Bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phải đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, kế hoạch yêu cầu cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phải đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm; bầu đủ số lượng ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp theo quy định của pháp luật…

Sáng 21/1, tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội đã diễn Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc - thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã trình bày Kế hoạch Triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN).

Kế hoạch yêu cầu cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phải đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm; bầu đủ số lượng ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp theo quy định của pháp luật; đại biểu được bầu có chất lượng, với cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Đảm bảo sự đồng bộ trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Về thành lập Ủy ban bầu cử, kế hoạch nêu rõ, Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, thành phố có từ 21 – 31 thành viên, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại diện thường trực HĐND, UBND, Ủy MTTQ Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan. Ủy ban bầu cử cấp huyện, Ủy ban bầu cử cấp xã có từ 9 – 11 thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại diện thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan. Thời hạn quyết định thành lập Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, thành phố và cấp huyện, xã chậm nhất là ngày 7/2/2021.

Đối với Ban bầu cử ĐBQH, UBND cấp tỉnh sau khi thống nhất với thường trực HĐND và Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử một Ban bầu cử ĐBQH có từ 9 – 15 thành viên để thực hiện công tác bầu cử ĐBQH gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và các Ủy viên là đại diện thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Ban bầu cử đại biểu HĐND được thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử, gồm đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội. Thành phần Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã có thêm đại diện cử tri ở địa phương.

Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh có 11 – 13 thành viên; Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện có 9 – 11 thành viên; Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã có 7 – 9 thành viên. Ban bầu cử gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và các Ủy viên.

Thời hạn quyết định thành lập Ban bầu cử ĐBQH và Ban bầu cử đại biểu HĐND các cấp chậm nhất là ngày 14/3/2021.

Theo kế hoạch, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 23/5/2021.

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/bau-cu-dbqh-khoa-xv-va-bau-cu-dai-bieu-hdnd-cac-cap-nhiem-ky-2021-2026-phai-dam-bao-dan-chu-dung-phap-luat-an-toan-tiet-kiem-2021012110465393.htm