Bật mí đội hình chèo ghe trong chương trình 'Dòng sông kể chuyện'

Đội hình chèo ghe tại chương trình 'Dòng sông kể chuyện' thu hút sự quan tâm của khán giả bởi hình ảnh thân thuộc, dễ mến của vùng đất phương Nam.

Tối 6-8, chương trình Dòng sông kể chuyện đã diễn ra tại Cảng Sài Gòn và cũng chính thức khép lại Lễ hội sông nước TP.HCM lần 1 năm 2023.

Chương trình quy tụ gần 700 diễn viên chia thành 3 tốp không chuyên, bán chuyên và chuyên nghiệp. Chương trình còn có sự tham gia của những nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú, các nghệ sĩ cải lương, ca sĩ trẻ.

Chương "Trên bến dưới thuyền" của chương trình "Dòng sông kể chuyện"

Chương "Trên bến dưới thuyền" của chương trình "Dòng sông kể chuyện"

Bên cạnh đó, chương trình còn huy động gần 100 chiếc ghe xuất hiện trong các chương của show diễn.

Trong số 5 chương của chương trình gồm Khởi thủy- khẩn hoang, Xây thành- mở cõi, Trên bến dưới thuyền, Thương cảng phồn vinh đến Rực rỡ thành phố bên sông thì chương Trên bến dưới thuyền đã khiến nhiều khán giả nao lòng với hình ghe thuyền, câu hò, điệu lý... và đội hình diễn viên chèo thuyền trong chương này nhận được sự quan tâm của khán giả.

"Linh hồn Nam Bộ tụ hội về đây"

Theo dòng chảy lịch sử, vùng đất Gia Định được thành lập bởi chúa Nguyễn Phúc Chu vào năm 1968. Từ đó, nơi đây đã trở thành vùng đất màu mỡ, phát triển kinh tế, xã hội gắn liền với con sông Sài Gòn.

Không gian "Trên bến dưới thuyền" được tái hiện trong chương trình

Không gian "Trên bến dưới thuyền" được tái hiện trong chương trình

Một đô thị sông nước giúp cho nơi đây giao thương buôn bán trên thuyền từ đó không gian Trên bến dưới thuyền được hình thành và gắn sâu vào trong ký ức của mỗi người dân. Và không gian Trên bến dưới thuyền đã trở thành một điểm nhấn đáng nhớ níu chân du khách đến với vùng đất này.

Trong chương trình Dòng sông kể chuyện, dù chỉ là một lát cắt nhỏ nhưng chương Trên bến dưới thuyền đã thực sự thể hiện hết cái hồn của Nam Bộ, của vùng đất phương Nam bằng những câu hò, con thuyền, chiếc ghe...

Mở màn với câu ca dao "Nhà bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định Đồng Nai thì về", một vùng đất sông nước hiện ra trong mắt du khách khán giả và khiến họ nao lòng hơn khi hình ảnh những chiếc ghe, thuyền chở những hàng bông, hàng hóa giao thương trên sông kèm theo đó là câu hò của người nghệ sĩ khiến cho những con người gắn liền với mảnh đất Nam Bộ "ngồi trên quê hương nhớ quê hương" của mình.

Từng câu hò, điệu lý cùng hình ảnh quen thuộc khiến người xem nao lòng

Từng câu hò, điệu lý cùng hình ảnh quen thuộc khiến người xem nao lòng

Chia sẻ với PLO, Mai Chi (TP.HCM) cho biết: "Thực sự xem hết 5 chương của show nghệ thuật này em thích nhất chương "Trên bến dưới thuyền" và khi xem chương đó em thực sự nổi gai ốc.

Không chỉ là câu hò, giọng đọc của MC của những nghệ sĩ quá hay mà còn là hình ảnh thân thương của vùng đất phương Nam này khi bé em được xem qua tivi, đọc qua sách vở, có thể nói chỉ trong vài phút dường như câu chuyện đã đem đến cho người xem thấy được hết cái hồn của vùng đất thân thương này".

Đội hình chèo ghe chuyên nghiệp từ Cái Bè, Tiền Giang

Gặp chúng tôi sau khi tổng duyệt chương trình Dòng sông kể chuyện, chị Thúy Hằng (48 tuổi), một trong số diễn viên chèo ghe trong chương trình cho biết toàn bộ diễn viên trong đoàn là các thành viên của đoàn chèo thuyền, ghe chở khách du lịch đến từ Cái Bè (Tiền Giang).

Các diễn viên chèo thuyền trong giờ nghỉ ngơi sau tập luyện

Các diễn viên chèo thuyền trong giờ nghỉ ngơi sau tập luyện

"Chúng tôi bắt đầu lên đây tập luyện đã được 3 tuần. Bình thường một ngày tập luyện bắt đầu từ 4h chiều đến 1h sáng mới theo xe của đoàn đã chuẩn bị sẵn về lại Tiền Giang.

Sáng 8h chúng tôi đi làm công việc của mình đến 11-12h là về nhà cơm nước, nghỉ ngơi chuẩn bị cơm tối đem theo rồi theo xe của đoàn lên đây tập luyện"- chị Hằng chia sẻ.

Từng hàng ghe bông xếp hàng trên dòng sông SG, nét đặc trưng của vùng đất phương Nam

Từng hàng ghe bông xếp hàng trên dòng sông SG, nét đặc trưng của vùng đất phương Nam

Theo chị Hằng, đoàn chèo ghe của chị gồm 40 người, làm việc phục vụ khách du lịch tại một khu nghỉ dưỡng ở Cái Bè, Tiền Giang. Riêng chị làm nghề chèo ghe này đã hơn 10 năm, và đây là lần đầu tiên tham gia một chương trình lớn như vậy.

"Thực sự dù hơi cực, về muộn nhưng rất là vui khi tham gia một show lớn như vậy. Nhiều lúc trong giờ tập luyện các thành viên bị la ó khi quên cách chèo sao cho đẹp nhưng không ai giận gì đâu vì bản thân ai cũng hiểu đây là một chương trình lớn của thành phố" - chị Hằng bộc bạch.

Còn với anh Nghĩa chung đội chèo ghe với chị Hằng thì chuyện tham gia một show diễn cũng là lần đầu tiên và thực sự rất nhiều niềm vui vì lần đầu thấy một chương trình quy mô lớn như vậy.

Các diễn viên trở lại tập luyện

Các diễn viên trở lại tập luyện

"Nhìn vậy thôi chứ đôi lúc cũng gặp khó khăn nhiều lắm, nhiều khi nước sông lên xuống rồi nước xiết nữa, để giữ vững tay chèo. Rồi khi đứng yên nhưng phải giữ sao cho thuyền không bị trôi dù nước sông lớn.

Trong những ngày tập luyện thì Sài Gòn mưa nhiều lắm, nhiều lúc đang tập trời đổ mưa phải chèo vội vàng trú mưa đó chứ" – anh Nghĩa cười cho hay.

Sau buổi tổng duyệt chương trình, họ lại tất tả rời thành phố về lại Cái Bè, chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Trong ảnh: Du khách chụp ảnh lưu niệm cùng chị Thúy Hằng và các thành viên trong đội chèo ghe. Ảnh: Văn Hà

Sau buổi tổng duyệt chương trình, họ lại tất tả rời thành phố về lại Cái Bè, chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Trong ảnh: Du khách chụp ảnh lưu niệm cùng chị Thúy Hằng và các thành viên trong đội chèo ghe. Ảnh: Văn Hà

VĂN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/bat-mi-doi-hinh-cheo-ghe-trong-chuong-trinh-dong-song-ke-chuyen-post745774.html