Bất ngờ hành động triệu người làm như một thói quen lại bị cấm kỵ trên bàn ăn người Nhật
Những quy tắc ăn uống của người Nhật giúp cho họ luôn có những bữa ăn gọn gàng, lịch sự. Nhưng đối với những người nước ngoài, đôi khi đó sẽ là sự khắt khe và hơi nghiêm khắc!
Với nhiều người việc tay phải cầm đũa, cầm thìa dĩa, tay trái như bản năng dùng dơ ra đỡ lấy thức ăn rơi là một hành động bình thường, một thói quen đã định hình in hằn nếp sâu trong não. Nhưng với người Nhật, việc sử dụng tay trái để đỡ thức ăn rơi hay nước là một hành động không đẹp mắt. Mặc dù hành động này có thể tránh việc thức ăn rơi gây ra những vết bẩn không đáng có trên áo quần hoặc khăn trải bàn nhưng đó thực sự là một thói quen ăn uống nên tránh khi dùng bữa kiểu Nhật.
Là một đất nước tôn trọng quy tắc và luật lệ, người ở xứ sở Hoa Anh Đào có những quy định riêng trong mỗi bữa ăn. Những quy tắc ăn uống của người Nhật thể hiện sự quy củ, nghiêm túc không chỉ trong công việc, mà ở cả cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của con người nơi đây.
Sự khó tính của người Nhật thể hiện rất rõ trong những ứng xử trên bàn ăn. Ngoài điều cấm kỵ đó còn có những điều khác mà bạn cần phải biết để có những ứng xử đúng đắn, chính xác và văn minh khi dùng cơm với người Nhật.
Không cùng gắp một miếng thức ăn
Việc 2 người cùng gắp 1 miếng thức ăn trong đĩa được xem là tối kỵ, bởi người Nhật luôn tránh để hai đôi đũa tiếp xúc trực tiếp trong lúc thưởng thức bữa ăn. Lý do là vì trong truyền thống lễ an táng của người Nhật, sau khi hỏa táng, theo phong tục xương của người chết sẽ được người trong gia đình chuyền từ đôi đũa này sang đôi khác. Chính vì thế, mà họ coi đây là hành động tối kỵ trong cuộc sống hàng ngày.
Không dùng đũa kéo các đĩa thức ăn
Dùng đũa kéo các chén (đĩa) thức ăn ở phía xa về phía mình, hoặc đẩy đĩa thức ăn ra xa. Không chỉ là hành động khó coi, việc làm này còn có thể làm xước, hư hỏng chén đĩa và bàn ăn. Cách làm đúng trong trường hợp này là dùng tay nhấc hẳn đĩa thức ăn lên rồi di chuyển đến nơi khác.
Không lật ngược nắp bát
Lật ngược nắp bát là dấu hiệu khiến nhiều người hiểu lầm rằng bạn đã dùng xong bát. Do vậy hãy để nắp bát như khi chúng được người phục vụ mang ra bàn. Thêm một nguyên nhân khác nên tránh làm điều này vì rất có thể bạn sẽ làm hỏng chiếc nắp khi úp ngược chúng lại.
Không cắm đôi đũa thẳng đứng trên chén cơm
Đây là hình ảnh chỉ có trên bàn cơm cúng vong linh người chết theo nghi thức Phật giáo. Do đó hình ảnh này không được phép xuất hiện trong bữa ăn. Đôi đũa Nhật Bản có nhiều thứ “đi kèm” và người dùng bữa ngoài nắm được cách ăn bằng đũa và cách hành xử sao cho đúng khi dùng bữa còn cần phải biết cách sử dụng những vật dụng này cho đúng đắn.
Không cầm đũa trước khi nhấc bát lên
Khi tham gia một bữa ăn Nhật, bạn hãy lưu ý nhấc bát ăn trước khi cầm đũa. Nếu muốn chuyển sang bát khác thì hãy đặt đũa xuống, sau đó mới đổi bát. Chỉ sau khi nhấc bát, bạn mới được phép cầm lại đũa.
Phải đảo đầu đũa khi gắp thức ăn từ đĩa chung
Do đầu đũa đó là nơi bạn đặt tay nên thực chất không sạch và không nên dùng để gắp thức ăn. Nếu muốn gắp thức ăn bằng đũa sạch hãy hỏi người phục vụ để lấy thêm một đôi đũa mới.
Không giơ đồ ăn lên cao quá miệng
Khi ăn uống, phong thái dùng đồ ăn rất quan trọng và được đánh giá khắt khe với con người ở xứ sở Mặt trời mọc này. Trong bữa ăn, việc giơ đồ ăn lên cao quá miệng bị coi là bất lịch sự. Do vậy, mà bạn cần phải hết sức cẩn trọng khi gắp đồ ăn, tránh khua khoắng hay giơ đồ ăn lên cao trong bữa ăn.
Không đặt đũa lên trên bát
Đây là một thói quen rất phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên lại là điều cấm kỵ khi ăn ở Nhật Bản. Nếu muốn đặt đũa xuống, bạn phải dùng gác đũa. Nếu không có, bạn phải bọc đũa trong tờ giấy quấn đũa ban đầu và đặt xuống trên bàn.
Ngoài ra trong quá trình ăn uống, bạn cũng cần biết các quy tắc ngầm để luôn trở thành một vị khách dễ chịu, có văn hóa trên bàn ăn.
Cách lên bàn ăn và tìm chỗ ngồi
Nhiều nhà hàng Nhật có các bàn thấp và nệm ngồi trên chiếu Tatami thay vì bàn ăn kiểu phương Tây. Bạn phải khoanh chân, ngồi bệt và không được ngồi ở vị trí đầu bàn nếu như bạn không phải người lớn tuổi nhất hoặc chủ nhà. Bạn phải cởi giày và dép trước khi bước lên chiếu, tránh giẫm lên nệm của người khác.
Đầu tiên, bạn hãy ngồi theo sự hướng dẫn của người phụ trách, người đi trước hoặc của lãnh đạo. Trường hợp được mời ăn tại gia đình, bạn nên ngồi sau khi chủ nhà hoặc vợ chủ nhà nói “Hãy ngồi vào chỗ này”. Khi được ngồi vào vị trí nào đó, bạn hãy nói “tôi xin phép và ngồi vào vị trí như đã được mời” và ngồi vào vị trí được chỉ định, không được phản đối. Nếu bạn không được hướng dẫn ngồi vào một vị trí cụ thể thì hãy đợi và ngồi vào vị trí cuối cùng!
Trước khi ăn
Trước bữa ăn, mọi người phải đợi người phụ trách, lãnh đạo,… uống trước. Đặc biệt lưu ý là không được uống một mình. Mọi người sẽ cùng cạn chén sau khi người phụ trách nói tất cả mọi người “cạn chén” hoặc “xin cảm ơn tất cả mọi người “!
Người Nhật thường nói lời cảm ơn những thực vật và động vật đã đánh đổi mạng sống của mình đem đến một bữa ăn ngon. Đây cũng là lời biết ơn tới những người săn bắt, hay người nông dân đã mất công mất sức để góp phần tạo ra được bữa ăn này.
Trong khi ăn
Bạn không được cắn đôi thức ăn. Việc cắn đồ ăn thành nhiều miếng được coi là bất lịch sự tại Nhật Bản. Người Nhật hạn chế tối đa việc đặt một đồ ăn nào đó còn dang dở trên đĩa. Do vậy hãy cố gắng ăn mọi thứ chỉ bằng một miếng, trừ khi miếng đồ ăn quá lớn thì hãy dùng tay che miệng lại.
Bạn cũng nên ăn hết thức ăn của mình. Tại Nhật, người ta coi đó là phí phạm, thậm chí là không tôn trọng người nấu nếu không ăn hết đồ ăn còn trên đĩa. Bạn cần phải ăn hết số thức ăn trên đĩa của mình. Bởi có những thứ đã phải từ bỏ sự sống của mình vì bữa ăn của bạn, nếu bạn bỏ phí tức là bạn không coi trọng điều đó. Vì vậy một khi bạn đã gọi thì nên ăn hết thức ăn. Còn trong trường hợp nếu không ăn hết bạn có thể gói mang về một cách thoải mái.
Sau khi ăn xong
Bạn không nên bày bừa bát đũa trên bàn khi đã kết thúc việc ăn uống của mình. Sau khi ăn xong, bạn cần xếp bát đũa lại theo trật tự ban đầu như lúc đồ ăn được dọn ra, úp lại nắp các bát, đặt đũa lên thanh gác đũa hoặc giấy bao. Người Nhật kết thúc bữa ăn với câu “cảm ơn vì bữa ăn”, thể hiện sự trân trọng không chỉ với đầu bếp mà còn với các nguyên liệu chế biến ra món ăn.