Bất động sản ở Quảng Bình – nhiều vấn đề nóng mà địa phương cần quyết liệt vào cuộc

t nền cùng các sản phẩm bất động sản tăng nhiệt tại nhiều tỉnh thành là vấn đề tất yếu của đô thị hóa có yếu tố kinh tế thị trường. Nhưng với biểu hiện bị 'làm giá' và dấu hiệu 'bong bóng', giá trị bất động sản (BĐS) ở Quảng Bình được nhiều cử tri, đại biểu quan tâm, yêu cầu UBND tỉnh báo cáo và thảo luận tại ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVII.

Đất nền Quảng Bình dễ bị “thổi giá” nếu chính quyền không theo sát

Các dự án phát triển quỹ đất tại TP Đồng Hới và nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đầy đủ thủ tục về quy hoạch, phê duyệt dự án; việc định giá đất cụ thể để xác định giá khởi điểm đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất đã được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy vậy, trong hơn 3 năm gần đây (2016-2019), cử tri nhiều huyện, thị xã, thành phố phản ánh: “Hiện giá đất tại TP Đồng Hới và nhiều địa phương khác trong tỉnh tăng cao bất thường, do hiện tượng đầu cơ, đẩy giá đất. Người dân có nhu cầu mua đất ở thực sự ngày càng khó khi giá đất đạt và giữ ở ngưỡng cao. Đề nghị UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo, bình ổn giá đất; có chính sách về đất ở cho người nghèo”.

Tại ngày làm việc thứ 2 (ngày 11/7), kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021, vấn đề nóng này lại được đại biểu tham dự kỳ họp HĐND tỉnh đưa ra báo cáo, thảo luận nhằm sớm đưa ra biện pháp sát hợp.

Ông Nguyễn Viết Hải - Tổ đại biểu TP Đồng Hới, cho rằng: “Đi vào lĩnh vực BĐS luôn là vấn đề nóng, là vấn đề then chốt, quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh ta đã chú trọng điều hành, phát triển theo hướng ổn định, đi lên phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường. Nhờ đó, đô thị mở mang, khang trang hơn, đẹp hơn. Người dân có điều kiện cải thiện về nhà ở, doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn, một bộ phân cư dân được giải quyết công ăn việc làm. Khi lĩnh vực BĐS ổn định kéo theo nhiều lĩnh vực khác như du lịch và sản xuất vật liệu xây dựng đi lên, nhờ đó mà tỉnh thu được nguồn ngân sách đáng kể, như năm 2017 thu 1.505 tỷ đồng, năm 2018 thu 1.520 tỷ đồng. Qua đó, dễ thấy mức độ phát triển thị trường BĐS Quảng Bình có chiều hướng tăng lên. Nhưng trong thời gian cuối năm 2018 và nửa đầu năm 2019, có những điều bất ổn, có hiện tượng “bong bóng” BĐS, có nhiều tổ chức và cá nhân đến gây nhiều chiêu trò đẩy giá BĐS lên quá giá trị thực. Để đi sâu vào lĩnh vực này, xin điểm qua một số câu chuyên tương tự ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Khánh Hòa: Rất nhiều tổ chức “thổi giá” đất, ngang nhiên cắm biển rao bán những dự án không có thật, buộc chính quyền địa phương phải có biện pháp mạnh ngăn chặn. Tại Quảng Bình, việc thâu tóm BĐS là có, với chiêu trò vào thu gom, mua lại của người dân, thậm chí của nhà đầu tư rồi mua thông qua đấu giá, sau đó, chưa nộp tiền đã rao bán, tiếp tục “thổi giá” để người dân lầm tưởng, rồi mắc bẫy khi tiến hành mua bán đất nền. Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Bình đã có Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 06/6/2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh. Theo đó, giao các ngành trực thuộc, thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, diễn biến của thị trường để có các biện pháp xử lý kịp thời; rà soát, bổ sung quy hoạch đảm bảo dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong kinh doanh BĐS, thực hiện định giá đất cụ thể… Về quan điểm cá nhân, tôi xin đề xuất một số giải pháp: Thứ nhất, quyết liệt thực hiện Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 06/6/2019 của UBND tỉnh; thứ hai, công khai những dự án đang triển khai và sắp tới sẽ hình thành để người dân nắm được; thứ ba, tung bán các sản phẩm BĐS đồng loạt chứ không nên nhỏ lẻ; thứ tư, định giá khởi điểm của đất nền cần đúng giá trị thực… Hiện tại, đang là thời điểm then chốt mà chính quyền tỉnh cần quyết liệt, chú trọng thực hiện các giải pháp bình ổn giá đất, ngăn chặn các tổ chức “thổi giá” và làm đa dạng sản phẩm BĐS”.

Đại biểu Nguyễn Viết Hải báo cáo, thảo luận tại kỳ họp.

Cùng đó, ông Lê Thuận Văn - Tổ đại biểu huyện Lệ Thủy, cũng chuyển tải ý kiến của cử tri địa phương về vấn đề giá đất tăng cao và chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp tới các đại biểu dự kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Quảng Bình, nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp. Theo đó, đại biểu này đề nghị HĐND tỉnh Quảng Bình cần nhìn nhận đúng bản chất của cơn sốt đất nền tại địa phương, làm người dân nhầm tưởng đất đai khan hiếm, ít nhiều rơi vào bẫy lực lượng môi giới. Rồi từ đó, có biện pháp “hạ nhiệt” thị trường, đưa đất nền về đúng giá trị thực vốn có.

Sau những báo cáo, chuyển tải ý kiến cử tri địa phương về hiện tượng giá đất tăng cao bất thường, do hiện tượng đầu cơ, đẩy giá đất. Ông Hoàng Đăng Quang - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các Sở, ngành liên quan trực tiếp theo sát diễn biến của thị trường BĐS, phát hiện sớm các biểu hiện “làm giá”, để ngăn ngừa vấn đề “bong bóng” BĐS có thể khiến thị trường đóng băng.

Bên lề kỳ họp, qua trao đổi với chúng tôi, một số Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng và Phát triển Quỹ đất của các huyện, thị trên địa bàn tỉnh cho rằng, việc nhìn nhận đúng câu chuyện đất tăng bất thường do bị chi phối bởi một số tổ chức, cá nhân dùng chiêu trò thu gom, “thổi giá” là rất cần thiết và cần quyết liệt để hành động. Như tại TP Đồng Hới, lực lượng môi giới, “thổi giá” lên cao, làm nhiều người dân “đu” theo đầu cơ rồi mắc bẫy, phá đảo thị trường. Hiện nay, lực lượng này phần nhiều đã tháo chạy khỏi địa bàn này, tiến về các vùng gần kề.

Nhất Linh - Phi Long

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/bat-dong-san/bat-dong-san-o-quang-binh-nhieu-van-de-nong-ma-dia-phuong-can-quyet-liet-vao-cuoc.html