Bắt nhịp sản xuất ngay đầu năm mới

Ngay từ những ngày đầu năm mới 2024, khí thế thi đua lao động sản xuất trên các công trường, nhà máy, đồng ruộng diễn ra tưng bừng, rộn rã. Sự bắt nhịp sản xuất ngay đầu năm mới tạo động lực để các địa phương, đơn vị, người dân giành thắng lợi trong sản xuất, hoàn thành mục tiêu kế hoạch đặt ra.

Công nhân Nhà máy may số 6, Chi nhánh Công ty CP May Sông Hồng, huyện Yên Lập tích cực sản xuất ngay từ đầu năm mới.

Khí thế thi đua, khởi đầu tích cực

Năm 2023, tuy phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song nhờ phát huy tốt các lợi thế sẵn có, kết hợp với các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cơ bản vẫn duy trì sự ổn định, đảm bảo việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với kỳ vọng một năm mới sản xuất, kinh doanh hiệu quả, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt tay vào sản xuất, thực hiện các đơn hàng theo hợp đồng ngay từ đầu năm. Mỗi doanh nghiệp đều đặt ra những mục tiêu phấn đấu, cùng nhau đoàn kết, thi đua sản xuất, kinh doanh. Khí thế làm việc sôi động tại các doanh nghiệp trên toàn tỉnh thể hiện tinh thần nỗ lực khai thác các dư địa phục hồi và tăng trưởng của năm trước. Theo kết quả điều tra, dự báo của Cục Thống kê tỉnh về xu hướng sản xuất, kinh doanh quý I/2024 so với quý IV/2023, của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành chiếm trên 90% tỉ trọng ngành công nghiệp) trên địa bàn tỉnh có gần 75% số doanh nghiệp dự báo có đơn hàng tăng và giữ ổn định, trên 70% doanh nghiệp dự báo có số đơn hàng xuất khẩu mới tăng và giữ ổn định.

Mỗi doanh nghiệp đều nỗ lực, có chiến lược riêng để duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng. Chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết và sản phẩm chè phục vụ thị trường trong nước, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Trà UT, xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba tăng tốc sản xuất. Chị Lê Thị Hồng Phương - Giám đốc Công ty cho biết: “Hiện nay Công ty có ba dòng sản phẩm chủ lực là chè xanh, chè Ô long, chè búp tím chất lượng cao. Sản lượng xuất khẩu của Công ty khoảng hơn 1.000 tấn chè thành phẩm/năm vào thị trường các nước Trung Đông, Anh, Đức, Đài Loan (Trung Quốc). Điều mà chúng tôi rất phấn khởi là sản phẩm chè búp tím của Công ty đạt tiêu chuẩn OCOP bốn sao cấp tỉnh và đang đề nghị chứng nhận OCOP năm sao. Bước vào năm mới, doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị từ sớm về đơn hàng, nguồn nguyên liệu, về tổ chức vận hành sản xuất. Trước mắt, chúng tôi nỗ lực hoàn thành đơn hàng để chuẩn bị cho đợt nghỉ Tết sắp tới”.

Cùng với đẩy mạnh sản xuất, các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm được nhiều doanh nghiệp triển khai ngay từ đầu năm. Tại Công ty CP LCD Phú Thọ, xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng chuyên gia công linh kiện điện tử phục vụ xuất khẩu với sản lượng bình quân trên 500.000 sản phẩm/tháng, anh Mai Quý Đạt - Giám đốc Công ty cho biết: “Dự báo tình hình kinh tế năm 2024, vẫn chưa hết khó khăn nhưng chúng tôi hy vọng với sự nỗ lực tìm kiếm thị trường, linh hoạt trong kế hoạch sản xuất, Công ty sẽ gặt hái được thành quả. Để người lao động gắn bó, yên tâm sản xuất, đóng góp vào thành công của doanh nghiệp, chúng tôi chú trọng tạo dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, quan tâm đến đời sống người lao động. Một môi trường làm việc tốt sẽ giúp người lao động tăng năng suất, hiệu quả lao động, ý thức hơn về trách nhiệm, cùng thi đua sản xuất. Thời gian tới, Công ty sẽ dành nguồn lực thỏa đáng để đổi mới mô hình sản xuất gắn với chuyển đổi số, đầu tư nhiều hơn cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Những đơn hàng đầu tiên được ký kết và xuất bán thuận lợi, người lao động làm việc với tinh thần trách nhiệm cao là sự khởi đầu thuận lợi cùng hy vọng một năm thành công của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Không chỉ ở nhà máy, phân xưởng mà trên đồng ruộng, những người nông dân cũng hăng hái thi đua lao động sản xuất, chuẩn bị cho vụ mới.

Nông dân xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy khẩn trương gieo cấy trà Xuân sớm tránh lũ tiểu mãn.

Nông dân bắt tay vào vụ mới

Những ngày đầu năm, ở hầu hết các địa phương, bà con nhanh chóng xuống đồng, huy động tối đa các loại phương tiện, máy móc, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ làm đất, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị gieo cấy vụ Xuân. Trên những cánh đồng, không khí sản xuất hết sức khẩn trương để kịp thời vụ.

Năm 2023, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai diễn biến khó lường đã tác động đến sản xuất. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự chỉ đạo quyết liệt của ngành Nông nghiệp và PTNT, bà con nông dân trên toàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa... nhờ đó, các vụ trong năm đều giành được thắng lợi.

Bước sang năm 2024, ngành Nông nghiệp và PTNT đặt mục tiêu giành thắng lợi ngay từ vụ đầu, làm tiền đề cho các vụ tiếp theo. Theo kế hoạch, vụ Xuân năm nay toàn tỉnh sẽ gieo cấy 35.300ha lúa. Để bảo đảm cho lúa sinh trưởng tốt, tránh rét đậm, rét hại, cơ cấu trà Xuân được gieo cấy chủ yếu là trà Xuân muộn (chiếm trên 98% tổng diện tích) gieo cấy bắt đầu từ hạ tuần tháng 1 cho đến cuối tháng 2 năm 2024. Bên cạnh cây lúa, trong vụ Xuân toàn tỉnh cũng sẽ gieo trồng khoảng 5.200ha ngô và 4.800ha rau xanh các loại.

Tập trung cho vụ sản xuất đầu tiên của năm mới, bà con nông dân trong toàn tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây vụ Đông, làm đất để gieo cấy, gieo trồng vụ Xuân. Đến nay, toàn tỉnh hiện đã thực hiện làm đất được trên 13.000ha, xuống giống được hơn 110 tấn thóc giống phục vụ gieo cấy trà Xuân sớm. Cùng với làm đất, bà con nông dân tập trung vệ sinh, chỉnh trang đồng ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa.

Ông Nguyễn Trọng Luyện - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Thủy cho biết: “Vụ Xuân thường bị ảnh hưởng rét đậm, rét hại và nguy cơ khô hạn vào đầu vụ. Vì vậy, để hạn chế đến mức tối đa thiệt hại do thời tiết gây ra, huyện đã yêu cầu các địa phương tuyên truyền để bà con thực hiện sản xuất bám sát theo lịch được ban hành. Bên cạnh sản xuất vụ Xuân theo kế hoạch, huyện cũng vận động bà con tập trung chăm sóc rau xanh, hoa, vật nuôi, đảm bảo cung ứng cho thị trường trong dịp Tết cổ truyền sắp tới”.

Ngành Nông nghiệp và PTNT cũng đề nghị các huyện, thành, thị chỉ đạo các địa phương khuyến cáo bà con nông dân thu hoạch cây vụ Đông đến thời điểm thu hoạch. UBND các huyện, thành, thị đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất bám sát khung lịch thời vụ của tỉnh, yêu cầu các đơn vị chuyên môn cung ứng đầy đủ giống, vật tư theo đăng ký của bà con. Đồng thời chỉ đạo các địa phương tích trữ nước, nạo vét khơi thông hệ thống kênh mương, cửa khẩu; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; kịp thời lấy nước sản xuất, đặc biệt là khi các hồ thủy điện xả nước phục vụ sản xuất.

Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chia sẻ: “Trên cơ sở chủ trương, định hướng của tỉnh, các địa phương cần bám sát tình hình sản xuất để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, phù hợp với thực tế, cấy hết diện tích theo kế hoạch và khung lịch thời vụ đã ban hành. Tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất hàng hóa đối với các loại cây trồng có lợi thế, đẩy mạnh việc rà soát cấp mã số vùng trồng. Khuyến khích các hộ sản xuất theo các tiêu chuẩn như GAP, hữu cơ... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết với bà con nông dân trong sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản”.

Sự nỗ lực, khí thế thi đua lao động sôi nổi ở các khu vực sản xuất đã mang đến niềm tin và kỳ vọng vào một năm mới thắng lợi, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới 2024.

Nguyễn Huế - Hùng Cường

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/bat-nhip-san-xuat-ngay-dau-nam-moi/204724.htm