Bất khuất nữ tù cách mạng Hải Dương

Thời gian đã lùi xa, những nữ tù cách mạng Hải Dương năm xưa giờ đây nhiều người đã mất, người còn lại thì tuổi cao, sức yếu. Trong ký ức của các cụ, những năm tháng trong tù đầy gian khổ nhưng bất khuất, kiên cường vẫn vẹn nguyên.

Lời kể của cụ Hoàng Thị Hoài về những năm tháng bị địch bắt, tù đày tại Nhà tù Hải Dương hiện còn lưu giữ tại nhà lưu niệm của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh

Lời kể của cụ Hoàng Thị Hoài về những năm tháng bị địch bắt, tù đày tại Nhà tù Hải Dương hiện còn lưu giữ tại nhà lưu niệm của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh

Tra tấn dã man

Chúng tôi đến thăm cụ Nguyễn Thị Phái (94 tuổi ở thôn Nhân Kiệt, xã Hùng Thắng, Bình Giang) vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cụ Phái dù mới trải qua một cuộc phẫu thuật, đi lại khó khăn nhưng gương mặt vẫn thể hiện rõ sự tinh tường, đôi mắt sáng đón chào khách từ xa tới. Dù chuyện trò không được nhiều nhưng khi nhắc về những năm tháng tham gia hoạt động cách mạng thời trẻ, cụ vẫn còn nhớ những đồng đội năm xưa ở làng, ở xã cùng đào hầm, chở che cán bộ.

“Sau này nghe cụ kể lại thì thời điểm ấy, dòng máu của gia đình cách mạng thôi thúc cụ hoạt động không sợ hiểm nguy. Cụ là đội viên du kích, cùng đồng đội tham gia đào hầm dẫn, che giấu cán bộ. Bố của cụ cũng che giấu cán bộ, bác ruột của cụ là cán bộ tiền khởi nghĩa. 18 tuổi cụ nhà tôi bắt đầu hoạt động cách mạng dù người rất nhỏ bé”, ông Vũ Đình Quyết, con trai cụ kể.

Cụ Phái người nhỏ bé nhưng trong những năm tháng làm đội viên du kích luôn xông xáo, không ngại hiểm nguy. Ảnh: THÀNH CHUNG

Cụ Phái người nhỏ bé nhưng trong những năm tháng làm đội viên du kích luôn xông xáo, không ngại hiểm nguy. Ảnh: THÀNH CHUNG

Trong một trận càn, cụ Phái cùng nhiều đội viên du kích khác bị địch phát hiện, giải về bốt Kẻ Sặt rồi dẫn ra Nhà tù Hải Dương. 5 tháng bị giam cầm (từ tháng 2 - 7/1954), dù người nhỏ bé, chân tay gầy yếu nhưng cụ không thoát được những trận đòn treo ngược chân, tay đánh cho đến bất tỉnh rồi lại bị dội nước lạnh để tra khảo. Nhưng ý chí của người chiến sĩ cách mạng đã giúp cụ vượt qua những ngày tháng đen tối ấy. Dù vậy, những đòn tra tấn ấy đã khiến sức khỏe của cụ suy kiệt.

Ở vào tuổi 95 nhưng cụ Phạm Thị Gấm (phường Thạch Khôi, TP Hải Dương) vẫn còn rất minh mẫn. Mỗi khi nhắc đến những ngày tháng bị giam cầm tại Nhà tù Hải Dương (từ tháng 3 - 6/1954) cụ lại không kìm được xúc động. Ngày ấy, cụ tham gia du kích, được phân công gác ở đường 5 khu vực xã Cẩm Khê (Cẩm Giàng) chặn đường đi xe tăng của Pháp. Một hôm, cụ và các chiến sĩ du kích bị địch càn, chạy vào ruộng lúa ẩn nấp. Sau đó bị địch bắt và đưa về Nhà tù Hải Dương.

- Nó cứ lấy dùi cui đánh tôi. Nó hỏi: Có biết Việt Minh ở đâu không? - Tôi bảo: Tôi còn bé, tôi không biết gì hết.
- Nó bảo: Bé này, này thì bé này. Rồi nó lại đánh. Đánh xong lại hỏi. Tôi đau lắm nhưng phải cắn răng chịu, chứ nhất định không thể khai được.

Nỗi đau càng chồng chất nỗi đau, vì thời điểm đó, cụ Gấm còn nghe tin vì gia đình nuôi giấu cán bộ Việt Minh nên anh trai cụ cũng bị địch bắt giam cầm ở Phả Lại.

Cụ Phạm Thị Gấm (phường Thạch Khôi, TP Hải Dương) vui cùng con cháu

Cụ Phạm Thị Gấm (phường Thạch Khôi, TP Hải Dương) vui cùng con cháu

Kiên trung bất khuất

Cụ Hoàng Thị Hoài (sinh năm 1928) hiện ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương). Hơn 20 tuổi, cụ đã là đảng viên và được tổ chức phân công nhiều nhiệm vụ quan trọng. Tháng 12/1950, cụ bị địch bắt trên đường đi làm nhiệm vụ. Chúng giam cụ ở Nhà tù Hải Dương. Khoảng giữa năm 1952, cụ bị chúng đưa đến Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Đến tháng 3/1954, dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng, cụ cùng nhiều đồng chí đã vượt ngục thành công. Trong đó, thời gian ở Nhà tù Hải Dương, cụ Hoài đảm nhận chức Trưởng ban Liên lạc tù chính trị Nhà tù Hải Dương.

Ngày 5/3, khi đoàn công tác của tỉnh đến thăm hỏi, tặng quà, sức khỏe của cụ Hoài đã giảm sút rất nhiều. Cụ không thể đi lại, không nói chuyện được. Song người thân của cụ Hoài cho biết, cụ vẫn tỉnh táo và nhận thức được. Khi mọi người hỏi về những năm tháng bị địch bắt, tù đày, đôi mắt cụ ánh lên bùi ngùi xúc động. Ánh mắt ấy khiến tôi nhớ đến câu nói của cụ được lưu thành sách lưu giữ tại nhà lưu niệm của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hải Dương: “Ở trong tù, bị đánh đập tàn bạo và khổ cực vô cùng. Chỉ có người trong hoàn cảnh đó mới hiểu. Nhà tù Hải Dương được coi là vô cùng dã man, chúng bắt tràn lan hàng ngàn người rồi tra tấn, chọn lọc những người biết tên tuổi, có hoạt động, có chức tước thì sẽ bị tra tấn nhiều hơn để lấy tư liệu. Ở trong tù, nghĩ đến mình là đảng viên thì coi sự hy sinh nhẹ như lông hồng. Trong cảnh cực khổ đó thì tôi không nỡ phụ lòng nhân dân”.

Cụ Nguyễn Thị Điền ở thôn Vũ Xá, xã Phúc Điền (Cẩm Giàng) là nữ cựu tù cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Hiện cụ đã 93 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh. Kể lại quãng thời gian tham gia kháng chiến, phục vụ cách mạng, cụ Điền đầy phấn khởi, tự hào.

Năm 19 tuổi, cụ xung phong vào đội du kích địa phương. Do dáng người nhỏ nhắn lại nhanh nhẹn nên cụ được cấp trên giao nhiệm vụ liên lạc, trao đổi thông tin với các đội du kích khác trong và ngoài xã. Cụ Điền nhớ lại: “Ngày ấy, phong trào chống Pháp diễn ra sôi nổi. Tôi cùng một anh bạn ở làng trên hăm hở tham gia, phản đối việc quân Pháp bắt lính. Tôi được bầu vào Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã Lai Cách”.

Đã ngoài 90 tuổi nhưng nữ cựu tù cách mạng Nguyễn Thị Điền vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh

Đã ngoài 90 tuổi nhưng nữ cựu tù cách mạng Nguyễn Thị Điền vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh

Trong lần thực hiện nhiệm vụ vào tháng 1/1953, cụ Điền bị địch bắt, tù đày tại Nhà tù Hải Dương. Sau 1 năm 2 tháng giam giữ tại đây, cụ bị chuyển lên Nhà tù Hỏa Lò. Dù ở trong cảnh ngục tù khổ cực, thiếu thốn song vẫn không làm nao núng tinh thần cách mạng của cụ Điền. Cụ với các bạn tù vẫn nghe ngóng thông tin bên ngoài, tin tưởng về ngày giải phóng. Đến năm 1954, sau khi Pháp thất bại trên nhiều mặt trận, buộc phải ngồi đàm phán kết thúc chiến tranh, cụ Điền được trao trả tự do. Đến tận bây giờ, hơn 70 năm đã qua đi nhưng cụ Điền vẫn nhớ bài ca kết đoàn mà cụ cùng các bạn tù hát khi gặp bộ đội ta đến nhà tù giải cứu tù cách mạng.

Khai tăng tuổi để được tham gia cách mạng là câu chuyện của cụ Nguyễn Thị Đa, sinh năm 1934 ở cùng thôn Vũ Xá, xã Phúc Điền (Cẩm Giàng) vẫn kể cho con cháu nghe. Được giác ngộ cách mạng từ sớm nên từ bé cụ Đa đã mong muốn được phục vụ kháng chiến. Khi địa phương tuyển du kích chống Pháp, cụ Đa đã khai thêm 2 tuổi để được đứng trong hàng ngũ cách mạng. Khi ấy cụ mới 14 tuổi. Nhỏ tuổi nhất đội nhưng cụ Đa lại hăng hái nhận nhiều nhiệm vụ như quân báo, tải đạn… Hoạt động cách mạng được gần 4 năm thì cụ bị quân Pháp bắt, giam giữ ở Nhà tù Hải Dương. Dù bị giam cầm song cụ vẫn không hề nao núng, một lòng hướng về cách mạng.

Khi được trả tự do, về địa phương cụ Đa hăng hái tham gia các phong trào thi đua sản xuất. Hiện đã ngoài 90 tuổi nhưng cụ vẫn khỏe mạnh, tự chăm lo cho bản thân. Hằng ngày, cụ vẫn đạp xe đi chợ. “Tôi luôn nhắc nhở con cháu phải đoàn kết, phấn đấu để không phụ sự hy sinh của lớp thế hệ đi trước”, cụ Đa chia sẻ.

Hiện Hải Dương còn 44 nữ cựu tù cách mạng. Các cụ là những người đã trải qua một thời kỳ lịch sử đấu tranh gian khổ của dân tộc. Hầu hết các cụ đều đã tuổi cao sức yếu. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và tỉnh Hải Dương luôn dành sự quan tâm thỏa đáng cho lớp người có công với cách mạng, trong đó có các nữ cựu tù cách mạng. Các cụ mãi mãi là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

NHÓM PV

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/bat-khuat-nu-tu-cach-mang-hai-duong-406801.html