Bất động sản chung tay phòng chống ô nhiễm không khí
Không khí tại Hà Nội và TP.HCM trong vài tuần qua đã có những thời điểm chạm mức ô nhiễm cao, gây hại cho sức khỏe. Khi cả hai thành phố đang thực hiện một loạt các biện pháp để khắc phục tình hình, và bất động sản thương mại có thể đóng góp một phần trong nỗ lực chung đó. Các tòa nhà có thể học hỏi từ các nước đi trước để góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, 91% dân số thế giới đang ở những khu vực có mức ô nhiễm không khí vượt quá giới hạn đảm bảo sức khỏe do WHO đề ra. Các quốc gia trên thế giới hiện đang chung tay theo dõi chặt chẽ tình trạng ô nhiễm không khí ở địa phương và nỗ lực để cải thiện chất lượng không khí. Hiện nay, hơn 4300 thành phố ở 108 quốc gia đã được đưa vào cơ sở dữ liệu về chất lượng không khí của WHO, trở thành cơ sở dữ liệu toàn diện nhất trên thế giới về ô nhiễm không khí.
Bà Lucy Auden - Phụ trách bộ phận Môi trường, Xã hội và Quản trị của Savills cho biết, trên thế giới đang xuất hiện một xu hướng mang tên đầu tư có tầm ảnh hưởng với chủ đích tạo ra tác động xã hội hoặc môi trường, bên cạnh lợi nhuận tài chính truyền thống. Các nhà quản lý đầu tư bất động sản đã và đang dần lưu tâm hơn đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
“Yếu tố gạch vữa của bất động sản làm cho ngành này phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn từ biến đổi khí hậu. 40% lượng khí thải carbon toàn cầu đến từ môi trường xây dựng, đồng nghĩa với cơ hội giảm lượng khí thải toàn cầu từ lĩnh vực bất động sản. Phòng ngừa và thích ứng với biến đổi khí hậu đều có tác động mạnh mẽ đến đầu tư bất động sản”, bà Auden nói.
Ở Việt Nam, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh đến chóng mặt, nhất là mật độ xây dựng, lượng phương tiện giao thông tăng đột biến. Các hoạt động xây dựng, thi công nhiều công trình lớn, ít hơn tại các địa phương như sửa chữa nhà cửa, đường sá... đang có những tác động tiêu cực, làm ảnh hưởng đến môi trường không khí và làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đó (như ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn...).
Việc buông lỏng, chưa tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và bảo đảm trật tự, an toàn cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí. Nhận thức về tầm ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực bất động sản thương mại đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn, trở thành một phần không thể thiếu của xu hướng tác động đầu tư, và Việt Nam không là ngoại lệ.
Để quản lý, kiểm soát chất lượng không khí đạt hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần tiếp tục rà soát, ban hành, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là xây dựng quy định đối với môi trường không khí. Đẩy mạnh kiểm soát, hạn chế các nguồn gây ô nhiễm không khí trên địa bàn như các công trình xây dựng; tăng mật độ cây xanh trong đô thị; tăng cường phương tiện giao thông công cộng như: xe buýt, xe điện trên cao, xe điện ngầm và hình thức giao thông không gây ô nhiễm...
Cùng với đó, cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chất lượng môi trường không khí đối với sức khỏe đến cộng đồng; Tăng mạng quan trắc môi trường không khí trên địa bàn. Kiểm soát các ngành công nghiệp gây ô nhiễm như nói không với những doanh nghiệp công nghiệp gây ô nhiễm; với doanh nghiệp đang gây ô nhiễm khuyến nghị có lộ trình chuyển đổi sang những công nghệ tiên tiến không gây ô nhiễm môi trường hoặc yêu cầu đóng cửa; Sử dụng các loại năng lượng có khả năng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió thay cho các năng lượng hóa thạch như than đá.
Không khí tại Hà Nội và TP.HCM trong vài tuần qua đã có những thời điểm chạm mức ô nhiễm cao, gây hại cho sức khỏe. Khi cả hai thành phố đang thực hiện một loạt các biện pháp để khắc phục tình hình, và bất động sản thương mại có thể đóng góp một phần trong nỗ lực chung đó. Các tòa nhà có thể học hỏi từ các nước đi trước để góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí.
Cụ thể, hiện nhiều dự án thương mại ở Việt Nam đã đạt được hay tuân theo tiêu chuẩn của các chứng nhận xanh và hiệu quả năng lượng vào xây dựng và thiết kế tòa nhà. Các dự án cần phải đáp ứng được điều kiện giảm thiểu lượng tiêu thụ nước tới 50% thông qua tái chế, giảm tiêu thụ năng lượng 13% nhờ quản lý tòa nhà hiệu quả. “Bộ lọc, các vật liệu tỏa khí thải thấp và cảm biến đã được lắp đặt để duy trì chất lượng không khí tốt trong nhà. Mặt khác các tấm kính mặt ngoài dự án được xử lý để giúp cải thiện chất lượng không khí bên ngoài. Bằng cách sử dụng vật liệu ít tỏa khí thải bên trong tòa nhà, làm giảm nồng độ các chất ô nhiễm hóa học có thể gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí, sức khỏe con người và môi trường sống”, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó giám đốc Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội cho biết.
Trong bối cảnh chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành đang phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc giải quyết khủng hoảng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM, các chiến lược môi trường do doanh nghiệp dẫn đầu sẽ trở nên phổ biến trong bất động sản thương mại. Sự chung tay giữa các đơn vị phát triển bất động sản, các công trình xây dựng, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và giao thông vận tải sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng không khí tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng.