng/năm.