Bất động sản, khách sạn Hồng Kông điêu đứng vì biểu tình
Bất động sản và khách sạn, hai ngành kinh tế quan trọng của Hồng Kông, đang lâm khủng hoảng...
Bất động sản và khách sạn, hai ngành kinh tế quan trọng của Hồng Kông, đang lâm khủng hoảng vì biểu tình căng thẳng kéo dài gần 3 tháng qua.
Theo trang CNN Business, biểu tình đã khiến chứng khoán Hồng Kông mấp mé thị trường đầu cơ giá xuống (bear market), hay còn gọi là "thị trường gấu" - tình trạng khi giá một tài sản giảm 20% so với đỉnh gần nhất. Trong đó, thiệt hại lớn nhất thuộc về các công ty nhà đất.
Các "đại gia" bất động sản khốn đốn
Dữ liệu từ Refinitiv cho thấy, Hang Seng Properties Index, một thước đo giá cổ phiếu bất động sản Hồng Kông, đã giảm 19% kể từ mức đỉnh gần nhất thiết lập vào tháng 4. Cùng khoảng thời gian, chỉ số Hang Seng Index của toàn thị trường chứng khoán Hồng Kông giảm hơn 16%.
Cũng từ tháng 4, tổng giá trị vốn hóa thị trường của 9 công ty địa ốc niêm yết lớn nhất Hồng Kông đã giảm 446 tỷ Đôla Hồng Kông, tương đương giảm gần 60 tỷ USD.
Hồng Kông vốn là thành phố có giá nhà đắt đỏ nhất thế giới. Tuy nhiên, giá nhà ở Hồng Kông đang đứng trước khả năng sụt giảm vì ảnh hưởng của biểu tình và thương chiến Mỹ-Trung.
"Những cuộc biểu tình gần đây đã đặt ra áp lực bán tháo lớn đối với cổ phiếu các công ty bất động sản Hồng Kông, vì mọi người cảm thấy lo sợ trước sự bất ổn leo thang và không ai dám chắc đến bao giờ tình trạng này mới kết thúc", ông Louis Wong, Giám đốc của Phillip Capital Management, nhận xét. "Biểu tình đã gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của khách mua trên thị trường bất động sản".
Trong quý 2, kinh tế Hồng Kông chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng yếu nhất trong một thập kỷ. Theo ông Wong, biểu tình leo thang khiến triển vọng kinh tế Hồng Kông càng bấp bênh hơn.
Bên cạnh đó, đồng Nhân dân tệ giảm giá có thể làm suy yếu sức mua của khách Trung Quốc đại lục, một đối tượng khách quan trọng trên thị trường nhà đất ở Hồng Kông. Trong tháng 8 này, nhiều công ty địa ốc Hồng Kông đã hoãn kế hoạch bán nhà tại các dự án cao cấp.
"Các công ty địa ốc đang trở nên thận trọng với triển vọng thị trường. Họ quyết định dừng lại để chờ xem tình hình thế nào", ông Wong phát biểu.
Dữ liệu từ công ty môi giới bất động sản Midland cho thấy doanh số bán nhà mới ở Hồng Kông đã giảm 60% trong 3 tháng qua so với quý 1 năm nay.
Ngoài ra, theo dữ liệu của Knight Frank, doanh số bán nhà tại Hồng Kông trong tháng 7 giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Knight Frank dự báo giá nhà ở Hồng Kông trong nửa cuối 2019 sẽ giảm 5%.
Sung Hung Kai Properties, "đế chế" bất động sản nằm dưới sự kiểm soát của nhà Kwok, gia tộc giàu thứ ba ở châu Á, đã mất gần 15 tỷ USD vốn hóa thị trường so với mức đỉnh hồi tháng 4, tương đương giảm gần 1/3 vốn hóa.
Tập đoàn CK Asset của tỷ phú giàu nhất Hồng Kông Lý Gia Thành cũng đã mất hơn 10 tỷ USD vốn hóa trong cùng khoảng thời gian.
Cổ phiếu các công ty bất động sản lớn khác của Hồng Kông như Swire Properties Henderson Land Development, Sino Land, New Development Development, Wharf Real Estate, Hysan Development và Great Eagle Holdings đều giảm trên 20%.
Ngành khách sạn khủng hoảng
Các khách sạn ở Hồng Kông những ngày này chứng kiến lượng khách đặt phòng giảm với tốc độ chóng mặt, đặc biệt khi sân bay Hồng Kông rơi vào tê liệt hai ngày đầu tuần vì hàng nghìn người biểu tình có mặt ở sân bay và có các cuộc đụng độ với lực lượng cảnh sát.
Nghị sỹ Hồng Kông Yiu Si-wing, một người đại diện cho ngành du lịch của vùng lãnh thổ, cho biết doanh thu phòng của các khách sạn Hồng Kông có nguy cơ giảm tới 50% trong tháng này do lượng du khách từ Trung Quốc đại lục sụt giảm. Khách đại lục - những người vốn chiếm khoảng 80% du khách đến Hồng Kông - đang hủy tour hàng loạt vì lo ngại an toàn.
Theo ông Yiu, trong nửa đầu năm nay, tỷ lệ sử dụng phòng khách sạn ở Hồng Kông đạt bình quân 90%. Nhưng tỷ lệ này có thể giảm 1/3 trong nửa cuối năm do lượng khách Trung Quốc đại lục sụt giảm.
"Ảnh hưởng đối với ngành du lịch là rất lớn", ông Yiu nói với hãng tin Bloomberg, và cho biết một nửa số khách đại lục dự kiến tới Hồng Kông trong tháng 8 có thể hủy hoãn hoãn tour.
Giá phòng tiêu chuẩn cho cuối tuần này tại khách sạn cao cấp Conrad Hotel ở Hồng Kông, một khách sạn thuộc tập đoàn Hilton Worldwide, chỉ là 195 USD, rẻ hơn 40% so với giá đặt phòng cho thời điểm sau 2 tháng nữa. Phòng tại các khách sạn cao cấp khác của Hồng Kông như Marriott và Shangri-La cũng có mức giảm giá tương tự.